QH thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH khóa XII: Hoạt động giám sát có nhiều tiến bộ

Hiệu quả thiết thực, rõ nét
QH thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH khóa XII: Hoạt động giám sát có nhiều tiến bộ

Ngày 28-3, QH đã thảo luận tại hội trường về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 4 năm của QH khóa XII. Các ý kiến phát biểu đã ghi nhận, vị thế của QH không ngừng được nâng cao và người dân ngày càng tin tưởng vào những quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất.

Hiệu quả thiết thực, rõ nét

Cả 3 lĩnh vực công tác của QH: xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đều đã có những chuyển biến quan trọng, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định. Theo ĐB, công tác lập pháp ngày càng được cải tiến, cơ bản đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến và thống nhất trong toàn hệ thống.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho rằng, hoạt động giám sát của QH kỳ này có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ ở các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. “Nhiều bà con cho biết thích theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Trên nghị trường, nhiều đại biểu đã thể hiện rõ bản lĩnh, thẳng thắn, nảy lửa nhưng chân tình và xây dựng”, ông nói. Cùng quan điểm này, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) khẳng định, QH đã thực sự là của dân, do dân và vì dân, thể hiện qua văn hóa tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn cũng như khi đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) phát biểu tại kỳ họp

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) phát biểu tại kỳ họp

Quốc hội còn “bị động”?

Đây là ý kiến phát biểu thẳng thắn của ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM). Bà Minh Hồng nêu ví dụ, việc phê chuẩn quyết toán ngân sách hay dự toán ngân sách của QH trong hoàn cảnh “chi thì đã chi rồi, tiền ngân sách cũng đã phân bổ trước đó rồi, nay cho ý kiến khác thì thực hiện cũng rất khó”. Công tác lập pháp được ĐB nhìn nhận còn thụ động, “cái nào được trình trước thì làm trước, xong sau làm sau; có luật cơ quan chuẩn bị không làm kịp, xin chưa trình ra Quốc hội, cho dù đời sống kinh tế xã hội đang rất bức xúc, rất cần”.

ĐB Lê Thị Dung (An Giang) đồng tình: “QH cần phải quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các cơ quan chuẩn bị luật phải đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án luật. QH cũng không nên nể nang khi “cho qua” nhiều điểm chưa nhận được sự đồng thuận cao trong các dự luật”. Một trong những luật “cần mà chưa có”, theo nhiều ĐB, là Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. ĐB Nguyễn Đăng Trừng nhấn mạnh thêm sự cần thiết của Luật Biển.

QH thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH khóa XII: Hoạt động giám sát có nhiều tiến bộ ảnh 2

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương chụp ảnh với đoàn đại biểu TPHCM vào sáng 28-3. Ảnh: Minh Điền

Trong mảng công tác giám sát, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bình Thuận) nhận xét: “Nhiều trường hợp chúng tôi không nắm được việc giải quyết các vấn đề sau giám sát đến đâu. ĐBQH - nhất là ĐB ở địa phương - không có đủ thông tin đa chiều, chuẩn xác để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”… Để hoạt động QH ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, ĐB Danh Út (Kiên Giang) kiến nghị, cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn ĐBQH. Theo ĐB này, chính vì số lượng đại biểu chuyên trách ít, hay thay đổi nên “sáng kiến pháp luật” của đại biểu còn hạn chế.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhận định: “Những ĐB phát biểu nhiều, thẳng thắn thường là ĐB chuyên trách, không ở trong bộ máy chính quyền”. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, mô hình đoàn ĐBQH hiện nay còn nặng tính hành chính, việc lựa chọn ĐBQH chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp, liên tục và kế thừa.

ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc), ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) đề nghị tăng cường bộ máy giúp việc cho ĐBQH, trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan nghiên cứu của QH, nhằm hỗ trợ đắc lực cho các ĐBQH củng cố chính kiến một cách có cơ sở vững chắc.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục