
Được phép của chính quyền địa phương, hơn một tháng trời, 9 hộ dân đồng bào dân tộc H’re cật lực khai hoang đất rừng để trồng cây lâm nghiệp. Khi khai hoang xong, chỉ chờ đến ngày trồng cây, thế nhưng, đem cây giống về, các hộ dân này mới “tá hỏa” vì đất của mình đã có người… đem cây trồng trước. Chuyện xảy ra ở khu vực giáp ranh hai huyện Nghĩa Hành và Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Người dân điêu đứng

Từ thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, theo chân người dân địa phương, chúng tôi vượt qua hai sườn đồi, đến khu vực Núi Chùa - nơi hàng chục héc ta đất lâm nghiệp của bà con bị lấn chiếm bất hợp pháp.
Năm 2002, anh Phạm Văn Kim, ngụ thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông cùng 8 hộ dân là người dân tộc H’re lên khu vực Núi Chùa khai hoang đất trồng hoa màu. Nhưng anh canh tác được một mùa bắp thì một số người dân ở huyện Ba Tơ đến lấn chiếm đất trồng keo. Anh Kim cho biết: Trước, nơi đây là vùng đất hoang vắng, anh cùng một số bà con đến khai hoang để trồng bắp, trồng cây lương thực. Sau, anh dự định trồng mía, nhưng hôm đưa giống mía lên trồng thì tá hỏa, vì cả khu đất của anh đã biến thành… rừng keo non.
Là một trong tám hộ dân có đất khai hoang, anh Phạm Văn Đồng dồn tất cả vốn liếng mua giống mía chuẩn bị cho mùa vụ mới, nhưng 2 héc ta đất của anh đã được trồng đầy keo. Anh Đồng bức xúc: “Cuộc sống của hai vợ chồng tôi với 2 con nhỏ và mẹ già hơn 70 tuổi chỉ trông nhờ vào mảnh đất này. Tôi đã 2 lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Sự im lặng khó hiểu
Ngày 7-10-2003, chính quyền ba xã Ba Thành, Ba Động và Hành Tín Đông tổ chức cuộc họp tìm biện pháp xử lý nhưng không giải quyết được gì, mà tình trạng xâm chiếm đất ngày càng gia tăng. Theo phòng địa chính hai huyện Ba Tơ và Nghĩa Hành, năm 2005, diện tích đất bị xâm canh ở khu vực Núi Chùa và Suối Đá lên đến 36 héc ta.
Tiếp đó, ngày 28-1-2005, UBND huyện Nghĩa Hành và Ba Tơ đã họp bàn biện pháp giải quyết. Tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Thương, Phó Chủ tịch huyện Ba Tơ lại “vẽ đường cho hươu chạy” bằng cách đề nghị chính quyền xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) tạo điều kiện để người trồng rừng (tức người lấn chiếm đất - PV) được chăm sóc bảo vệ và thu hoạch số cây đã trồng, sau đó sẽ giao đất lại cho nhân dân xã Hành Tín Đông (!?). Thế nhưng, việc thỏa thuận giữa lãnh đạo hai huyện không ai thực hiện. Nhiều hộ đã thu hoạch xong mùa vụ nhưng vẫn không chịu giao trả đất mà tiếp tục canh tác; thách thức pháp luật và còn có hành vi đe dọa người dân nơi đây.
Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này với ông Đào Thanh Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), địa phương xảy ra tranh chấp, được biết: Ngày 20-8-2007, xã Hành Tín Đông có công văn gửi UBND huyện Nghĩa Hành xin thu hồi đất bị lấn chiếm trả lại cho người dân xã Hành Tín Đông, nhưng đã hơn 2 tháng qua, câu trả lời là… sự im lặng khó hiểu. Chúng tôi hỏi vì sao xã không trực tiếp mời các hộ dân đến hòa giải? Ông Công thú thực: “Chỉ có cấp huyện mới giải quyết được, cấp xã không có thẩm quyền. Người dân đưa đơn kiến nghị đến thì lãnh đạo xã chỉ xác nhận để họ gửi lên cấp trên…”.
HÀ MINH