

(12G).- Tối 4-4, sau khi uống sữa tươi tiệt trùng Vinamilk, 2 đứa con trai của bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, ở 261 Phan Đình Phùng, thành phố Quảng Ngãi đột nhiên phát ngứa toàn thân. Bà Huệ kiểm tra thùng sữa Vinamilk - Sữa tiệt trùng không đường loại 50 bịch x 250ml (hiện còn 16 bịch) thì phát hiện nhiều bịch sữa phình to, chảy sữa ra ngoài (ảnh).
Bà Huệ cho biết, thùng sữa này được bà mua trước đó vài hôm tại cửa hàng Misa, số 114 Phan Đình Phùng, thành phố Quảng Ngãi, trên nhãn mác có ghi ngày sản xuất 11-2-2007, hạn sử dụng 11-8-2007. Sau khi mua, bà Huệ vẫn bảo quản thùng sữa nơi khô ráo, thoáng mát theo hướng dẫn trên nhãn mác.
Bà Huệ mang thùng số sữa còn lại đến cửa hàng nói trên thì ông Võ Đông Giang, chủ cửa hàng cho rằng, trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất, còn ông chỉ là nhà phân phối !? Điều đáng lo là trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi có rất nhiều người tiêu dùng đang sử dụng loại sữa này.
A.V.
Phú Yên: 222 con heo bị chết do sốc thuốc
(12G).- 84 hộ dân ở huyện Phú Hòa tỉnh Phú Yên có heo bị chết do tiêm vaccine Tam Liên của Phân viện Thú y miền Trung sản xuất vừa được đơn vị này bồi thường với mức 18.000đ/kg. Sáng nay 5-4, Trạm Thú y huyện Phú Hòa cho biết, sau khi tiêm phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng bằng vaccine trên, đã có 222/487 con heo chết do sốc thuốc. Theo Phân viện Thú y miền Trung, lô vaccine này bị tạp chủng và đã được thu hồi toàn bộ để tiêu hủy.
Đ.T.
Kon Tum: Lãnh đạo cơ quan công quyền công khai số điện thoại
(12G).- Ngày 5-4 Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho biết, UBND tỉnh đã có công văn số 1952 trong đó có nội dung yêu cầu công bố, công khai đường dây nóng và các số điện thoại của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường khâu quản lý ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc… Theo đó đã có 14 sở gồm: Nội vụ, Xây dựng, GT-VT, Tài nguyên-Môi trường, Y tế, VH-TT, Tư pháp, Thương mại, Tài chính, KH-CN… thông báo công khai số điện thoại của thủ trưởng và đường dây nóng của cơ quan trên phương tiện thông tin đại chúng.
L.K.
Hà Nội: Chỉ còn 124 biệt thự chưa bán
(12G).- Báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội cho biết, trên toàn thành phố hiện chỉ còn 124 biệt thự chưa bán trên tổng số 799 biệt thự dùng để ở (không tính 200 biệt thự dùng làm trụ sở làm việc hoặc đối ngoại).
Trong số 799 biệt thự trên, có 42 biệt thự thuộc diện không được bán. Trong khi đó, con số 124 biệt thự chưa bán là do chưa nộp hồ sơ mua, do có khiếu kiện, tranh chấp chưa giải quyết xong... Cho đến nay, đã có 117 biệt thự bán trọn vẹn; 514 biệt thự mới bán một phần. Diện tích các biệt thự phổ biến nhất là từ 200 đến dưới 500m2 (439 biệt thự, chiếm 69,6%). Trên địa bàn thành phố hiện có 20 biệt thự dùng làm nhà công vụ, cơ quan không chuyển giao. Số còn lại cơ bản đã chuyển giao để thành phố quản lý và bán theo Nghị định 61/CP; trong đó, có một số biệt thự ở để hỗ trợ cán bộ lão thành cách mạng (theo Quyết định 20/2000/QĐ-TTg).
A.P
Thừa Thiên – Huế: Tiền quỹ của hội cổ động viên bóng đá bị xà xẻo
(12G).- Tiền quỹ của Hội cổ động viên (CĐV) bóng đá Thừa Thiên-Huế bị xà xẻo được Chủ tịch Hội, ông Bùi Xuân Hòa xác nhận với chúng tôi vào sáng nay 5-4. Đây là số tiền được từ các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ cho hội trong thời gian vừa qua.
Do hội mới đi vào hoạt động còn thiếu kinh nghiệm, khâu quản lý tài chính lỏng lẻo, nên đã để xảy ra sự cố đáng tiếc kể trên. Qua kiểm tra của Ban chấp hành (BCH) hội, người xà xẻo tiền quỹ là ông Nguyễn Hải Phương-Phó Chủ tịch hội. Ông Phương được giao giữ khuôn dấu, nên lấy danh nghĩa hội đi liên hệ và thu chi tiền tài trợ không thông qua BCH, khiến số tiền quỹ không được kiểm soát chặt chẽ. Hiện BCH hội đã tiến hành thu hồi số tiền bị xà xẻo trị giá 7,5 triệu đồng; đồng thời, cách chức Phó Chủ tịch hội đối với ông Phương.
N.Q.
Lâm Đồng: Kiến nghị thu hồi các văn bản trái luật của UBND TP Đà Lạt
(12G).- Như Báo SGGP 12Giờ ngày 4-4 đã đưa tin, UBND TP Đà Lạt ra các văn bản áp đặt giá tối thiểu cho các khách sạn - nhà nghỉ (KS-NN) trên địa bàn liệu có trái luật? Sáng ngày 5-4, ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Theo tinh thần cuộc họp ngày 4-4 với các sở, ngành liên quan gồm Sở Du lịch - Thương mại, Tư pháp, Cục thuế tỉnh và UBND TP Đà Lạt hiện đơn vị đang gấp rút hoàn thành văn bản để hôm nay trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo cho HĐND và UBND TP Đà Lạt thu hồi nghị quyết (NQ) và các quyết định (QĐ) liên quan đến việc áp đặt giá đã ban hành trái luật. Vì căn cứ theo Pháp lệnh quy định về giá thì NQ số 47 của HĐND và QĐ số 442 (ngày 2-2-2007) của Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đều sai và không đúng thẩm quyền nên cần phải rút lại NQ số 47 đồng thời thu hồi và hủy Quyết định 442.
V.Đ.
Cụm phà Hậu Giang: Kẹt phà do xe tải, xe khách né bắn tốc độ?
(12G).- Trong 3 ngày qua, bến phà Hậu Giang luôn xảy ra kẹt phà vào buổi trưa. Sáng nay 5-4, trao đổi với phóng viên SGGP 12Giờ, ông Phan Quang Dự, Giám đốc cụm phà Hậu Giang cho biết: Nguyên nhân kẹt xe do lượng xe tăng đột biến vào dịp vía Bà và tiết Thanh minh. Ngoài ra, do nhiều xe tải, xe đò từ TPHCM về CầnThơ sợ cảnh sát giao thông bắn tốc độ trên tuyến Quốc lộ 1A, nên nối đuôi chạy kè nhau, cùng lúc đổ về gây ra kẹt phà phía bờ Bắc Bình Minh – Vĩnh Long. Tuy nhiên, tối ngày 4-5, bến phà đã tu sửa và đưa trở lại hoạt động một phà 200 tấn.
C.H.P
Dân làm sạt lở nghiêm trọng đê sông Đáy
(12G).- Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở con đê chắn sóng bờ tả sông Đáy tại địa phận các xã Hòa Nam, Hòa Phú, Vân Đình, Hồng Quang… thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Tây) càng lớn hơn, đe dọa nghiêm trọng đến độ an toàn của cả tuyến đê nối Hà Tây và Hà Nam. Nhiều đoạn đê bị vạt sâu vào trong tới 5-10m. Nguyên nhân do người dân đua nhau lấn chiếm, khai thác đất làm vật liệu xây dựng, san gạt thành bãi tập kết vật liệu, làm đường giao thông… Được biết, tuyến đê này vừa mới được đầu tư kiên cố hóa, nhưng do thi công kém chất lượng nên nhanh chóng bị xuống cấp
V.P.