Chân ngoài dài hơn chân trong
Chiều 16-11, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội. Trân trọng ghi nhận những nỗ lực của Ban soạn thảo nhằm chỉnh lý, bổ sung rất nhiều điều khoản của cả 2 văn bản pháp luật này, song đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) và nhiều đại biểu Quốc hội khác thẳng thắn cho rằng, các dự luật vẫn còn rất ngổn ngang.
Đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), hai nhóm vấn đề được nhiều ĐB tập trung cho ý kiến là các quy định về tiền lương và đình công. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận xét, những quy định về lương phải làm sao đảm bảo mức sống tối thiểu, tái tạo được sức lao động. “Ngay cả khi đã tăng lương tối thiểu thì hai vợ chồng vừa tốt nghiệp đại học mà ở thành phố cũng không đủ sống, chưa nói nuôi con. Lương thấp thì chân ngoài dài hơn chân trong là dễ hiểu”, đại biểu An nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) cũng cho rằng, phải tiến tới thống nhất cách tính lương và phải tính theo lương thực trả. Còn nếu vẫn tính theo lương tối thiểu thì phải làm như các nước, tức là tính mức tối thiểu theo giờ chứ không tính theo ngày. Như vậy sẽ vừa thuận lợi cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhân lực theo giờ và cũng đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.
Lưu ý đến quy định mới về làm thêm giờ, Các đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trương Thị Ánh (TPHCM) cũng không đồng tình với cách lý giải việc kéo dài thời gian cho phép làm thêm giờ nhiều như dự thảo. “Chỉ nên tối đa đến 300 giờ trong một năm, không có ngoại lệ gì nữa”, đại biểu Huỳnh Thành Lập dứt khoát.
Đồng tình trích công đoàn phí 2% quỹ lương thực trả. Đây là quan điểm của nhiều ĐBQH khi phát biểu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) lý giải: “Từ trước đến nay khối cơ quan, doanh nghiệp trong nước vẫn đang thực hiện tốt quy định này. Nhóm sẽ bị ảnh hưởng chỉ là khối doanh nghiệp FDI đang từ 1% nay lên 2%, nhưng tôi cho là tác động không lớn”. Bà Trương Thị Ánh cho rằng, trước mắt chưa nên quy định công đoàn viên có thể bao gồm người lao động là người nước ngoài.
Nhiều quy định thiếu khả thi
Trước đó, thảo luận về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, hầu hết các đại biểu tán thành ban hành luật này, tuy nhiên rất nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi vì có nhiều quy định khó triển khai nếu luật ra đời.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nói, Thủ tướng từng có quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, có chế tài xử phạt, dư luận rất quan tâm, nhưng “do quy định về xử phạt không thực thi nên tác động của quyết định gần như không có. Luật đã kế thừa tinh thần của quyết định này, tuy nhiên cần cân nhắc thêm vì chế tài chưa đủ mạnh, chỉ mang tính định hướng, giáo dục nhiều thì không thể có tác dụng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bổ sung: “Hình ảnh người bố phả khói thuốc vào mặt con diễn ra thường xuyên, vậy ai đứng ra bảo vệ đứa trẻ đó. Lực lượng xử phạt lúc đó ở đâu để người bị tác động bởi thuốc lá có thể cầu cứu? Cán bộ công chức ngồi trong phòng máy lạnh hút thuốc rất phổ biến. Vậy ai đứng ra để bảo vệ người không hút thuốc, ai đứng ra xử phạt? Tôi đang tự hỏi có nên thông qua luật mà tính khả thi thấp này hay không?”.
ANH PHƯƠNG