

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương vừa ra công văn số 337/QLTT-NV về việc “xử lý các bình gas là tang vật bị thu giữ do vi phạm sang chiết, kinh doanh gas giả nhãn hiệu”, trong đó có đề cập đến quyền sở hữu vỏ bình gas. Tuy nhiên, nhiều công ty kinh doanh gas không tán đồng quan điểm này.
Các công ty kinh doanh gas cho biết, vỏ bình gas là một loại bao bì đặc biệt, được các công ty gas đăng ký lưu hành tại Sở Lao động Thương binh - Xã hội địa phương, đồng thời được các công ty gas tiến hành tái kiểm định khi đến hạn. Do tính chất đặc biệt này, các công ty gas không được bán vỏ bình cho khách hàng, mà chỉ làm hợp đồng thế chân. Khi khách hàng không tiếp tục sử dụng vỏ bình nữa, thì trả lại cho hãng gas đó và nhận lại tiền thế chân.
Thế nhưng, Chi cục QLTT Bình Dương lại cho rằng, mặc dù các công ty kinh doanh gas khi ký hợp đồng với nhà phân phối độc quyền theo khu vực đã buộc nhà phân phối nộp trước 50% giá trị vỏ bình gas và sẽ nộp tiếp 50% giá trị còn lại nếu làm mất vỏ bình. Kế đến nhà phân phối cũng quy định như vậy đối với các đại lý của mình. Tuy nhiên, các đại lý gas lại không ký hợp đồng với khách hàng mà bán luôn 100% giá trị bình gas cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, các công ty kinh doanh gas lại không có biện pháp hữu hiệu nào để quản lý vỏ bình gas và vòng quay của nó, cũng như không hề quy định các hình thức chế tài trong trường hợp đại lý làm mất vỏ bình. Cũng theo ý kiến của Chi cục QLTT Bình Dương, kể từ khi các cửa hàng bán bình gas đó (cho người tiêu dùng, cho những người mua bán bình gas, cho những người sang chiết trái phép) thì quyền sở hữu chắc chắn không thuộc về các công ty gas, mặc dù các công ty này là chủ sở hữu nhãn hiệu trên bình gas đó.
Tuy nhiên, ông Bùi Thiện Lợi- Phó Tổng Giám đốc Công ty Elf Gaz Sài Gòn khẳng định, các bình gas dù đã thế chân vẫn là tài sản của công ty, bởi tất cả các hợp đồng mà Elf Gaz ký với nhà phân phối đều ghi rõ “Những bình khí đã được đặt cược vẫn thuộc tài sản riêng của Elf Gaz Saigon”. Mặt khác, tại phiếu thế chân bình gas dành cho người sử dụng cũng nêu rõ “Các bình khí đốt chỉ được giao cho người sử dụng với danh nghĩa và thuộc tài sản của Elf Gaz Saigon”…
Vì vậy ông Bùi Thiện Lợi cho biết, việc thế chân vỏ bình không có nghĩa là chuyển quyền sở hữu. Nếu không, các công ty gas cần gì phải đứng ra mua bảo hành, bảo hiểm cho vỏ bình gas với giá trị lên đến hàng triệu USD. Hơn nữa, mỗi năm các công ty còn bỏ ra hàng trăm ngàn USD để tái kiểm định vỏ bình nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng… Tương tự, đại diện Công ty cổ phần An Pha S.G (Anpha Petrol) bức xúc: “Khi chúng tôi mua vỏ bình từ nhà sản xuất, thì ngành thuế tính đúng tính đủ vì là chủ sở hữu, nhưng khi đưa bình gas ra lưu hành và chịu trách nhiệm mua bảo hiểm, đóng phí kiểm định mỗi 3 năm thì quyền sở hữu vỏ bình gas lại không được cơ quan quản lý thị trường thừa nhận là điều vô lý”!? Rõ ràng cách hành xử mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy hiểu kiểu này đang gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
Cũng cần nhắc lại, theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 6713:1999 nhấn mạnh, gas là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao, các công ty gas phải có trách nhiệm hình sự và dân sự đối với tài sản là phương tiện kinh doanh của mình để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, không giống như như các sản phẩm mua đứt bán đoạn gồm cả bao bì lẫn vật được chứa trong bao bì đó (lon bia, nước ngọt), các vỏ bình gas phải được chuyển trả lại cho chủ sở hữu (là các công ty kinh doanh khí đốt có thương hiệu trên vỏ bình) để kiểm tra an toàn theo TCVN 6485:1999.
Có thể thấy rằng, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thế nhưng, do sự mơ hồ trong cách xử lý cũng như những bất đồng quan điểm trong việc xác định chủ sở hữu vỏ bình gas, đã dẫn đến vấn nạn gas giả nhãn hiệu tràn lan hiện nay .
ĐÀO THỤY