Quan tâm phải thiết thực

Thống kê mới nhất cho thấy, số lượng công nhân (CN) Việt Nam hiện nay là 9,5 triệu người đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là chưa kể một lực lượng đáng kể của số lao động tự do đang nằm trong độ tuổi lao động. Sau hơn 1 thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, không chỉ gia tăng mạnh về số lượng, hàm lượng trí tuệ, chất xám trong CN ngày càng được nâng cao.

Nếu như thời kỳ đầu, CN Việt Nam chỉ đơn thuần làm những công việc chân tay nặng nhọc, bị áp bức, bóc lột trong các đồn điền, hầm mỏ, xí nghiệp cho thực dân thì đến ngày hôm nay, thành phần CN áo trắng, CN cổ cồn xuất hiện ngày càng nhiều. Đáng phấn khởi có những ngành chúng ta đã theo kịp sự phát triển của thế giới hiện đại, ví dụ như xây dựng nhà cao tầng, đóng tàu trọng tải lớn, làm cầu, đường giao thông hiện đại, lắp ráp điện tử. Rõ ràng đội ngũ CN đang trưởng thành, có thể vươn lên làm chủ khoa học hiện đại.

Đảng ta luôn coi khối liên minh của giai cấp CN với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, giai cấp CN là một trong những lực lượng tiên phong của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng tiên phong, lực lượng nòng cốt và quan trọng nhất của sự nghiệp phát triển đất nước này vẫn còn đang chưa được quan tâm, chăm lo và bồi dưỡng đúng mức. Nói cách khác, vị trí trên bậc thang giá trị xã hội của giai cấp CN vẫn chưa được cải thiện.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hàng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp những thông tin về ngừng việc tập thể của CN nơi này nơi khác vì không được trả lương, trả thưởng, bị đối xử hà khắc, bị đuổi việc vô cớ, bị nợ BHXH, BHYT… Chuyện giám đốc nợ lương, ôm tiền trợ cấp của CN bỏ trốn vẫn xảy ra thường xuyên. Chuyện đồng lương CN không đủ sống vẫn tồn tại nhiều năm liền nhưng chưa có biến chuyển đáng kể. Mới đây nhất, dư luận lại thêm một lần xót xa khi báo đài đồng loạt lên tiếng về chuyện nhiều doanh nghiệp lo bữa ăn cho CN chỉ với 4.000 - 5.000 đồng/người.

Một vấn đề được đặt ra: Liệu có thể khoác lên vai giai cấp CN một sứ mệnh, một nhiệm vụ trọng đại, liệu có thể đòi hỏi họ chịu trách nhiệm cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa hay không, khi xã hội vẫn chưa dành cho họ một sự quan tâm thiết thực?

Cách đây 124 năm, bắt đầu từ 1-5-1886, sau quá trình đấu tranh của CN nhiều nước trên thế giới, ngày làm việc của tất cả CN được ấn định là 8 giờ/ngày. Chính vì thắng lợi có ý nghĩa thiết thực đó mà CN toàn thế giới đã quyết định lấy ngày 1-5 để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động - coi đó là biểu tượng của sự đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hàng năm, đến ngày Quốc tế lao động, nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành vẫn long trọng tổ chức mít tinh, tuần hành với rất nhiều cờ, hoa và những lời chúc tụng. Thế nhưng thiết nghĩ, sự kỷ niệm thiết thực nhất là các cấp, các ngành, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp phải làm cách nào đó để góp phần thay đổi dần điều kiện sống, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ cho giai cấp CN, tạo điều kiện nâng cao bậc thang giá trị của giai cấp CN trong xã hội.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục