Không nằm ngoài dự báo, khả năng thể thao Việt Nam (TTVN) hoàn thành số lượng vận động viên (VĐV) đạt chuẩn dự Olympic đang gặp khó khăn khi đến nay mới chỉ đạt 2 suất của bắn súng và 1 của bơi lội, do các VĐV này đều từng đoạt huy chương thế giới. Trong khi đó, những môn khác dù rất được kỳ vọng thì lại gặp vấn đề về phong độ của các VĐV.
Có lẽ cũng cần nhắc lại, dự kiến về các suất dự Olympic của TTVN hiện nay chủ yếu dựa trên năng lực cá nhân chứ không phải tập thể. Nếu VĐV không đạt thì môn đó cũng sẽ không hoàn thành mục tiêu. Ví dụ như môn điền kinh, bơi lội vốn thâu tóm nhiều HCV tại SEA Games 28 vừa qua, nhưng mọi hy vọng chỉ đặt vào 2 VĐV Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Ánh Viên. Trong khi cử tạ, bắn súng thì dựa vào Thạch Kim Tuấn, Hoàng Xuân Vinh…
Điều này phản ảnh thực trạng của TTVN khi số lượng không bù được cho chất lượng. Ngay ở tầm Asiad, tức Đại hội thể thao châu Á, thì tại Asiad 17 cuối năm trước, dù cử đi 200 VĐV tham dự nhưng cũng chỉ đoạt được 36 huy chương, trong đó chỉ 1 HCV, chiếm một tỷ lệ quá nhỏ nếu chúng ta so sánh với quá trình đầu tư. Từ Asiad lên Olympic là một khoảng cách khá xa mà tính từ năm 2000 đến nay, TTVN cũng chỉ mới 2 lần đoạt huy chương tại sân chơi tầm cỡ thế giới này.
Đây là một nghịch lý. Trong thể thao đỉnh cao, để phát triển thành tích thi đấu cũng như tăng chất lượng cho hoạt động đầu tư, yếu tố cạnh trạnh cần được duy trì ngay từ môi trường trong nước. Cứ mỗi dịp SEA Games, TTVN luôn tham gia gần đủ các môn với số lượng VĐV đông đảo, nhưng càng lên sân chơi cao hơn thì cơ hội về thành tích lại kém đi. Nó cho thấy việc đầu tư không đúng thực chất, hoạt động thi đấu trong nước kém chất lượng nên chỉ những VĐV có tài năng thiên phú và được đưa đi tập huấn nước ngoài thì mới có thể nâng tầm đẳng cấp. Điều này đi ngược với quy luật về phát triển thể thao từ phong trào cho đến đỉnh cao.
Nhiều môn thể thao tại Việt Nam hiện nay chưa thi đấu đã biết ai đứng đầu, các VĐV đó còn phải “ôm” nhiều nội dung khác nhau để tăng số lượng huy chương cho đoàn mình, dẫn đến việc đánh giá không đúng thực chất sự phát triển chung.
Việc gặp khó khăn khi tranh suất dự Olympic có thể là một bài học cho TTVN. Ở những sân chơi quá tầm như vậy, cần tập trung vào chất lượng của từng suất tham gia, không nên hy vọng vào những chuẩn B theo kiểu “khuyến khích”, bởi việc có mặt hầu như không mang lại nhiều ý nghĩa, thêm sự lãng phí. Ở Olympic 2012, đã xảy ra trường hợp các VĐV thể dục dụng cụ đến nơi mới được làm quen với thiết bị tập luyện hiện đại và không đủ thời gian để thích nghi, đương nhiên kết quả thi đấu thậm chí còn kém hơn khi ở nhà. Nói cách khác, sân chơi Olympic chưa phải là mục tiêu của TTVN hiện nay, trước mắt là cần cải thiện thành tích tại đấu trường Asiad, nơi mà từ năm 2002 đến nay, chất lượng thi đấu đang sa sút đều đặn qua từng kỳ đại hội, mặc dù TTVN vẫn duy trì vị trí trong tốp 3 Đông Nam Á nếu tính trên số lượng huy chương.
Tính toán mục tiêu cho từng đấu trường cụ thể cũng là một phần trong chiến lược phát triển thể thao nước nhà chứ không đợi đến khi xuất hiện VĐV tài năng thì vội vàng nâng chỉ tiêu hoặc ngược lại.
ĐĂNG LINH