Quản chặt các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn về việc tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học. 
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT, đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các trung tâm đang hoạt động trên địa bàn hoặc thuộc phạm vi quản lý. Các đơn vị phối hợp ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm và có biện pháp xử lý kiên quyết những hiện tượng vi phạm. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin và cập nhật thường xuyên về danh sách trung tâm ngoại ngữ, tin học cả công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn được cấp phép hoạt động. 

Yêu cầu này được đưa ra sau khi dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc Trung tâm MST English, Hà Nội vừa bị đóng cửa, giải thể vì chưa được cấp phép. Điều đáng nói là trung tâm này chỉ bị cơ quan chức năng kiểm tra và đóng cửa khi dư luận ồn ào về vụ bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, thuộc Trung tâm MST English, Hà Nội, chửi học viên. Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội đã xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với Công ty MST về việc tự ý thành lập cơ sở giáo dục để tổ chức dạy ngoại ngữ. Riêng với hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học, xúc phạm danh dự, nhân phẩm qua các clip đã đăng tải trên mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty MST, bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng. Bà Tuyến cũng bị dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy. 
Điều đáng nói là sau khi vụ “cô giáo chửi” xảy ra, dư luận đã có 2 luồng ý kiến: một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, nên dù dạy ở trung tâm ngoại ngữ tư nhân thì cô Tuyến cũng được coi là giáo viên và hành vi xúc phạm người học là không thể tha thứ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đừng dùng từ “giáo viên” để chỉ về người phụ nữ xuất hiện trong clip đó. Cô Tuyến không phải là một giáo viên về cả pháp lý lẫn giá trị vì không xuất trình được các chứng chỉ liên quan đến nghiệp vụ giảng dạy và chỉ có bằng cấp về kế toán, tức là không đủ tiêu chuẩn để làm giáo viên. Đáng lo là hiện nay, những trường hợp giáo viên không có chứng chỉ, không có nghiệp vụ sư phạm, chỉ khá ngoại ngữ cũng đứng lớp như cô Tuyến không phải là hiếm ở các trung tâm ngoại ngữ, nếu không muốn nói là phổ biến.

Ai cũng nhìn thấy rất rõ là các trung tâm ngoại ngữ đang “mọc lên như nấm”. Có thể nói, trong các dịch vụ giáo dục hiện nay thì dịch vụ dạy học tiếng Anh của các trung tâm ngoại ngữ là “màu mỡ” nhất. Hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM dày đặc các trung tâm ngoại ngữ cả trong nước và cả các trung tâm có yếu tố nước ngoài. Ở các tỉnh thành khác, thậm chí tại những địa bàn nông thôn khó khăn cũng có các lớp dạy ngoại ngữ do các giáo viên dạy tiếng Anh đứng lớp. Nhu cầu học tiếng Anh của đại đa số người học ngày càng cao. Các bậc phụ huynh cũng không tiếc tiền cho nhu cầu học tiếng Anh của con em mình. Đó là điều rất đáng mừng và sự thật hệ thống các trung tâm ngoại ngữ đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu cải thiện và nâng cao khả năng ngoại ngữ của người Việt Nam, nhất là cho học sinh, sinh viên. Dù đã có đề án quốc gia về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng nhiều phụ huynh nói thẳng nếu chỉ cho con em học tiếng Anh trong trường thì hiệu quả cực kỳ hạn chế và mới đây ngành giáo dục đã phải đổi mới đề án này. Trong bối cảnh đó, các trung tâm ngoại ngữ đã trở thành niềm hy vọng của các bậc phụ huynh trong việc cải thiện khả năng ngoại ngữ của con em mình.

Thực tế, các trung tâm tiếng Anh có tiếng ở Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn có mức học phí rất đắt đỏ, lên đến hơn 600.000 đồng/buổi học. Nhiều khóa học tiếng Anh lên đến cả trăm triệu đồng. Còn ở những trung tâm tiếng Anh phổ biển thì mức học phí cũng trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi học với thời gian chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ. Nhiều trung tâm tiếng Anh còn sử dụng giáo viên đứng lớp là người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, hay đơn giản chỉ là những người Việt Nam có khả năng tiếng Anh để dạy cho học viên. Dĩ nhiên, với các giáo viên tiếng Anh không có nghiệp vụ sư phạm này thì việc để xảy ra những chuyện tương tự như bà Nguyễn Thị Kim Tuyến chửi học viên vừa qua là điều dễ hiểu.
 
Khi bùng nổ dịch vụ dạy và học tiếng Anh mà không có sự quản lý sát sao của cơ quan chức năng thì việc nhiều trung tâm không chấp hành quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm... là chuyện hiển nhiên. Và một lần nữa, khi có sự cố xảy ra, ngành giáo dục mới lo kiểm tra, rà soát lại khiến chúng ta nghĩ đến việc “mất bò mới lo làm chuồng”, công tác quản lý nhà nước gần như chưa theo kịp được thực tiễn. Bởi sự thật, sau khi xảy ra vụ “giáo viên chửi”, không chỉ Bộ GD-ĐT mà Hà Nội, TPHCM và một số địa phương đều đã có động thái kiểm tra và rà soát hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ cũng như tin học trên địa bàn.

Nhưng rà soát, kiểm tra hệ thống này không hề đơn giản với số lượng các trung tâm quá nhiều. Đơn cử, hiện TPHCM có 694 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 395 chi nhánh hoạt động về giáo dục. Trong số này, gần 90% các trung tâm dạy ngoại ngữ, đa phần là tiếng Anh với sự tham gia giảng dạy của 4.500 giáo viên… Điều đó đòi hỏi ngành giáo dục phải sớm có giải pháp hữu hiệu để không buông thả dịch vụ dạy và học ngoại ngữ trên thị trường, không để hành vi cũng như chất lượng của người dạy ngoại ngữ ảnh hưởng xấu đến hoạt động giáo dục nói chung. Và hơn hết là những giải pháp để phát huy được vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trong việc cải thiện năng lực tiếng Anh của người Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục