PPP hạ tầng giao thông - Để thực sự là mô hình cùng chia lợi ích, san sẻ rủi ro

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông tăng cao (giai đoạn 2011-2020 tới 160 tỷ USD), nguồn lực ngân sách có hạn, Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư  (PPP) mở ra kỳ vọng sẽ có một làn sóng vốn ngoài ngân sách. Vậy làm thế nào để mô hình này thật sự cùng chia lợi ích, san sẻ rủi ro cho đôi bên?
PPP hạ tầng giao thông - Để thực sự là mô hình cùng chia lợi ích, san sẻ rủi ro

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông tăng cao (giai đoạn 2011-2020 tới 160 tỷ USD), nguồn lực ngân sách có hạn, Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư  (PPP) mở ra kỳ vọng sẽ có một làn sóng vốn ngoài ngân sách. Vậy làm thế nào để mô hình này thật sự cùng chia lợi ích, san sẻ rủi ro cho đôi bên?

PPP không phải là “cây đũa thần”!

Quyết định 71 mang ý nghĩa “thể chế thành ý” từ phía khu vực công trong việc kêu gọi sự hợp tác của khu vực tư. Cùng với việc tập hợp lại các ưu đãi đầu tư, Nhà nước đã chủ động nêu lĩnh vực, từ đó lập dự án mình cần, thay vì để doanh nghiệp tự tìm và gõ nhiều cửa với nhiều thủ tục hành chính khác nhau.

Thế nhưng, theo như ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Tổ trưởng Tổ công tác PPP, đã trao đổi trên báo Đầu tư gần đây, thì cho đến nay,  “các bộ, ngành, địa phương chưa đề xuất các dự án thực sự có tính thương mại, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, trong khi PPP không phải là cây đũa thần để biến một dự án bất kỳ nào đó trở thành một dự án tốt”. Và ông cũng cho biết “có dự án được đề xuất vô cùng sơ sài, chỉ bao gồm tên dự án mà không có vốn đầu tư, hầu hết các dự án đều chưa có đề xuất về phần đóng góp của phía Nhà nước”.

Trên thực tế cho thấy, trước khi có Quyết định 71, Việt Nam đã tiến hành nhiều hình thức đầu tư mang tính chất PPP như BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao) nhưng không thật thành công, xét trên khía cạnh mục tiêu, số lượng cũng như chất lượng của các dự án. Cho đến nay, nhiều nguồn thống kê khác nhau cho thấy chỉ khoảng 100 dự án BOT, BT được tiến hành, trong đó có nhiều dự án bị cho không mang lại hiệu quả cao chẳng hạn như BOT cầu Bình Triệu 2. Một điểm đáng chú ý là đa số đối tác tư trong các dự án không thực sự “tư” bởi đó là doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, muốn thúc đẩy PPP, phải rút kinh nghiệm, gỡ vướng từ thực tế này.

Tất cả cần “nhìn về một hướng”…

Theo các chuyên gia, trong khi rủi ro lớn nhất của khu vực công trong mối quan hệ PPP là năng lực tài chính, kỹ thuật của nhà đầu tư thì rủi ro của nhà đầu tư đến từ các cơ quan quản lý nhà nước dưới dạng rủi ro chính sách-pháp lý, rủi ro trong việc thực hiện các cam kết của đối tác và cả rủi ro từ phía cầu dịch vụ của người dân.

Có thể sẽ không toàn diện nếu đem ra làm ví dụ nhưng với dự án BOT cầu Bình Triệu 2 có thể xem như một điển hình của việc hợp tác không hiệu quả, do “rủi ro” về mặt chính sách đối với chủ đầu tư là Cienco 5. Thực tế cho thấy, khi thay đổi quy hoạch, mở rộng một đoạn quốc lộ 13 từ 32 mét lên 53 mét, tổng đầu tư của dự án đã tăng lên gấp nhiều lần, điều này khiến thời gian thu hồi vốn phải tăng từ 11 lên 25 năm, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc bảo lãnh vay vốn…

Hay như dự án BOT cầu Phú Mỹ cũng không ngoại lệ. Hoàn thành trước tiến độ 4 tháng và được dư luận trong và ngoài nước đánh giá tốt về kỹ thuật xây dựng, niềm vui không được bao lâu thì chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc trả nợ vay. Một trong những nguyên nhân là nguồn thu từ phí lưu thông qua cầu thấp hơn dự tính… và nhiều vướng mắc khác… Hiện tại, nếu không gỡ được khó khăn về tài chính, chủ đầu tư đề xuất bàn giao cầu, nhận tiền trước thời hạn. Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, đối với hình thức đầu tư BOT, tinh thần “hợp tác” là nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu lợi nhuận nhưng tốt nhất là các bên ràng buộc nhau trong hợp đồng, kể cả việc liệt kê những rủi ro chính sách và hướng ứng xử.

Được biết, Sở GTVT TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư theo mô hình PPP theo hướng nếu doanh thu thực tế không đạt được như phương án tài chính (dưới 85%) thì Nhà nước sẽ bù khoản thiếu hụt này. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, đề xuất này có phù hợp với bản chất của PPP hay không. Bởi vì năng lực của nhà đầu tư thể hiện ở chỗ họ có dự liệu được tương đối chính xác lợi ích mà mình có thể nhận được và họ phải chịu trách nhiệm về dự liệu mà đi kèm với nó là quyết định đầu tư. Nếu bảo lãnh doanh thu, sẽ đặt quá nhiều rủi ro về phía Nhà nước, tạo ra tâm lý ỷ lại và rủi ro đạo đức, tạo nguy cơ để khu vực tư nhân, vì muốn tham gia dự án, phóng đại doanh số, lợi nhuận… Luật sư Quang phân tích thêm: Nhà nước bù phần thiếu hụt thì thành ra tư nhân kinh doanh và nhà nước chịu lỗ, dự án PPP sẽ trở thành dự án “xin-cho” và là biến tướng của nền kinh tế kế hoạch và bao cấp trước đây…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy trao đổi với báo chí ngày 13-6-2011 vừa qua, “ước tính sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường này (PPP ở Việt Nam) sẽ có quy mô hơn 100 tỷ USD trong 10 năm tới trong khi thị trường PPP tại châu Á sẽ có giá trị khoảng 500 tỷ USD”.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa con số trong mơ này, mọi giải pháp phải đi từ bản chất của PPP là chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi ích, PPP dứt khoát không phải chùm khế ngọt cho bên nào. Quá trình xây dựng dự án và tìm được đối tác trong PPP, có thể ví như một cuộc hôn nhân, đòi hỏi cả hai bên cùng nhìn về một hướng, nếu không muốn đi đến cái kết cục đáng buồn là một cuộc chia tay.

Cầu Phú Mỹ kết nối dòng chảy giao thông từ quận 2, quận 7 sang trung tâm thành phố, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở bờ Đông thành phố. (Nguồn ảnh: Phan Quang)

Cầu Phú Mỹ kết nối dòng chảy giao thông từ quận 2, quận 7 sang trung tâm thành phố, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở bờ Đông thành phố. (Nguồn ảnh: Phan Quang)

Thiên Tường

Tin cùng chuyên mục