Quốc hội thảo luận dự án Luật Đại học - Chưa giải quyết được bức xúc

Sáng nay, 14-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quảng cáo. Đây là dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Đại học - Chưa giải quyết được bức xúc

(SGGPO).- Sáng nay, 14-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quảng cáo. Đây là dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu.  

Quan tâm đến nhiều điểm bất cập trong dự luật, Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng khái niệm quảng cáo trong dự luật là quá rộng, được hiểu bao gồm cả một số hoạt động giới thiệu người tốt, việc tốt, thông tin về sản phẩm, con người không mang tính chất thương mại.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Lê Thị Nguyệt. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu cũng lưu ý đến yêu cầu lồng ghép mục tiêu về bình đẳng giới: “Cứ xem quảng cáo về sản phẩm liên quan đến gia đình thì rất dễ thấy quan niệm là phụ nữ chỉ chăm chút con cái, dọn dẹp nhà cửa, đi siêu thị; đã là phụ nữ thì nhiệm vụ quan trọng nhất là phải phục vụ gia đình và chồng con”. Bà Lê Thị Nguyệt yêu cầu bổ sung vào luật quy định hạn chế những quảng cáo có tác động tiêu cực đến bình đẳng giới. Quan điểm này được các đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)… chia sẻ.

Một vấn đề được đại biểu Lê Thị Nguyệt và nhiều đại biểu khác nêu là quy định đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất quản lý nhà nước về quảng cáo, vì có tới 80% quảng cáo hiện nay được thực hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) nêu vấn đề: “Nếu giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý về quảng cáo thì sẽ dẫn đến việc một trang báo 2 bộ phải đọc, lãng phí thời gian và công sức”!

Quốc hội thảo luận dự án Luật Đại học - Chưa giải quyết được bức xúc ảnh 2

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang. Ảnh: Minh Điền

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phát biểu ủng hộ phương án như trong dự thảo luật, theo đó Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới là cơ quan đầu mối quản lý về quảng cáo.

Từ góc độ bảo đảm quyền lợi cho đối tượng tiếp nhận quảng cáo, nhiều ví dụ về quảng cáo phản cảm đã được nhiều đại biểu đưa ra phân tích để khẳng định quan điểm cần hạn chế quảng cáo hướng tới trẻ em, quảng cáo kiểu cưỡng bức (như gửi tin nhắn ồ ạt, tràn lan, sử dụng uy tín cơ quan trung ương để “ép” mua các ấn phẩm mà người mua không có nhu cầu sử dụng)…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cụ thể: “Những sản phẩm không phù hợp với trẻ vị thành niên thì trước khi phát sóng phải có cảnh báo là quảng cáo dành cho người lớn”.

Hạn chế diện tích quảng cáo không quá 15% là “hơi khắt khe”. Ảnh: Nhứt Minh
Hạn chế diện tích quảng cáo không quá 15% là “hơi khắt khe”. Ảnh: Nhứt Minh

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, không chỉ người phát hành quảng cáo mà ngay cả những nhân vật tham gia quảng cáo (thường là các ngôi sao giải trí, người nổi tiếng…) cũng phải có trách nhiệm về lời nói, hành vi của mình trong mẫu quảng cáo.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh còn cho rằng, luật không nên yêu cầu người nhận quảng cáo bằng tin nhắn phải trả lời từ chối nhận, vì nếu người nhận không đăng ký nhận quảng cáo, không trả lời có thể xem như đã từ chối quảng cáo, “không lý gì bắt hàng triệu người phải trả lời từ chối”. 

Việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông cũng được nhiều đại biểu cân nhắc rất kỹ do lo ngại ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, trừ xe taxi có “mào” mang logo của công ty, còn lại cần cấm quảng cáo cả ở mặt trước, mặt sau và trên nóc xe. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Luật cần quy định rõ các vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật, nhất là xác định trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất và tổ chức đã phát hành quảng cáo sai sự thật.

Có cùng nỗi băn khoăn tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: “Khi cần khiếu nại, người tiêu dùng phải đến đâu? Đối tượng bị khiếu nại là nhà quảng cáo, nhà phân phối hay nhà sản xuất”? 

Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) đề nghị bổ sung cấm các quảng cáo có nội dung kỳ thị về dân tộc và giới tính. Bà Đinh Thị Mai Lan cho rằng, với báo chí, việc hạn chế diện tích quảng cáo không quá 15% là “hơi khắt khe”, nhất là đối với các cơ quan báo chí phải tự hạch toán kinh doanh mà không được bao cấp.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Đại học - Chưa giải quyết được bức xúc ảnh 4

Đại biểu Đặng Công Lý. Ảnh: Minh Điền 

Là một doanh nhân, đại biểu Châu Thị Thu Nga quan tâm đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Bà Châu Thị Thu Nga đề nghị bổ sung quy định phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin cải chính về các hành vi sai phạm trong cấp phép quảng cáo, quảng cáo sai… Về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử, bà Thu Nga đã phân tích thiết kế đặc biệt của báo điện tử để cho rằng một số quy định trong dự luật là cứng nhắc, không có tính khả thi…

Năm 2012: Tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 493.675 tỷ đồng

Chiều 14-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.

Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 nêu rõ: tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2012 là 493.675 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương năm 2012 là 633.875 tỷ đồng, trong đó có 151.633 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương (chưa bao gồm khoản 820 tỷ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và 2.097 tỷ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách cho từng địa phương).

Nghị quyết nêu rõ, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 cho từng bộ ngành địa phương, các cơ quan ở Trung ương, mức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 3% mức bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối so với năm 2011 trên cơ sở phân loại theo các nhóm tỉnh.

Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 do ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội trình bày cho thấy, Chính phủ đề nghị tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương 3% so với năm 2011 cho 50 địa phương nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, được các đại biểu Quốc hội đồng ý. Tuy nhiên,  các đại biểu Quốc hội yêu cầu tỷ lệ tăng bổ sung phải trên cơ sở phân loại theo các nhóm tỉnh, tránh bình quân. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ sửa lại dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 theo hướng: tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương 3% so với năm 2011 cho 50 địa phương nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương trên cơ sở phân thành 3 nhóm: các địa phương nhận trợ cấp cân đối trên 80% được tăng số bổ sung cân đối thêm 4%; cân đối từ 50%-80% được tăng 3%;cân đối dưới 50% tăng 2%.

Về hỗ trợ vốn đầu tư cho ngân sách cho cơ sở hạ tầng du lịch: Chính phủ đề nghị hỗ trợ 820 tỷ đồng cho 55 tỉnh để xây dựng hạ tầng du lịch. Các đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ nên tập trung hỗ trợ một số tỉnh có trọng điểm du lịch, cho các trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc gia, không dàn trải cho cả 55 tỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng lại phương án phân bổ 820 tỷ đồng nhằm tránh dàn trải. Tuy nhiên, để có thời gian rà soát, bảo đảm phân bổ hợp lý, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua tổng mức và cho phép tạm thời chưa phân bổ ngay khoản này. Chính phủ sẽ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và lập phương án phân bổ cụ thể, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31-12-2011.

Về chính sách hỗ trợ các dự án cấp bách (2.097 tỷ đồng), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng không nên mở rộng phạm vi tập trung hỗ trợ vì dễ dẫn đến phân tán nguồn lực. Vì vậy, thống nhất với Chính phủ trên cơ sở các tiêu chí, khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại phương án phân bổ cụ thể và đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở tờ trình của Chính phủ xem xét, quyết định trước 31-12-2011.
 
Về chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, có ý kiến cho rằng việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần được chú trọng hơn; nên bổ sung nguồn lực cho các tỉnh có diện tích trồng lúa lớn; đề nghị tăng mức hỗ trợ cho 62 huyện nghèo và chương trình nông thôn mới; ưu tiên vốn cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu..

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 vừa được Quốc hội thông qua đã ưu tiên dành nguồn vốn trái phiếu Chính phủ,vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương thực hiện nhiều dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; dự kiến giai đoạn 2011-2015 nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực này là 270.496-285.305 tỷ đồng, chiếm khoảng 22,9%, tăng khoảng 56,5% so với giai đoạn 2006-2010. Quốc hội cũng đã quyết định có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và bố trí nguồn vốn khá lớn cho chương trình này.

Riêng đối các tỉnh có diện tích trồng lúa lớn, trong định mức phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2011, giai đoạn 2011-2015 đã ưu tiên phân bổ thêm khoảng 2.600 tỷ đồng nhằm khuyến khích giữ đất trồng lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chú trọng tăng cường đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực này thông qua các chương trình như đầu tư hỗ trợ 62 huyện nghèo; chương trình nước sạch; vệ sinh môi trường nông thôn...

Luật Giáo dục đại học còn quá chung chung

Chiều 14-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật giáo dục đại học. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật này (trước đó đã tiến hành thảo luận 1 lần tại tổ).

Quốc hội thảo luận dự án Luật Đại học - Chưa giải quyết được bức xúc ảnh 5

Sinh viên khoa cơ khí Đại học Bách khoa thực hành trên máy đo Profile. Ảnh: MAI HẢI

Hầu hết các ý kiến cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục đại học nhưng Luật chưa giải quyết hết được các bức xúc hiện nay của giáo dục đại học như tuyển sinh, học phí, kiểm định, tự chủ, mô hình trường… Nhiều nội dung còn quy định quá chung chung, nếu Luật ban hành thì khó đi vào cuộc sống.

Những nội dung mà các đại biểu Quốc hội tập trung góp ý là vấn đề tự chủ đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, mô hình đại học, vấn đề Hội đồng trường…

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng cần quy định bắt buộc kiểm định chất lượng giáo dục đại học. “Ngoài ra, cần ban hành chuẩn quốc gia về giáo dục đại học. Cần có tiêu chuẩn tối thiểu tối thiểu đối với sinh viên đại học”, đại biểu Lan nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải kiểm định chất lượng giáo dục độc lập thì mới có tác dụng. Chính phủ nên thành lập 3 trung tâm kiểm định độc lập ở 3 miền, là tổ chức phi lợi nhuận, Nhà nước cấp ngân sách. Kết quả kiểm định phải được công bố công khai.

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) thì cho rằng, Luật này chủ yếu vẫn hướng đến các trường công, trong khi đó trường tư thục mới là tương lai của giáo dục đại học. “Cần bổ sung, làm rõ đại học tư thục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Cần làm rõ mô hình Hội đồng quản trị của các trường tư thục”, bà Yến đề nghị.

Vấn đề tự chủ được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Theo đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, Luật nói giao quyền tự chủ cho các trường nhưng hơn một nửa quy định về giao quyền tự chủ lại do Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, như vậy là tự chủ nửa vời.

“Bộ không nên ôm đồm các công tác chuyên môn mà nên tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm. Đơn cử như cần đưa ngay vào luật các điều kiện về mở ngành đào tạo, không nên giao Chính phủ’, bà Yến nói. Cũng theo đại biểu này, cần có chế tài rõ ràng xử lý các sai phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tự chủ là điều mà các trường mong đợi nhất khi Luật này ra đời. Tự chủ là linh hồn của giáo dục đại học nhưng Luật mới chỉ quy định các nguyên tắc rất cơ bản, phần lớn giao nhiều cho Chính phủ. Vì vậy Luật cần làm rõ hơn lộ trình, các điều kiện tự chủ, công tác kiểm đinh, giám sát, chế tài xử phạt. Đặc biệt, cần làm rõ khâu kiểm định vì đó là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục đại học lộn xộn hiện nay.

Theo đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), Luật này không phải là Luật khung nữa nên cần chi tiết để sau khi được ban hành sẽ phát huy tác dụng ngay. 

“Luật đề ra tự chủ giáo dục đại học rên 6 lĩnh vực. Đồng ý. Nhưng nguyên tắc tự chủ chưa rõ ràng. Ví dụ quy định tự chủ dựa vào kết quả kiểm định chất lượng, nhưng bao giờ mới kiểm định xong hơn 400 trường, lộ trình chưa rõ. Việc giao tự chủ vẫn nặng xin cho tự chủ. Đề nghị cần ban hành bộ tiêu chí để tự chủ. Chẳng hạn những trường thành lập từ năm 2000 trở về trước nếu đủ tiêu chí thì được tự chủ ngay. Như thế thì mới có lộ trình, mới cụ thể, có tác dụng ngay khi Luật ra đời”, đại biểu Lê Văn Học đề xuất.

Nhiều ý kiến đồng tình việc không nên quy định Chủ tịch Hội đồng trường là Hiệu trưởng mà nên để cơ sở tự quyết định thông qua bầu hoặc bổ nhiệm.

Vấn đề mô hình trường cũng là điều các đại biểu quan tâm vì chưa rõ trong Luật. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) băn khoăn mô hình đại học 2 cấp: “Thực tế cho thấy Đại học Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên hoạt động chưa hiệu quả, trong khi các đại học thành viên của họ thì chưa phát huy được. Nếu tiếp tục để mô hình này thì cần làm rõ hơn. Kể cả cần xem lại mô hình Đại học Quốc gia”, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nói.

Phan Thảo - Anh Phương

Tin cùng chuyên mục