Quản lý hải quan về gia công, sản xuất, xuất khẩu còn nhiều vướng mắc

Ngày 7-4, tại Bình Dương, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị chuyên đề về quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.
Quản lý hải quan về gia công, sản xuất, xuất khẩu còn nhiều vướng mắc

(SGGPO).- Ngày 7-4, tại Bình Dương, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị chuyên đề về quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.

Tại Hội nghị, đại diện các Cục hải quan tỉnh, thành phố cho rằng, với sự chuyển đổi trong phương pháp quản lý hải quan, thủ tục hải quan đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu, gia công, doanh nghiệp chế xuất…đã tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm chi phí về thời gian, giấy tờ, đi lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình áp dụng phương pháp quản lý mới cũng đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

 Hội nghị chuyên đề về quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất

Cục Hải quan Long An cho biết, hiện nay, việc kiểm tra hồ sơ trước, hoàn thuế, không hoàn thuế sau, theo quy định tại khoản 6, Điều 129 Thông tư 38/2015/TT-BTC, được thực hiện tại trụ sở người nộp thuế. Vấn đề này gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và hải quan vì mất rất nhiều thời gian nhưng hiệu quả quản lý mang lại không cao. Ngoài ra, hiện nay việc thực hiện thủ tục chuyển máy móc thiết bị sang hợp đồng gia công khác phát sinh thường xuyên. Trường hợp tờ khai chuyển máy móc thiết bị được phân luồng đỏ thì doanh nghiệp phải làm thủ tục xin kiểm tra hàng hóa tại nhà máy, dẫn đến mất thời gian cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan.

Còn Cục hải quan Đồng Nai cho hay, hiện nay theo điểm 5 công văn số 1501/TCHQ-GSQL ngày 29-2-2016 hướng dẫn “Việc triển khai theo dõi, thu thập, phân tích thông tin, đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục”. Tuy nhiên, hiện tại mỗi Chi cục có khoảng 200 doanh nghiệp thực hiện loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất, nếu quy định thu thập thông tin thường xuyên, liên tục sẽ không đủ nhân lực để thực hiện và cũng không có mốc thời gian cụ thể. Về xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê mượn: Đối với loại hình gia công, doanh nghiệp không đăng ký định mức, tờ khai không khai báo số hợp đồng gia công nên khi doanh nghiệp thông báo xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm khi kết thúc hợp đồng gia công, cơ quan hải quan không có cơ sở để kiểm tra được lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm doanh nghiệp khai báo trên thông báo này với số liệu theo dõi của cơ quan hải quan.

Tổng Cục Hải quan cho biết, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện cơ chế pháp lý để quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý, theo dõi doanh nghiệp. Tăng cường năng lực quản lý của cơ quan hải quan. Chú trọng phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kế toán, kiểm toán cho công chức hải quan. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình triển khai các quy định. Sớm xây dựng phần mềm hỗ trợ theo dõi, quản lý doanh nghiệp.

GIANG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục