Đường lối đổi mới của Đảng đề ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI được xem là bước ngoặt trong công cuộc đổi mới ở nước ta. Đường lối đổi mới này đã được Đảng đúc kết từ thực tiễn của cả một quá trình xây dựng phát triển đất nước, trong đó dấu ấn của TPHCM - thể hiện qua tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, không chịu bó tay trước những trói buộc về thể chế của những nhà lãnh đạo TP đương thời - đã trở thành nhân tố góp phần vào sự thừa nhận quan hệ sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường trong nội dung đổi mới.
“Xé rào” để tìm chân lý từ thực tiễn
Từ cuối năm 1979, để thoát khỏi tình trạng nền kinh tế suy thoái, Đảng bộ và nhân dân TP đã chủ động tìm kiếm những biện pháp và hình thức tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất bung ra, thoát dần cơ chế quan liêu, bao cấp.
Sản xuất hàng xuất khẩu trên thiết bị hiện đại (Nhà máy Dệt Phong Phú). Ảnh: T.L
Nắm bắt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV), Thành ủy ban hành Nghị quyết 9 (tháng 8-1979) khuyến khích các doanh nghiệp (DN) quốc doanh tinh thần tự chủ, tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại cấp trên về vật tư, nguyên liệu. TP chỉ đạo và đỡ đầu về trách nhiệm cho một số DN quốc doanh trên địa bàn TP thực hiện “kế hoạch B”, mà thực chất là tự tìm kiếm nguồn vật tư nguyên liệu, tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm (đây là hành vi vi phạm vào điều cấm của cơ chế quản lý kinh tế lúc bấy giờ).
Các mô hình công nghiệp quốc doanh “tự cứu” mình nổi bật như Xí nghiệp Thuốc lá, Nhà máy Bia Sài Gòn, Dệt Thành Công, Dệt Phước Long, Dệt Phong Phú, Dệt Thắng Lợi, Dệt 3, Cơ khí Caric, Sinco…; đẩy mạnh kế hoạch sản xuất “phụ” ngoài kế hoạch pháp lệnh. Sức sống của các DN này là ở phần “phụ” vì nó bắt đầu có hơi thở của thị trường.
Từ đầu thập niên 1980, với chủ trương thí điểm kế hoạch 3 phần theo các Nghị định 25, 26/CP của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), QĐ 182/CP về phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân viên chức, TP đã mạnh dạn thử nghiệm kế hoạch 3 phần và mở rộng xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có để chủ động nhập vật tư nguyên liệu, tự cân đối cho sản xuất của địa phương và đồng thời bổ sung cho các DN trung ương trên địa bàn. TP cũng chủ động liên kết với các địa phương có sản phẩm nông nghiệp để thực hiện mối quan hệ công - nông nghiệp - thương mại, tạo ra nông sản phẩm xuất khẩu của TP.
Việc thử nghiệm này mang lại kết quả to lớn, giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện, TP có nguồn hàng hóa phục vụ cho mạng lưới thương nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, sự năng động, sáng tạo, vượt khó của TP cũng nhận không ít sự phê phán là TP làm trái với những nguyên lý quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhưng lãnh đạo TP vẫn kiên trì thực hiện. Tinh thần và sự quyết liệt này của TP đã được cố Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí từng nhận xét: Chân lý không tồn tại ngoài thực tiễn.
Quá trình hình thành và hoàn thiện
Thực tiễn đời sống kinh tế TPHCM từ đầu thập niên 80 đến nay được xem là nơi hình thành những nhân tố mới đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường của nước ta. Ngay từ năm 1982, với Nghị quyết 01-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định vị trí vai trò của TPHCM đối với khu vực phía Nam và cả nước; đồng thời tạo điều kiện cho TP thực hiện những cơ chế và chính sách mang tính thí điểm, đột phá nhằm tạo ra những bài học thực tiễn làm cơ sở hình thành những chính sách và cơ chế quản lý chung của cả nước.
Năm 1989, UBND TP đã ban hành dưới hình thức một quyết định (QĐ 639/QĐ/UBND ngày 20-10-1989) nhằm chế định các loại hình DN như DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý. Đây có thể xem là “luật chơi” đầu tiên ở nước ta để vận hành cơ chế thị trường, bảo đảm tính pháp lý cho các chủ thể kinh doanh.
Việc chế định các loại hình DN này, hai năm trước khi Quốc hội ban hành một đạo luật có liên quan, đã cho thấy sự bức xúc của thực tiễn mà pháp luật đang còn bất cập.
TP cũng đã sớm đề ra chiến lược kinh tế hướng vào xuất khẩu, trong điều kiện các chính sách kinh tế và điều kiện hạ tầng kỹ thuật chung chưa bảo đảm. Do đó, đã học tập kinh nghiệm của nước ngoài đề xuất với Trung ương cho thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn TP. Định chế này sau đó đã được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước và đến nay, TP đã xây dựng thành công 14 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất, trong đó Khu chế xuất Tân Thuận vẫn là một điển hình thành công về xây dựng khu chế xuất của Việt Nam.
Mạnh dạn thí điểm các chế định vận hành của thị trường
Cùng với việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và trước tình hình kinh doanh yếu kém của DN nhà nước địa phương, năm 1992, TPHCM đã chủ động đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm cổ phần hóa DN nhà nước. Đơn vị đầu tiên được thực hiện thí điểm thành công và hiện nay đã trở thành một công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán Công ty Cơ điện lạnh REE. Đến năm 1996, chủ trương này trở thành chương trình chung của Chính phủ.
Ngoài ra, năm 1993, với nhận thức cần phải có định chế huy động vốn đầu tư và tạo điều kiện cho các công ty cổ phần công cộng phát triển, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ trương thành lập một nhóm nghiên cứu thí điểm Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Đề án này đã báo cáo trình Chính phủ từ cuối năm 1993 và 7 năm sau đã trở thành hiện thực. Hiện nay, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP đã trở thành Sở Giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam và đang trong quá trình phát triển tốt.
TPHCM cũng là nơi thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước, với mô hình Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công thương. Đến nay mô hình này đã trở thành loại hình DN phổ biến trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển
Trong điều kiện pháp luật chưa minh bạch và chính sách chưa rõ ràng, TP đã có chủ trương thực hiện mô hình đổi đất để xây dựng đường giao thông và xây dựng đô thị mới, mà điển hình là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.
Đứng trước tình hình thiếu vốn để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, TP đã đề xuất Trung ương cho thành lập một định chế tài chính của Nhà nước có chức năng huy động các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế nhằm đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị TP (HIFU) ra đời năm 1997 và những năm sau đó đã được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Quỹ đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện chức năng “người mở đường” cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của TP.
Năm 1995, trước sức ép phải mở rộng một số con đường nhưng không có vốn ngân sách, TP đã xin chủ trương thí điểm phát hành trái phiếu dự án đường Nguyễn Tất Thành. Đây là trái phiếu đầu tiên được bảo đảm nguồn vốn trả nợ bằng cơ chế thu phí giao thông. Từ kinh nghiệm phát hành trái phiếu dự án đường Nguyễn Tất Thành, TP đã xin Trung ương cho phát hành trái phiếu đô thị. Hiện nay, hình thức này đã được Chính phủ mở rộng cho nhiều địa phương khác. Vấn đề phát hành trái phiếu đô thị đã mở ra cơ chế phân cấp về ngân sách đầu tư giữa Trung ương và địa phương, tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương trong vấn đề huy động vốn đầu tư.
Trước áp lực thiếu nguồn vốn đầu tư, nhiều tuyến đường huyết mạch của TP được mở rộng bằng nguồn vốn tín dụng của các DN. TP thực hiện chủ trương chuyển quyền khai thác những con đường đã được mở rộng cho các DN quản lý khai thác thu phí, đồng thời hoàn trả ngay cho ngân sách số tiền đã đầu tư, để có vốn thực hiện các dự án khác.
Sự tham gia của chính quyền TP vào điều hành kinh tế vĩ mô không chỉ là sự đóng góp những mô hình cụ thể liên quan đến thể chế kinh tế mà trong nhiều năm qua, TP đã tham gia nhiều biện pháp, giải pháp cùng với Trung ương trong việc bình ổn giá cả, xử lý những bất ổn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN…
Với truyền thống năng động, sáng tạo, không dừng bước trước khó khăn, hy vọng TP sẽ đi đầu trong việc tạo lập môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao đối với khu vực, trong đó xây dựng nền công vụ mang tính phục vụ là khâu đột phá.
| |
Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH