Sáng 11-10, cơn mưa nặng hạt quét dài dọc dải đất Quảng Bình. Từ làng biển lên bản núi, từ làng ruộng đến trung du, đâu đâu cũng mưa trũng hạt. Mưa kéo dài nhiều giờ không ngớt, lòng người Quảng Bình như trĩu nặng hơn trước ngày đón linh cữu Đại tướng về quê hương. Ông Võ Đại Hàm, người trông coi căn nhà lưu niệm của Đại tướng ở quê nhà An Xá nói trong nước mắt: “Mưa to quá, không biết đến ngày đón cụ về với quê hương có ngớt không? Mưa thế này thì thì lạnh lòng lắm ông trời ơi”.
Thắt lòng trĩu nặng ngày mưa
TP Đồng Hới cũng chậm lại trong cơn mưa như thấm vào máu thịt tình cảm thương nhớ một người con vĩ đại. Bà Nguyễn Thị Tam, buôn bán nhỏ ven sông Nhật Lệ, nhìn nước sông cuồn cuộn chảy về cửa bể dưới trời mưa trắng xóa nghẹn ngào: “Nhìn trời cứ tuôn mưa thế này thật thắt lòng, thắt ruột”.
Quốc lộ 1A nhiều đoạn nước dập dềnh mặt đường, xe chạy qua như bị níu lại dưới làn mưa dày đặc. Núi Hoành Sơn phía Quảng Đông mấy bữa mây bồng bềnh, nay phủ kín màu đen của nặng hạt, màu bạc của mưa khiến ai cũng se sắt ruột gan. Phía dẫn vào khu mộ Đại tướng, anh em đơn vị xây dựng hơn 4km đường đang dầm mưa ướt sũng. Ông Võ Minh Hoài, Giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh nói: “Mưa rất to, tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, mưa kéo dài cả đêm hôm trước, đến buổi sáng, cả chiều vẫn không ngớt. Vì Đại tướng, chúng tôi không ngừng thi công, lu lèn chặt mặt đường, mưa lớn mấy cũng quyết tâm hoàn thành trong ngày 12-10 để đón linh cữu của Đại tướng về với quê hương được chu tất”. Đoạn đường dưới chân núi Thọ theo ghi nhận của PV Báo SGGP bị mưa vây nhão nhoẹt, các đơn vị thi công vẫn thực hiện 24 giờ mỗi ngày, các công nhân thay nhau làm việc 3 ca. Anh Nguyễn Văn Hiếu ướt dầm trong chiếc áo mưa nói: “Chúng tôi dù mệt nhưng vẫn cố gắng hết sức mình. Mưa rất lớn, đang rất lo, tuy nhiên tôi tin, anh em quyết tâm cao nhất và sẽ hoàn thành công việc một cách tốt nhất như một nén hương nhỏ viếng cụ”. Các bãi đậu xe, từng đoạn đường đang rất khẩn trương rải cấp phối để đoàn xe đưa linh cữu hạng nặng được đi vào êm nhất.
Quê hương sông núi hiền từ
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Dù mưa to gió lớn, ngoài biển Đông đang có một cơn bão lớn, địa phương vẫn quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ then chốt để đón linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an táng một cách trang nghiêm, tình cảm, sâu đậm tri ân”.
Dọc các tuyến đường của TP Đồng Hới, từ 12 giờ trưa ngày 11-10 cờ rủ đã được treo lên để Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các cơ quan đơn vị nhà nước, trường học, nhà văn hóa thôn, nhà dân, ở miền biển, đồng bằng, miền núi, các đơn vị quân đội, hộ đồng bào dân tộc cũng đã treo cờ rủ. Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, nơi người A Rem sinh sống cho biết: “Người A Rem để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngoài việc treo cờ rủ trước nhà còn vào các hang đá vốn là nơi tổ tiên của họ từng sống để cầu thần rừng, thần núi hết mưa nhằm đón linh cữu Đại tướng về quê hương được bình yên”.
Trong khi đó, hàng ngàn, hàng vạn hộ gia đình khắp nơi trong tỉnh Quảng Bình đã lập trang thờ Đại tướng ở gian giữa trang trọng. Ông Trương Quốc Tiệc (61 tuổi, Xuân Thủy, Lệ Thủy) cho biết: “Gia đình tui luôn coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cha, người ông với đức hy sinh lớn lao, thương dân như con, trọng lính như bạn.
Hơn 800.000 người dân Quảng Bình như thao thức đợi Người về trong lòng đất mẹ. Từ người Kinh dưới xuôi đến anh em Vân Kiều tựa núi Trường Sơn, từ người Ma Coong ở biên giới xa ngái, đến anh em Rục trong hóc núi Kẻ Bàng, từ người Khùa phía dãy Giăng Màn đến người Mã Liềng ven núi Tân Ấp...tất thảy đều một lòng hướng về Đại tướng, đón đợi thời khắc đưa Người về với quê nhà thân thương, nơi mà Người từng nói: “Quê hương sông núi hiền từ”.
Bộ đội biên phòng canh giữ 50 ngày mộ chí Đại tướng
Trong cơn mưa tầm tã, những người lính biên phòng Quảng Bình được vinh dự chọn là đội hình bảo vệ vòng trong cùng của khu vực an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ được đặt niềm tin của nhân dân cả nước về việc bảo vệ an toàn tuyệt đối này. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng đã huy động lực lượng các đồn trong khu vực tiểu đoàn cơ động, bảo vệ các tuyến đường đang được thi công cũng như các ngõ ngách lối mòn dẫn lên núi không cho người lạ mặt có thể đột nhập. Phía mặt nước trên biển, Hải đội 2 đã cho tàu cao tốc canh giữ biển Vũng Chùa và khu vực đảo Yến sát sao, tuần tra 24/24. Các đội canh gác bờ biển bãi Rồng phía trước núi Rồng nơi an táng Đại tướng được những người lính thay ca tuần tra liên tục với súng mang vai oai nghiêm, không để xảy ra bất cứ tình huống bị động nào. Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, cho biết: “Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình vinh dự, tự hào được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt khu vực an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi hứa bảo vệ tuyệt đối an toàn nhằm góp phần linh cữu của Đại tướng được an giấc ngàn thu ở khu vực này”.
Nhóm PV