Sau khi TPHCM tái cho phép tổ chức dạy thêm, học thêm (DTHT) tại trường học, nhiều trường có hiện tượng “ép” phụ huynh học sinh tự nguyện đăng ký học hai buổi, tăng tiết dạy thêm. Làm thế nào để DTHT không bị “biến tướng”, thành tình trạng đại trà?
Vẫn bị ép học thêm
Phản ánh với đường dây nóng của Báo SGGP, một phụ huynh có hai cháu đang theo học lớp 6 và 7 tại Trường THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) cho biết: “Mới đây, nhà trường tổ chức họp phụ huynh học sinh và thông báo về việc tổ chức học hai buổi, tăng tiết cho học sinh các khối lớp. Cô giáo chủ nhiệm nói rằng phụ huynh nào thấy cần thiết thì tự nguyện đăng ký cho con, nhà trường không ép buộc. Mẫu đơn được ghi trên bảng và giá học buổi thứ hai là 150.000 đồng/tháng”. Cũng theo phụ huynh này, một số phụ huynh không đăng ký vì không muốn con cái phải học quá nhiều. Thế nhưng, sau đó giáo viên chủ nhiệm lại ghi trong sổ báo bài, yêu cầu phụ huynh lên gặp riêng và vận động họ nên cho con học buổi thứ hai vì gần cả lớp đã đăng ký. Thế là cả lớp đều đăng ký trên tinh thần tự nguyện vì buổi chiều học tăng tiết tất cả các môn từ Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh văn, Văn, Sử Địa… Điều khiến nhiều phụ huynh bức xúc là lịch học được xếp dày đặc với các môn chính khóa, trong đó sáng 5 môn, chiều 4 môn hoặc ngược lại, khiến học sinh phải học quá tải. Theo họ, buổi học thứ hai (buổi chiều) chủ yếu là học thêm kiến thức các môn chính khóa chứ rất ít thời gian rèn luyện kỹ năng sống, vui chơi giải trí như chủ trương của TPHCM, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đặt ra.
Không dừng ở đó, một số phụ huynh khối lớp 7 còn bức xúc vì con họ đã học ngày hai buổi quá nặng, từ 7 giờ đến 17giờ 30 mới tan học, nhưng vẫn bị một giáo viên dạy Văn “ép” theo học lớp dạy thêm của mình đến tổ chức từ 18 giờ - 20 giờ. “ Tôi bị cô giáo này mời lên trường và chê bai con mình học yếu, bị hổng kiến thức môn Văn. Sau đó, cô mời chào đưa con đến lớp dạy thêm tại nhà để cô phù đạo nhưng không lấy tiền. Thử hỏi có phụ huynh nào dám từ chối và không gửi tiền học thêm!”, một phụ huynh có con học lớp 7 ấm ức kể lại việc bị giáo viên lôi kéo học trò của mình đến lớp học thêm dù không có nhu cầu.
Một số phụ huynh có con học ở các trường THCS và THPT ở các quận khác cũng phản ánh rằng con họ đang bị ép “tự nguyện” đăng ký học hai buổi và nhà trường tăng tiết chẳng khác gì dạy thêm. Không có phụ huynh nào dám từ chối hoặc phản ứng, vì số đông học sinh đều tham gia. Theo họ, việc tổ chức học buổi hai, tăng tiết như đang làm cũng là hình thức DTHT hợp pháp và nó vẫn mang tính đại trà. Nhiều phụ huynh không có nhu cầu cho con học hai buổi cũng phải theo.
Ngoài học văn hóa, học sinh thích thú với những trò chơi giải trí, dân gian, rèn luyện kỹ năng sống. Trong ảnh: Học sinh Trường Lương Thế Vinh quận 1
Học hai buổi phải đúng mục đích
Đúng là ngành GD-ĐT TPHCM đã đặt mục tiêu nâng dần tỷ lệ trường và học sinh được học 2 buổi/ngày, nhưng trước đây nhiều trường kêu khó không làm, vậy mà khi có chủ trương cấm dạy thêm thì lại làm được (!?). Trong khi tỷ lệ chuyển sang học hai buổi ở bậc THCS thấp hơn thì hầu hết các trường THPT đã có kế hoạch chuyển sang dạy 2 buổi/ngày. Đến nay, Sở GD-ĐT đã duyệt cho khoảng 50% số trường được phép dạy hai buổi/ngày, tăng hơn 20% so với trước đó. Mục tiêu hướng tới là 100% các trường thực hiện và tùy điều kiện, mỗi trường cố gắng đạt tỷ lệ 20% - 50% học sinh được học hai buổi/ngày.
Theo quy định, những trường đã dạy 2 buổi/ngày thì không được tổ chức DTHT. Để “lách luật”, một số trường có kế hoạch tăng tiết cho học sinh khiến phụ huynh, học sinh lo ngại về sự “biến tướng” của hình thức này. Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, thừa nhận có hiện tượng trên và nhấn mạnh dạy 2 buổi/ngày không phải là một hình thức của DTHT. Mục tiêu của dạy 2 buổi/ngày là để các em có cơ hội học tập, sinh hoạt cả ngày ở trường, trong đó ngoài học văn hóa, học sinh còn được tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống để phát triển toàn diện. Vì thế, trường nào tăng tiết dạy thêm là sai. Còn ở trường học, quy định bao nhiêu tiết thì phải thực hiện bấy nhiêu, tăng tiết cho môn nào thì tùy theo từng trường lẫn nguyện vọng của học sinh để thực hiện. Từ đó, có kế hoạch giảng dạy buổi học thứ hai cho phù hợp. Tuy nhiên, không được vượt quá số tiết quy định của sở; cụ thể, bậc THCS không quá 7 tiết/ngày và THPT không quá 8 tiết/ngày... Riêng các tiết văn hóa ở buổi chiều cũng chủ yếu để củng cố kiến thức, giảng sâu hơn cho các em, còn lại phải chú trọng rèn luyện kỹ năng, giáo dục thể chất, thẩm mỹ, vui chơi...
Như thế, trường nào đã dạy 2 buổi/ngày thì phải thực hiện đúng bản chất của 2 buổi/ngày. Tại văn bản hướng dẫn về quản lý các hoạt động DTHT trên địa bàn TP mới đây, Sở GD-ĐT nhấn mạnh sẽ xiết chặt hoạt động này và chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện, ban giám hiệu các trường kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (theo thẩm quyền) hoặc thông tin về Sở GD-ĐT để xử lý (nếu không thuộc thẩm quyền).
Văn bản này cũng nêu rõ các cá nhân, đơn vị không được tổ chức DTHT đối với học sinh học 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống, kỹ năng xã hội. Việc DTHT trong nhà trường chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của học sinh, phân chia lớp học theo trình độ và học sinh được lựa chọn giáo viên để theo học. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm toàn diện với cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý, giám sát giáo viên thuộc đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.
Cũng theo ông Đỗ Minh Hoàng, quan điểm của sở là quyết liệt chấm dứt tình trạng DTHT tràn lan, không đúng quy định, tiến tới hạn chế dần và chấm dứt DTHT theo số đông (ai cũng phải đi học thêm).
KHÁNH HÀ