Quái xế và câu chuyện xã hội

Đã gần một tháng kể từ khi TPHCM mở đợt tổng truy quét quái xế. Hiệu quả tức thì của các đợt ra quân đầy quyết tâm theo chỉ đạo kiên quyết chưa từng có của lãnh đạo TPHCM đã được hiện thực hóa một cách rõ ràng: các tuyến đường, con phố vắng hẳn tiếng nẹt pô, rú ga sởn gai ốc của những dòng thác quái xế. Hiệu quả tuy thấy rõ là vậy, nhưng trong bụng tất cả chúng ta, từ người lãnh đạo cao nhất TP đến những anh chị lao công quét rác giữa phố đêm đêm, không ai yên tâm rằng quái xế đã bị triệt đường.

Bởi như nghiên cứu, phân tích của các nhà tâm lý, xã hội học, ai cũng hiểu rằng, việc giới trẻ biến mình thành quái xế là một hiện tượng xã hội, do đặc tính tâm sinh lý của giới trẻ và điều kiện, môi trường sống góp phần tạo nên. Mà một khi nguyên nhân chủ yếu không phải do những yếu tố mang tính đột biến hay tình huống tâm lý dẫn đến thì rõ ràng những giải pháp như chặn bắt, truy quét, xử phạt mà các lực lượng chức năng đang làm cũng chỉ mang tính… tình huống, răn đe mà thôi.

Nghiên cứu thấu đáo tâm lý giới trẻ; từ đó tăng cường, đổi mới các biện pháp tuyên truyền giáo dục, sự quan tâm chăm sóc từ gia đình, nhà trường và xã hội; tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn, bổ ích… hơn cho giới trẻ (như mở trường đua chính quy, đầu tư các trò chơi cảm giác mạnh…) bên cạnh các biện pháp mang tính răn đe (xử phạt nặng bằng tiền, tịch thu xe, cưỡng bức lao động…) là các giải pháp mà nhiều nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng đã đưa ra thông qua nhiều cách, nhiều kênh và thời điểm khác nhau.

Thế nhưng vấn đề đặt ra ở chỗ, từ nhiều năm qua hầu hết chính quyền các địa phương, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… luôn phải đau đầu, thậm chí bị dư luận chỉ trích nặng nề khi nạn đua xe ngày càng trở thành căn bệnh trầm kha, khó chữa. Trước một hiện tượng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp (không chỉ gây ra nhiều tai họa về mặt trật tự an toàn xã hội mà còn chứng tỏ cái xấu, sự độc hại đã xâm nhập ngày càng sâu rộng vào giới trẻ) không phải chính quyền các địa phương không quan tâm, không tìm cách xử lý.

Nhưng suy cho cùng, vấn đề lại nằm ở chỗ: hiện tượng quái xế ngày một bùng phát chính là “biểu hiện trông thấy”, hay nói khác, là hệ lụy do những tác nhân mang tính xã hội nảy sinh theo chiều hướng xấu đi, mà cách giải quyết đòi hỏi phải mang tính tổng thể, đồng bộ.

Nói một cách cụ thể hơn, do kinh tế, đô thị hóa phát triển nhanh hơn nhiều lần tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng xã hội và nền tảng văn hóa - giáo dục, đã khiến cho tâm sinh lý xã hội trở nên mất cân bằng (mà giới trẻ là đối tượng dễ bị tác động tâm sinh lý nhất). Trong lúc đó, việc tổ chức quy hoạch và thực hiện quy hoạch về mọi mặt (từ chiến lược đến cụ thể trong mọi lĩnh vực, nhằm đảm bảo cho một xã hội phát triển cân bằng, hài hòa), do thiếu chuẩn bị một cách bài bản từ đầu, lại bị tác động bởi những tiêu cực nội tại phát sinh, càng khiến các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trở nên lúng túng.

Ai cũng biết giới trẻ thiếu sân chơi, nhưng quy hoạch sân chơi như thế nào, bằng cách nào, ở đâu? Ai cũng biết giáo dục có vấn đề, nhưng cải cách giáo dục như thế nào, từ đâu?... Rõ ràng đó là những vấn đề mà ngành nào, địa phương nào, người nào cũng thấy, cũng tỏ ra bức xúc, nhưng từng ngành, từng địa phương lại không thể nào giải quyết một cách căn cơ.

Nguyên nhân nào, kết quả ấy. Trước một hiện tượng mang tính xã hội như đua xe, chúng ta chỉ có thể giải quyết căn cơ được vấn đề khi nào chúng ta “hóa giải” được những tác nhân dẫn đến hệ quả đó. Nhưng để hóa giải một cách triệt để những tác nhân này, rõ ràng ngay cả khi đã có những giải pháp hoàn hảo, nếu chúng ta không có sự phối - kết hợp một cách đồng bộ, nhuần nhuyễn với quyết tâm mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong việc thực hiện thì cũng không thể nào giải quyết tận gốc được vấn đề.

Phạm Phương Đông

Tin cùng chuyên mục