Nhìn lại hoạt động của Quốc hội (QH) nhiệm kỳ qua, trong chương trình nghị sự của các kỳ họp QH, chất vấn và trả lời chất vấn được cử tri cả nước, dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm.
Các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các thành viên Chính phủ đều dành nhiều tâm sức cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bởi lẽ hoạt động này chính là hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp theo luật định. Thông qua đó, QH có thể ra nghị quyết đánh giá, xem xét trách nhiệm đối với các thành viên Chính phủ, và cao hơn, hậu quả pháp lý là QH có quyền bỏ phiếu tín nhiệm (thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm) đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn nếu có những vi phạm nghiêm trọng.
Chất vấn và trả lời chất vấn còn quan trọng và hấp dẫn ở chỗ được phát thanh, truyền hình trực tiếp, công khai với cử tri cả nước. Nhân dân và dư luận có thể “chấm điểm” cho cả người chất vấn và người trả lời chất vấn. Do đó, phiên chất vấn thường được chuẩn bị rất chu đáo, công phu. Nhiều vị bộ trưởng quản lý hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức song trước diễn đàn QH, vẫn tỏ ra mất bình tĩnh, lúng túng, thiếu tự tin... như kỳ thi vấn đáp thời sinh viên thuở nào.
Tại các phiên chất vấn của mỗi kỳ họp, cử tri và dư luận xã hội đánh giá là sôi động, thiết thực, hiệu quả, chuyển biến. Với trên 1.650 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp cùng hàng vạn ý kiến góp ý qua đường dây nóng, gần 300 chất vấn bằng văn bản và hơn 200 lượt ĐBQH đăng ký chất vấn trực tiếp tại hội trường đối với Thủ tướng Chính phủ, hàng chục vị bộ trưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho thấy chất vấn được cả xã hội quan tâm đặc biệt.
Tôi ấn tượng sâu sắc với phát biểu kết luận của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tại phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ: “Qua chất vấn, các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thấy rõ hơn những thiếu sót yếu kém của mình trong chỉ đạo, điều hành, tìm ra nguyên nhân để khắc phục, đáp lại lòng tin của nhân dân…”. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng còn dẫn lời Lênin: “Tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta”.
Trong mỗi phiên chất vấn, ĐBQH đặt ra hàng loạt vấn đề bức xúc, nóng hổi của đời sống từ vĩ mô đến vi mô và trách nhiệm của người được chất vấn như: lạm phát, nhập siêu, đầu tư kém hiệu quả, bội chi ngân sách, giá cả leo thang, tiền lương eo hẹp, điện mất triền miên, bệnh viện thiếu giường, thiếu thuốc, trẻ em thiếu lớp học, sinh viên không đủ ký túc xá, lũ lụt miền Trung, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tắc đường kẹt xe, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tham nhũng, thất thoát, lãng phí, gian nan cuộc sống người nghèo... Có nghĩa là tại phiên chất vấn, cùng nhau phân tích, “mổ xẻ” để nhận thấy, nhận thức, nhận biết, còn hậu chất vấn là hành động, chuyển động.
Sau mỗi kỳ họp, những vấn đề ĐBQH chất vấn Chính phủ giúp các bộ ngành, như được tiếp sức, “tiếp lửa”, thấy rõ trách nhiệm của mình hơn, đề ra nhiều giải pháp kịp thời, khắc phục những yếu kém, bất cập như: quản lý chặt chẽ hơn đất đai công sản, thu hồi hàng triệu mét vuông nhà, đất sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, cắt giảm các dự án sân golf chiếm dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp, chấn chỉnh các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, điều chỉnh lại những quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, kém hiệu quả, chậm tiến độ, đưa ra nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí... Hậu chất vấn phải làm cho các cơ quan công quyền hành động, chuyển động, nếu không được như thế, chất vấn chẳng còn mấy ý nghĩa.
Hiệu quả thiết thực và mục đích tự thân của chất vấn tại mỗi kỳ họp QH không gì khác, đó là thúc đẩy sự chuyển động tích cực của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Có thể nói, thành công trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhiệm kỳ qua đã nâng tầm QH và ghi dấu ấn trong lòng cử tri cả nước.
Lê Như Tiến
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội