Từ nhỏ, Y Quyết Rya (9 tuổi, buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã yêu voi đến lạ lùng. Hàng ngày, cậu bé lân la khắp các khu du lịch để nói chuyện với voi, có lúc còn khóc khi thấy voi bị thương.
9 tuổi làm quản tượng
Thấy Y Quyết có tố chất đặc biệt, cậu ruột Y Thế Knul (40 tuổi, trú cùng buôn) đã dày công đào tạo cậu bé thành một quản tượng nổi tiếng với khả năng bắt voi đi, đứng, rẽ trái, rẽ phải… dễ như trở bàn tay. Cũng chính Y Quyết trở thành niềm hy vọng của buôn làng trong việc tiếp bước các bậc tiền bối lưu truyền, phát huy nét văn hóa voi vốn làm nên danh tiếng ở vùng đất Buôn Đôn huyền thoại.
Khi chúng tôi tìm đến nhà quản tượng nhí, anh Y Thế cho biết: “Nó đang chơi với voi Gen, muốn tìm nó phải đến đồi Tâm Linh ở Khu rừng sinh thái Bản Đôn ấy”. Nói rồi, Y Thế dẫn chúng tôi đến chỗ Y Quyết. Trước mắt chúng tôi là một người chỉ huy voi oai hùng. Cậu bé nằm trên lưng chú voi 35 tuổi, liên tục ra hiệu để con vật đi sang trái, sang phải, nơi có nhiều lá cây để voi ăn.
Lát sau, Y Quyết lại điều voi đến hồ. Cậu bé đưa tay khoát nước, còn tay kia kỳ cọ, tắm rửa khắp cơ thể voi. Voi Gen khoái chí vươn vòi phun từng luồng nước trắng xóa làm Y Quyết ướt nhễ nhại. Đáp lại, cậu bé ôm chặt Gen, miệng nhoẻn cười khúc khích. Tiếng cười sảng khoái chen lẫn tiếng voi gầm rú vang khắp đại ngàn heo hút. “Đưa Gen lên bờ đi. Ngâm nước lâu nó sẽ lạnh đấy”, anh Y Thế nhắc nhở. Dứt lời, cậu bé thì thầm vào tai voi vài ba câu. Lập tức, voi Gen nhấc mình, đồng thời quay đầu sang phải tiến vào bờ.
“Giờ đây, mọi thao tác như chăm sóc, điều khiển voi, Y Quyết đã thành thạo hết. Nhưng nó chưa thể mang voi vào rừng cột vì đường xa, dây xích lại quá nặng so với sức của cháu. Trên thực tế, Y Quyết thay tôi điều khiển voi chở gần trăm lượt khách, tên tuổi được nhiều người biết đến. Trong buôn, ngoài nó tôi chưa thấy ai ngang tuổi có thể làm được như vậy”, anh Y Thế hồ hởi khoe.
Y Quyết được người cậu truyền dạy kỹ năng làm quản tượng khi cậu bé vừa lên 7 tuổi. Hồi ấy, Y Thế được giao quản lý chú voi Gen của khu du lịch sinh thái nên mỗi khi đi làm, anh đều dẫn Y Quyết theo. “Ban đầu, cháu chỉ được tiếp xúc để voi quen hơi. Khi voi Gen đã biết và thân thiện, cậu mới cho cháu dẫn voi tập đi và đưa voi ra hồ uống nước, dần dà thì được tập cưỡi, tắm rửa, vệ sinh cho voi. Khi đã làm chủ được voi, cháu mới được tập chở khách”, Y Quyết nhớ lại.
Nghe Y Quyết kể, Y Thế vội chen ngang: “Hồi tập cho nó làm quản tượng, tôi theo sát nó mọi lúc. Nó dẫn voi tập đi, tập cưỡi, tôi đều kè kè bên cạnh để đề phòng sự cố. Sau gần 1 năm rưỡi đào tạo, thấy cháu đã làm chủ được voi, các thao tác điều khiển đã nhuần nhuyễn thì tôi mới để cho nó chở khách”.
Đang nói chuyện, Y Quyết mời chúng tôi trèo lên lưng voi để cậu trổ tài. Thấy khách nghi ngại, Y Quyết cười xuề, đồng thời lên tiếng trấn an: “Không sao đâu chú. Đã có cháu rồi”. Dứt lời, Y Quyết quay sang bảo voi Gen: “Ngồi yên để mấy chú trèo lên Gen nhé”. Như hiểu được chỉ thị của quản tượng nhí, voi Gen vui vẻ tiếp nhận bằng cách ngoe nguẩy đôi tai. Lúc cả đoàn đã yên vị, Y Quyết vỗ nhẹ vào đầu voi, đồng thời gằn giọng: “Hăng”. Voi Gen lập tức bước đi. Chú voi chở chúng tôi lướt đi êm ru trên con đường bê tông. “Bày chú điều khiển voi với nhé”, chúng tôi nói với Y Quyết.
Cậu bé nhìn tôi lắc đầu: “Chưa được đâu chú. Phải có thời gian mới được. Lúc đầu, chú phải dành thời gian giao tiếp, làm quen với voi để 2 bên hiểu nhau. Voi rất hiểu tính người. Chú phải thuộc các khẩu ngữ như: “Hăng”: đi; “Trum”: quỳ xuống; “Hau”: dừng lại; “Truth”: đứng dậy… mới điều khiển được. Thế nhưng, cái quan trọng nhất là phải làm quen với voi trước”. Lúc voi Gen chở đoàn băng cắt qua vạt rừng, tôi bắt chước vỗ vào voi, đồng thời lớn tiếng hô: “Hau” nhưng chú voi vẫn lững thững bước đi. Y Quyết quay sang cười: “Cháu nói có sai đâu”.
Trò chuyện với chúng tôi, Y Quyết cho biết, trong thời gian làm quản tượng, điều cậu sợ hãi, buồn rầu nhất chính là việc bản thân bị voi xa lánh mà không biết lý do. Chuyện xảy ra mấy tháng trước, lúc Y Quyết vào rừng thì voi Gen bỗng dưng đưa vòi xua cậu ra xa. Y Quyết thử tiến lại thì voi Gen hung hãn rượt theo. Nghĩ mình làm gì sai khiến Gen giận, Y Quyết ba chân bốn cẳng chạy một mạch về tìm cậu Y Thế.
“Gặp tôi, nó òa khóc, nước mắt chảy lấm lem, còn đôi mắt đỏ lừ. Tôi cười, bảo Y Quyết không làm gì sai cả. Nó truy nếu không làm sai thì sao voi Gen không cho gần. Tôi giải thích voi Gen đến mùa động dục nên hung dữ, không muốn tiếp xúc với ai là điều bình thường. Để nó tin, tôi cũng vào rừng thì voi Gen cũng phản ứng tương tự. Thấy thế nó mới vui vẻ trở lại”, anh Y Thế nhớ lại.
Y Quyết tắm rửa cho voi Gen.
Người kế tục
Mang chuyện Y Quyết mới tí tuổi đầu nhưng có tài điều khiển voi, bà H’Hóa Byă (buôn trưởng buôn Đôn) mắt rực sáng: “Chao ôi! Thằng bé thật đặc biệt. Khi nhiều đứa trẻ thấy voi đã sợ thì Y Quyết lại rất gần voi. Nó cũng hay tâm sự, còn xem con vật này như bạn thân. Bây giờ, Y Quyết đã biết điều khiển, chăm sóc voi, chúng tôi mừng và tự hào vô cùng. Tôi từng lo sau này du khách đến buôn Đôn, sẽ không có ai kể cho khách biết về cách chăm sóc, huấn luyện, điều khiển voi nữa. Bây giờ có Y Quyết, tôi tin truyền thống thuần dưỡng voi sẽ được tiếp tục lưu truyền ở vùng đất thiêng này”.
Chính Y Thế cũng là người nắm rõ nhất sự đặc biệt của Y Quyết. Hồi trước, nhà Y Thế có nuôi 2 con voi nhưng đến năm 2007 thì cũng lần lượt về với Giàng (cách nói về cái chết của đồng bào Ê Đê nơi đây - PV). Những chú voi của nhiều người khác trong buôn cũng cảnh ngộ. Phần voi ít, phần do lương thấp nên số quản tượng trụ được với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lo sợ nghề quản tượng bị mai một, Y Thế tính chuyện tìm người truyền dạy để có người kế thừa, lưu giữ nét văn hóa độc đáo này. Tiêu chí được anh đưa ra là phải yêu và quý mến voi, muốn gắn bó với nghề quản tượng. “Tôi dành nhiều thời gian để quan sát, theo dõi 20 đứa cháu thì thấy Y Quyết đáp ứng những tiêu chuẩn trên”, anh Y Thế nói. Hồi đó, Y Quyết trong mắt cậu ruột là cậu bé gầy gò, người đen nhẻm nhưng lại có niềm đam mê voi đến mãnh liệt. Có lần, Y Quyết đi học về vội bỏ sách vở vào nhà rồi đi theo đoàn voi trong khu du lịch, có bữa mải chơi quên cả bữa ăn. Bố mẹ cho tiền, Y Quyết không ăn hàng mà bỏ heo đất tiết kiệm để mua voi gỗ về chơi, có đêm ngủ còn ôm để nói chuyện.
“Tôi nhớ nhất vẫn là câu chuyện xảy ra 3 năm trước. Hồi ấy, voi Gen bị một con voi rừng tấn công làm bị thương ở tai và đuôi. Biết chuyện, nó khóc thảm thiết, còn bảo tôi đi mua thuốc bôi cho voi. Tôi bảo không ăn thua, phải chữa bằng cây rừng mới lành. Biết tôi vào rừng hái lá, nó cương quyết đi theo, lúc về thì thức trắng đêm cùng tôi nấu thuốc, mồ hôi chảy nhễ nhại. Cũng chính nó mang thuốc vào rừng để tôi chữa cho voi. Ngày voi hết bệnh, nó mừng hơn nhặt được tiền. Qua vụ này, tôi chợt nhận ra Y Quyết có đủ tố chất để nối nghiệp tôi trở thành một quản tượng trong tương lai”, anh Y Thế hồi tưởng.
Y Thế tìm gặp Y Quyết để hỏi có muốn theo nghiệp mình không. “Vừa dứt câu, nó trả lời ngay: Làm quản tượng là ước mơ của đời con. Cậu hãy giúp con thực hiện ước mơ của mình. Tôi bảo sẽ vất vả. Y Quyết cương quyết theo đến cùng. Tôi cũng tìm gặp chị H’Bút Sali Ryă (28 tuổi, mẹ Y Quyết) để nói kế hoạch truyền dạy Y Quyết thành một quản tượng. Nghe thế, H’Bút gật gù, bảo ủng hộ quyết định của con. Thế là tôi bắt tay truyền dạy cho Y Quyết cách tiếp cận, điều khiển voi và cháu đã áp dụng thành công như bây giờ”, anh Y Thế kể.
Lúc Y Quyết điều khiển voi chở chúng tôi đi dạo, Y Thế ngồi trên đồi, đôi mắt nhìn xa xăm vào những cánh rừng bạt ngàn. Anh liên tục hút thuốc, thi thoảng lại đưa tay chùi nhẹ trên khóe mắt. Tiến lại, chúng tôi phát hiện anh đang khóc, nước mắt chảy giàn dụa trên khóe mi. Hỏi lý do, anh bảo: “Cứ nghĩ lũ trẻ mải chơi, không ai chịu theo nghề quản tượng để gìn giữ văn hóa tổ tiên. Bây giờ có Y Quyết kế tục, tôi thấy nét văn hóa voi buôn Đôn được lưu truyền nên vui mừng ấy mà”.
CÔNG HOAN - VÕ PHÚC