Quảng Nam: Làng chờ điện...

Quảng Nam: Làng chờ điện...

Một tay cầm chiếc quạt giấy đập phành phạch, tay kia bồng đứa cháu nội 2 tuổi - cả bà và cháu vã mồ hôi, thằng cháu khóc thét lên vì bị rôm sảy đốt do nóng, bà Nguyễn Thị Lãnh, 64 tuổi, bức xúc: “Tưởng đời mình đã khổ vì không có điện, nay đến đời con cháu cũng còn khổ. Từ khi giải phóng đến nay, trên 600 hộ dân của 3 thôn Việt Sơn, Châu Đức và Vinh Nam ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã chờ điện đỏ… mắt rồi”.

Trồng trụ điện để... ngó!

Quảng Nam: Làng chờ điện... ảnh 1

Lão nông Nguyễn Văn Minh quanh năm lam lũ với ruộng đồng, nương rẫy, năm nay 63 tuổi nhưng trông vẫn còn quắc thước. Hớp ngụm nước chè nghi ngút khói, ông chậm rãi nói: “Sau giải phóng, ước mơ lớn nhất của bà con nơi đây là được ăn no, ngủ ấm. Còn bây giờ là mong được thấy ánh điện sáng trong nhà mình.

Cách đây 5 năm, thấy mấy ảnh về đo đạc, dân làng kháo nhau sắp có điện thắp sáng, sông Ly Ly sẽ được ngăn dòng để lấy nước về cho bà con sản xuất, sinh hoạt. Ai cũng mừng vì sắp thoát được nỗi ám ảnh những ngọn đèn dầu lù mù cũng như nỗi khổ cực khi giữa trưa hè nóng nực phải quảy gánh xuống sông lấy nước…

Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang, hy vọng có điện ngày càng trở nên xa vời với bà con. Đợi mãi chẳng thấy, dân kêu lên xã, xã kêu huyện… Tháng 2-2006, lại thấy họ về hì hụi đào lỗ trồng trụ điện, bà con lại mừng. Cây cối đốn phá tưng bừng qua ruộng, rẫy nhường chỗ cho cây trụ điện và đường dây điện chạy qua, bà con tự nguyện, không gây khó khăn, không đòi hỏi đền bù, miễn là có điện. Vậy mà…”.

Bà Phạm Thị Liên, 66 tuổi, đang vác cuốc từ ngoài đồng về, thấy nói đến điện cũng góp lời: “Dân ở khổ quá, kêu miết không thấy ai trả lời nên bây giờ chỉ biết kêu… ông trời bớt nóng. Còn mấy trụ điện, tui đề nghị chất rơm lên cho bò ăn dễ ngó hơn, để không rứa cũng kỳ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng bà con rất phấn khởi, nhưng chuyển từ cây lúa qua cây trụ điện, cây không cành, không trái thì ai coi được hả chú?”.

Chờ đến bao giờ?

Các thôn không điện thuộc khu vực đồng bằng, cách quốc lộ 14E đi Kon Tum - nơi có đường điện cao thế - chỉ 1.000m. Trong khi các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa của các huyện lân cận đã có điện lưới quốc gia, thì ngay tại vùng đồng bằng này lại không có điện, dù đã có tên trong dự án phát triển lưới điện nông thôn Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 2 (OPEC 2) - với dự kiến có điện vào tháng 6-2006.

Nhưng đến nay, đã quá thời hạn gần một năm, ngoài việc mấy trụ điện hạ thế được trồng, người ta vẫn chưa thấy động tĩnh gì, người dân vẫn mỏi mòn chờ đợi. Sự chờ đợi này còn đến bao lâu thì chưa ai biết, vì đến giờ việc xây dựng đường dây trung thế vẫn chưa khởi động. Giải pháp đối với những hộ dân “khát” điện là tự kéo điện về từ các xã lân cận về dùng. Hậu quả của việc này là chịu giá điện cao chót vót (đồng hồ tổng tính giá 700đ nhưng khi về đến nhà dân, chia bình quân mỗi nhà trả 2.500đ/chữ).

Việc thiếu điện không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con mà sản xuất vụ 2 ở đây coi như bỏ hoang. Ông Trần Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, xã có 630ha đất trồng lúa, nhưng chỉ sản xuất được một vụ đông xuân vì hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, vụ hè thu thì “bó tay” vì không phải mùa mưa.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước, xã đã có dự án xây trạm bơm tại sông Ly Ly (cách các thôn khoảng 300m), chờ khi có điện là có thể xây dựng, bơm nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Nhưng do chưa có điện nên dự án vẫn chưa thể triển khai, sản xuất vẫn bấp bênh, người dân ở đây để đảm bảo cuộc sống phải trồng mì, đậu phụng đắp đổi qua ngày. Nhiều lần họp tiếp xúc cử tri, dân phản ảnh nhưng đến giờ vẫn chỉ nhận được những lời hứa suông từ huyện đến tỉnh!.
 
Được biết, do có những thay đổi về dự toán, thiết kế nên đơn vị chủ quản là Ban Quản lý các dự án nguồn vốn ODA Quảng Nam vẫn chưa thực hiện được việc mở thầu gói thầu đường dây trung thế. Mà có mở thầu được thì kế hoạch mới trình UBND tỉnh phê duyệt. Người dân nơi đây luôn hỏi không biết phải chờ đến bao giờ mới khởi công xây dựng và câu hỏi càng thêm “nóng” vì những bất tiện của cảnh phải sống dưới ánh đèn dầu.
 
                                                                                                                         Hà Minh

Tin cùng chuyên mục