Quốc hội kêu gọi hỗ trợ nhân dân bị lũ lụt sớm ổn định đời sống

Nợ công có khả năng vượt trần 65% GDP
Quốc hội kêu gọi hỗ trợ nhân dân bị lũ lụt sớm ổn định đời sống

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

(SGGP).- Sáng 20-10, tại Nhà Quốc hội, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể với sự có mặt của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các vị khách mời quốc tế, đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương và gần 500 vị đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, kỳ họp thứ 2 diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. “Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, đồng chí vùng bị nạn; đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành; tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Ghi nhận những nỗ lực phấn đấu khẩn trương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2016, kinh tế tăng trưởng khá, dự báo cả năm tuy đạt thấp hơn so với kế hoạch, nhưng là mức cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. An sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực; an ninh quốc phòng được giữ vững.

Tuy nhiên, tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường và lũ lụt ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô.

Tóm tắt lại những nội dung quan trọng trong nghị trình kỳ họp, bao gồm: xem xét, thông qua một số dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, điều chỉnh những lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm; xem xét báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; giám sát “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và xem xét, thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Trong buổi sáng làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội 2016, kế hoạch 2017; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chiều cùng ngày, báo cáo và báo cáo thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo và báo cáo thẩm tra kế hoạch tài chính 5 năm; báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2015) lần lượt được trình bày tại phiên họp. Quốc hội cũng đã nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; báo cáo và báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

ANH THƯ


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn

Tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 20-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Báo cáo chỉ ra, nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn, áp lực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Quản lý cán bộ có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng

Thủ tướng cho rằng, năm 2016, dù tình hình khó khăn ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội nước ta, nhất là sản xuất và đời sống của người dân (biển Đông phức tạp; biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo, hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn chưa từng có ở ĐBSCL, bão lũ và sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung) nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,3% - 6,5%. Về tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động; rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm; đã có nhiều cải thiện rõ rệt cho doanh nghiệp làm ăn, tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,65% (cùng kỳ 2,08%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). Thủ tướng cũng cho rằng, một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp… Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch, một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài… Công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ tướng cũng cho rằng, sự cố môi trường biển nghiêm trọng tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ và an ninh trật tự; ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân ở một số tỉnh miền Trung. Mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội. Thiên tai, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện. Công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường chưa kịp thời. Đánh giá tác động môi trường đối với nhiều dự án đầu tư còn hình thức; kiểm tra, giám sát việc thực thi còn yếu. Xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng trái phép. Tình trạng úng ngập xảy ra nghiêm trọng tại Hà Nội và TPHCM.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, Thủ tướng cho rằng, với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu trong những tháng còn lại, dự báo năm 2016 có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt.

Kiên quyết không cấp phép các dự án gây ô nhiễm

Về nhiệm vụ năm 2017, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế… Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: GDP tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1% - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Để đạt tới mục tiêu này, Chính phủ đề ra 9 giải pháp, trong đó hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng cho biết, phấn đấu giảm bội chi NSNN. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, nhất là vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến giải pháp tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chuẩn bị triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thực hiện theo tiến độ một số đoạn của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và một số đoạn quan trọng trên tuyến đường bộ ven biển. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Các giải pháp về phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên cũng được Thủ tướng nhấn mạnh. Trong đó, Chính phủ tiếp tục thể hiện quan điểm quyết liệt bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án gây ô nhiễm. Cùng với đó, xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương. Đổi mới công tác quản lý và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế; đối với hệ thống hành chính nhà nước sẽ giảm 1,5% (tương ứng với 3.868 người) trong tổng biên chế...

Nợ công có khả năng vượt trần 65% GDP

Thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch 2017 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặc biệt lưu ý, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn trước là một trong các rủi ro lớn cho nền kinh tế, nợ công có khả năng vượt trần là 65% GDP trong năm 2016. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý ngân sách, chống thất thoát, lãng phí; quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục triển khai tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các giải pháp xử lý nợ xấu…

LÂM NGUYÊN


Mạnh tay với các vụ án tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”

Ngày 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo với Quốc hội ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

Lâm tặc, cát tặc: biểu hiện của “lợi ích nhóm”

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp này chủ yếu có 7 nội dung: hoạt động của Quốc hội và công tác điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội; y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; GD-ĐT và việc làm; bảo vệ môi trường; phòng chống tham nhũng; an toàn giao thông.

Trong đó, đáng chú ý, về hoạt động của Quốc hội và công tác điều hành của Chính phủ, cử tri và nhân dân kiến nghị cần đặc biệt giám sát về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; giám sát việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, việc mua sắm tài sản và đầu tư công. Về sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, nhân dân phản ánh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhìn chung vẫn còn chậm, đa số các hộ nông dân vẫn sản xuất đơn lẻ, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu do tư thương thực hiện, do đó người nông dân chịu thiệt thòi nhất trong phân chia thu nhập của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, cử tri một số địa phương cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên 30% kể từ ngày 1-3-2016 là chưa phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế hiện nay. Đặc biệt, hiện nhân dân rất lo lắng về tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chưa bảo đảm an toàn; việc sử dụng chất tạo nạc, phụ gia, hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Về GD-ĐT và việc làm, cử tri tiếp tục phản ánh việc nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH-CĐ ra trường không có việc làm, gây lãng phí lớn đối với xã hội và gia đình.

Về bảo vệ môi trường, nhân dân tiếp tục bức xúc trước nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông; việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã từng báo cáo trước Quốc hội về tình trạng này. Nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, huyện, tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng nhưng Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên. MTTQ Việt Nam đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 3 lần báo cáo trước Quốc hội vào năm 2015, 2016. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai. Vì vậy, nhân dân cho rằng nạn “cát tặc”, “lâm tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm”.

Chưa tổ chức, cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước nhận trách nhiệm về sự cố môi trường biển

Đáng chú ý, với sự cố môi trường biển miền Trung, cử tri cho rằng nhà đầu tư vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm trước nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm. Trong khi đó, cử tri phản ánh việc xây dựng và vận hành của một số nhà máy nhiệt điện than tại một số địa phương chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, đang tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.

Cử tri cũng cho rằng, việc bố trí, quản lý và hoạt động của các trạm thu phí dự án BOT còn nhiều bất cập như: khoảng cách thu phí chưa hợp lý, “phí chồng phí” khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với bà con sinh sống và doanh nghiệp ở gần các trạm thu phí. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân, nhất là tại Hà Nội và TPHCM mong muốn Chính phủ quyết liệt chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch, nâng cao năng lực dự báo và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương nơi xảy ra nhiều tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ngập úng nghiêm trọng hiện đang gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Về phòng chống tham nhũng, cử tri cho rằng vừa qua việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, việc xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe, công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả còn rất thấp. Đặc biệt, nhân dân rất bất bình về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh. Đảng và Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. 

Bên cạnh bức xúc của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 5 kiến nghị: Quốc hội đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là đối với các dự án, công trình đầu tư quan trọng quốc gia, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả từng đồng tiền đóng thuế của nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng chống tham nhũng; Chính phủ khẩn trương rà soát lại quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than trong cả nước và báo cáo Quốc hội trong năm 2017; chính quyền TP Hà Nội và TPHCM làm rõ các phương án giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ngập úng, nhu cầu đầu tư từ nay đến năm 2021 để báo cáo Quốc hội, Chính phủ; tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam trong năm 2017 giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

PHAN THẢO


Ngân sách vẫn nặng vay nợ, chi tiêu

Chiều 20-10, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Về kế hoạch tài chính 5 năm 2011 - 2015, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dù đã đạt được kết quả khả quan, song bức tranh ngân sách còn có những tồn tại như: tỷ lệ huy động thuế, phí chiếm 20% - 21% GDP; đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay trong nước, thậm chí ứng chi, nợ đọng xây dựng cơ bản; nợ công tăng cao gần sát ngưỡng cho phép; hiệu quả sử dụng vốn ngân sách còn hạn chế, phân bố còn dàn trải; tinh thần triệt để tiết kiệm chưa được triển khai mạnh mẽ…

Thẩm tra về về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách trong giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 20% - 21% GDP, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (không quá 22% - 23% GDP/năm) và giảm mạnh so với giai đoạn trước. Việc giảm tỷ lệ huy động đã làm tăng bội chi ngân sách. Cũng theo đánh giá của ủy ban, việc miễn, giảm thuế chưa thật sự mang lại tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh trên diện rộng. Do vậy, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn về chính sách miễn, giảm thuế và hiệu quả đem lại đối với nền kinh tế.

Về chi ngân sách, đáng chú ý là tỷ trọng bình quân bố trí dự toán chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm mạnh, chiếm khoảng 18,2% tổng chi ngân sách, thấp hơn so với giai đoạn 2006 - 2010 (bình quân 24,4%). Điều này cho thấy cơ cấu chi ngân sách và cán cân tích lũy - tiêu dùng chưa cân đối tích cực. Về bội chi ngân sách, bình quân 5 năm khoảng 5,76% GDP, không đạt mục tiêu đề ra (4,5% GDP vào năm 2015 bao gồm cả trái phiếu chính phủ). Một phần bội chi đã phải sử dụng cân đối cho việc trả nợ gốc, thể hiện cân đối ngân sách chưa chắc chắn.

Về cơ cấu chi, Chính phủ dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi ngân sách theo hướng: tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên mức bình quân 25% - 26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 67% xuống mức khoảng 60% - 62% trong giai đoạn 2016 - 2020. Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra cho rằng, nhìn chung trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngân sách của nước ta là ngân sách tiêu dùng, nặng về chi thường xuyên, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỷ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp. Đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay ngoài nước, vay phát hành trái phiếu chính phủ và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất còn chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, việc điều chỉnh cơ cấu chi theo phương án Chính phủ trình là phù hợp. Do đó, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc dự kiến bố trí tổng chi đầu tư phát triển khoảng 2 triệu tỷ đồng (phân bổ tối đa 1,8 triệu tỷ đồng, còn lại dự phòng 10%), chiếm 25% - 26% tổng chi ngân sách, chỉ là định hướng vì còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu ngân sách hàng năm.

HÀ MY


Kết quả tái cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu

Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra tán thành nhận định nêu trong báo cáo của Chính phủ. Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống 17,4%. Quá trình cơ cấu lại đã bước đầu nâng cao kỷ cương trong đầu tư công; hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu; thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước. Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi. Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành.

Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cho rằng, bài học cần lưu ý là khâu tổ chức thực hiện, việc nâng cao nhận thức, quyết tâm của các ngành, địa phương trong chỉ đạo và đề ra cách triển khai phù hợp trong thực tiễn, từ đó cần nhận thức đầy đủ, chỉ đạo quyết liệt hơn ở cả trung ương và địa phương.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục