
8 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa có hàng ngàn dân, những năm trở lại đây, phần lớn các bản làng này đã phải sử dụng nguồn nước từ sông Sê Pôn và các khe suối do công trình cấp nước tự chảy nhanh chóng xuống cấp và không phát huy tốt hiệu quả. Thế nhưng, sông suối ở đây đang bị ô nhiễm từng ngày, không ít bản làng đang phải lao đao vì thiếu nước…
Nguồn nước bị ô nhiễm

Do khan hiếm nước sạch, người dân bản Úp Ly, xã Thuận, huyện Hướng Hóa phải dậy từ rất sớm để đi lấy nước ở suối Úp Ly
Ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng phòng môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Trị cho biết, Công ty thương mại Quảng Trị trước khi xây dựng nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã có cam kết về việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm nhà máy đi vào hoạt động, lời cam kết của chủ đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy!
Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, người dân kịch liệt phản đối, công ty đã cho đào những cái hồ xung quanh nhà máy để chứa chất thải trước khi chúng chảy ra sông Sê Pôn. Nhưng những cái hồ chứa này đã sớm trở nên quá tải và chẳng khác nào… những hố xí lộ thiên, khiến bà con ở những bản làng xung quanh nhà máy ngạt thở từng ngày. Chưa dừng lại ở đó, nước thải ở những hồ chứa cứ vô tư đổ thẳng ra sông Sê Pôn, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân 8 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa.
Lãnh đạo huyện bức xúc cho biết, thực chất trong quá trình đề nghị nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, ngành chức năng là Sở TN-MT chỉ quản lý theo kiểu “bắt lươn đầu đuôi”, mặc tình cho nhà máy muốn làm gì thì làm! Khó hiểu hơn, dù không biết trong nước thải có những chất gì, mức độ độc hại ra sao, tháng 5-2007, Sở TN-MT vẫn làm tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cho phép nhà máy tiếp tục đổ nước thải ra sông suối tự nhiên với mức độ 300m3 nước thải/ngày(!?).
Chẳng lẽ bó tay?
Năm 1992, các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp người dân 8 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa xây dựng hệ thống cấp nước tự chảy. Song chỉ sau thời gian ngắn, do công tác quản lý, cũng như chất lượng công trình kém, hệ thống cấp nước này nhanh chóng xuống cấp, không phát huy tốt hiệu quả. Người dân phải lại lặn lội hàng cây số từ bản làng đến những khe suối xa tít trong rừng và dòng sông Sê Pôn để cõng từng gùi nước về sinh hoạt. Về sau, bà con phải thắt lưng buộc bụng, ky cóp tiền mua xe máy chỉ để dùng vào mỗi việc duy nhất là… chở nước. Đã vậy, vào mùa khô, khe suối khô cạn, sông Sê Pôn thì bị ô nhiễm nặng nên việc tìm kiếm nguồn nước trở nên vô cùng khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nước sạch cho người dân vùng Lìa, ông Nguyễn Quân Chính, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Mỗi năm, nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng cho 186 thôn, bản vùng sâu của cả tỉnh chỉ chừng 20 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách dành cho nước sạch chiếm rất thấp nên xã này uống thì xã kia… đành phải nhịn!”.
Sự khan hiếm nước sạch, cũng như nạn ô nhiễm nguồn nước ở 8 xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa đang rất cần sự quan tâm giải quyết của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Phan Hà Linh