Ngày 1-6, Quốc hội đã thảo luận 2 dự án Luật An toàn thực phẩm và Luật Thanh tra (sửa đổi). Đồng tình với những giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật An toàn thực phẩm, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm.
“Nhạc trưởng” không thể kéo cả đàn violin!
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thực tiễn giám sát tối cao của QH tại kỳ họp 5 vừa qua cho thấy, hiện lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm còn yếu và thiếu, đặc biệt ở địa phương. Việc thực thi pháp luật về thanh tra cũng có nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử lý vi phạm...
Vì vậy, dự thảo lần này quy định thanh tra về an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành. Liên quan đến đề nghị chấm dứt việc 3 bộ cùng quản lý “mâm cơm” của dân (cách nói ví von về an toàn thực phẩm), UBTVQH cho rằng, an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân nên quy định giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là phù hợp. Hiện tại, việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được phân công cho quá nhiều bộ tham gia. Chính vì vậy, việc quản lý trong nhiều công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn có sự chồng chéo, khi xảy ra vụ việc khó xác định trách nhiệm của các bộ có liên quan.
Tán thành việc làm rõ chức năng của các bộ trong quản lý an toàn thực phẩm, trong đó Bộ Y tế giữ vai trò “nhạc trưởng”, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đề nghị phải có một hệ thống quản lý chặt chẽ và đồng bộ, giám sát từ khâu sản xuất, lưu trữ, chế biến, sản xuất đến kinh doanh thực phẩm. “Tôi có cảm giác các quy định vẫn chưa chặt chẽ, nhất là sự phối hợp liên thông giữa các bộ” – bà Mai nhận xét. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng chung quan điểm này khi cho rằng trách nhiệm quản lý vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ông vẫn mong muốn lập một ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm, dù biết là khó: “Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chung, nhưng lại được giao quá nhiều việc cụ thể. Như vậy khác nào “nhạc trưởng” nhưng vẫn phải kéo đàn violin, thổi kèn trumpet...! Tôi cho rằng Bộ Y tế chỉ cần thay mặt Chính phủ quản lý, chỉ đi kiểm tra giám sát”. Hơn nữa, muốn quản lý tốt phải gắn với trách nhiệm. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị quy định nếu bộ, ngành, địa phương nào để xảy ra vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm.
Cần cấm sử dụng bao bì gây hại
Một số đại biểu QH khác đề nghị cần quy định rõ các hành vi bị cấm để tăng tính khả thi. “Luật quy định 15 hành vi bị cấm, nhưng đều khó khả thi vì không có ai kiểm tra, không có ai xử phạt” – đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) nhận xét. Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai gợi ý cần có quy định cấm sử dụng bao bì gây ô nhiễm, độc hại cho thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Chính phủ cần sớm kiểm tra, rà soát xem ở nước ta có bao nhiêu loại bao bì gây hại cho thực phẩm.
Đối với sản xuất hàng nông sản nhỏ lẻ, các cơ sở phải chế biến, vận chuyển qua nhiều công đoạn nên dễ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) cho rằng, cần quy định rõ trước khi sản phẩm được lưu thông phải được dán nhãn mác quy định thời hạn sử dụng. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) nêu thực tế: Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm mà không rõ nguồn gốc của các loại động, thực vật, thịt cá tươi sống sản xuất từ đâu. Nếu chỉ quy định sản phẩm đóng gói mới phải ghi rõ nhãn mác của cơ sở sản xuất, còn sản phẩm tươi sống không ghi nhãn mác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo sức khỏe của người dân, trong dự thảo luật cần ghi rõ tất cả các sản phẩm (bao gồm cả đóng gói và không tươi sống) đều phải ghi rõ cơ sở sản xuất, thời hạn sử dụng. Về các thực phẩm là chất phụ gia, đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) nêu ý kiến: Chất phụ gia trong thực phẩm rất khó quản lý trên sản phẩm cần có thêm phần ghi thời hạn sử dụng của chất phụ gia.
Hàm Yên – Anh Phương
Nâng cao tính độc lập của cơ quan thanh tra Mạnh dạn đưa ra những quy định mang tính “đột phá” hơn theo hướng nâng cao tính chủ động, độc lập của cơ quan thanh tra là đề nghị của nhiều đại biểu QH khi bàn về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đại biểu Trần Hoàng Thám (TPHCM) thẳng thắn nhận xét: “Sửa như trong dự thảo thì tôi thấy không gỡ được một cách căn cơ những cái vướng hiện nay trong công tác thanh tra. Vẫn sẽ quá tải, vẫn sẽ phải “lựa chiều” khi kết luận vụ việc. Đề nghị Ban soạn thảo dự luật bổ sung nội dung quy định mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan dân cử như QH và HĐND các cấp để tiện phối hợp, hỗ trợ”. Ông Trần Hoàng Thám cho rằng, để công tác thanh tra được gọn nhẹ, đồng thời không làm ảnh hưởng đến đối tượng được thanh tra, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho thanh tra viên. “Có những vụ việc chỉ cần một thanh tra viên là đủ, hiện nay mỗi lần thanh tra là phải thành lập đoàn, ra quyết định, lên kế hoạch... rất rườm rà, mà đơn vị phải tiếp đoàn cũng trần ai khoai củ”, đại biểu Trần Hoàng Thám nói vui. |