Quá tải các tuyến đường huyết mạch ở miền Trung

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành vận tải hàng hóa qua các tuyến quốc lộ ở miền Trung vẫn rất nhộn nhịp. Hiện tại tuyến huyết mạch Bắc - Nam, các quốc lộ từ miền Trung lên Tây Nguyên, hoặc từ các địa phương đi Lào đang ngày càng nhiều xe cộ, khiến áp lực lên các tuyến đường rất lớn.
Quốc lộ 8 Hà Tĩnh đi Lào nhiều đoạn chật cứng. Ảnh: MINH PHONG
Quốc lộ 8 Hà Tĩnh đi Lào nhiều đoạn chật cứng. Ảnh: MINH PHONG

Nhiều nút cổ chai trên quốc lộ 1A

Mặc dù đã được nâng cấp, song dọc tuyến quốc lộ 1A (QL1A) đoạn qua các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên xuất hiện nhiều điểm nghẽn gây ùn tắc giao thông. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP trên cung đường huyết mạch quốc gia, xuất hiện điểm cổ chai ở phường Ngô Mây (huyện Phù Cát, Bình Định), điểm vào đến cầu vượt Bà Di qua khu dân cư huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), là những “điểm đen” mất an toàn giao thông. 

Ở Bắc miền Trung, cánh tài xế mỗi lần qua TP Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, đoạn QL1A dài 5km được sử dụng chung cho lưu thông nội thị lẫn giao thông Bắc - Nam, nên tuyến đường này thường xảy ra tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Không những thế, đoạn đường này thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng chết người. 

Trong khi đó, QL1A đoạn qua tỉnh Quảng Bình gặp 2 nút thắt cổ chai tại cầu Quán Hàu (huyện Quảng Ninh), cầu Gianh (Bố Trạch qua thị xã Ba Đồn), là nỗi khiếp sợ của cánh tài xế đường dài. Anh Nguyễn Minh, tài xế container từ TPHCM chở hàng ra Lạng Sơn, nói: “QL1A được nâng cấp 4 làn xe 2 chiều, nhưng cầu Quán Hàu và cầu Gianh không được nâng cấp, lại độc đạo nên mỗi lần bị tai nạn là tắc 2 đầu cầu hàng chục cây số. Nhiều vụ chết người rất thương tâm. Muốn di chuyển đường khác phải lên đường Hồ Chí Minh cách đó 70km, chạy hơn 150km mới nhập vào QL1A…”.

Hầu hết các tuyến đường bộ kết nối vùng Nam Trung bộ lên Tây Nguyên cũng đang quá tải khiến năng lực lưu thông ảnh hưởng lớn. Tuyến QL24B, 24, 19, 25, 29 là tuyến giao thông huyết mạch từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đi Tây Nguyên và kết nối vùng tam giác kinh tế Việt Nam - Campuchia - Lào. Đây cũng là tuyến huyết mạch nối Tây Nguyên với cửa ngõ phía Đông thông qua cảng biển Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô. Tuy nhiên, hiện tuyến giao thông này đang xuống cấp, không đủ năng lực tiếp nhận phương tiện chở hàng siêu trường, siêu trọng.

Tại tỉnh Quảng Trị, giới tài xế đang lo QL9 từ Đông Hà đi Lao Bảo xuống cấp và chật hơn khi lưu lượng container chở hàng ngày mỗi nhiều. Chung cảnh ấy, QL12A từ Cha Lo (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) về đường Xuyên Á, xuống cảng Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang gánh lượng xe tăng vọt mỗi năm, khiến đường chật hơn bao giờ hết. 

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, thừa nhận: “QL12A nay đã chật do bùng nổ lượng xe chở hàng qua cửa khẩu Cha Lo quá lớn. Cần có giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo lượng xe ngày mỗi tăng để phát triển kinh tế và giới tài xế bớt áp lực mất thời gian giao hàng”.

Theo khảo sát của PV Báo SGGP, QL8 từ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đi Lào qua cửa khẩu Cầu Treo cũng đang rất chật chội. QL48, 48C, 48E… ở Nghệ An cũng trong tình trạng tương tự, khiến giao thương bị ảnh hưởng.

Dài cổ chờ dự án

Để giảm thiểu ách tắc trên nhiều tuyến huyết mạch qua miền Trung, Bộ GTVT đang ưu tiên nguồn vốn, kết nối tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi đi Quy Nhơn (88km, khoảng 21.000 tỷ đồng) và cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn - Phú Yên - Khánh Hòa. Dự kiến, bộ sẽ chia ra thành 2 dự án đầu tư cùng một thời điểm 2021 - 2025. Riêng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Khánh Hòa có thể hoàn thành trước năm 2025; cao tốc qua tỉnh Phú Yên khoảng trên 100km, kinh phí dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.

Cùng đó, 3 dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh vào Quảng Bình cũng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, gồm: đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng có chiều dài khoảng 89km, chia thành 2 dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng; đoạn Vũng Áng - Kỳ Anh có chiều dài khoảng 14km, thuộc dự án Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình) cũng được lên kế hoạch. 

Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình Phạm Văn Năm cho biết, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Bùng đi Cam Lộ nhằm phá thế độc đạo tuyến QL1A đi qua tỉnh này. Cũng theo ông Năm, ngành GTVT cũng đồng ý xây thêm cầu sông Gianh và cầu Quán Hàu mới, nhằm xóa nút thắt cổ chai nguy hiểm trên 2 địa điểm này. Các QL12A, đường xuyên Á từ Cha Lo về Vùng Áng cũng đã được ghi nhớ nhằm đầu tư với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.

Đối với đường tránh TP Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi hình thức đầu tư dự án Đường tránh phía Đông từ hình thức đối tác công - tư sang đầu tư công và giao Bộ GTVT là cơ quan quyết định đầu tư dự án. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 70km với hơn 7.700 tỷ đồng theo phương thức đối tác công - tư.

Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, điểm nghẽn QL1A từ Bình Sơn - TP Quảng Ngãi đang được đề xuất mở thêm 2 cung đường song song với QL1A kết nối TP Quảng Ngãi - Khu công nghiệp Tịnh Phong (phía Tây) và TP Quảng Ngãi - Bình Sơn (phía Đông), sẽ giải quyết được cơ bản bài toán ách tắc trên QL1A. Đối với trục kết nối phía Tây, Quảng Ngãi với Kon Tum, qua QL24B, 24 thì Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư, nâng cấp 2 dự án này với số vốn khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đối với Phú Yên, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phương Đông cho biết, đang nâng cấp QL25 lên Tây Nguyên với kinh phí 800 tỷ đồng. Tỉnh cũng đề xuất Bộ GTVT đầu tư 2.300 tỷ đồng nhằm giải tỏa quá tải ở QL29 để thúc đẩy kinh tế phát triển trong tương lai.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng để đầu tư nâng cấp từng bước, đảm bảo hoàn chỉnh 4 làn xe cho phân đoạn Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan (Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng) có dải phân cách, đảm bảo khai thác an toàn, kết nối liên hoàn với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trước năm 2025. Do khó khăn về nguồn lực nên phân đoạn Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan chỉ đầu tư 2 làn xe, trong khi các đoạn tuyến khác trên toàn quốc đã đầu tư 4 làn xe, dẫn đến hạn chế năng lực thông hành sau này. 

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn trùng với đường Hồ Chí Minh dài 98,35km, với tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến hoàn thành cuối 2021, sẽ tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khu vực cũng như hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đồng bộ hơn.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục