Thị trường chứng khoán bị mất niềm tin
Hôm qua 4-11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này, các đại biểu đồng tình với những lý do trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển khá nhanh chóng của thị trường chứng khoán.
Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị mất niềm tin bởi tình trạng thông tin nội gián, làm giá. Ở các nước, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán có quyền điều tra xử lý các vấn đề này. Nhưng ở Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ở tình trạng “lơ lửng”, trực thuộc Bộ Tài chính chứ không độc lập.
Với những quy định trong dự luật sửa đổi, UBCKNN cũng chưa được trao đủ quyền để xác minh làm rõ các hành vi làm giá, nội gián. Vì thế, ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần tăng thêm quyền hạn cho UBCKNN, chẳng hạn như cơ quan này có quyền được xác minh tài khoản ngân hàng, được yêu cầu cung cấp số liệu…
Hà Nội được quy định phí lưu thông
Luật Thủ đô được trình ra Quốc hội chiều qua sau 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội. Hiện tại, nhiều quy định của pháp lệnh sau này đã trở nên không thực hiện được do những quy định trong các đạo luật mới được Quốc hội thông qua sau đó, có thứ bậc hiệu lực pháp lý cao hơn.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của dự thảo luật là quy định HĐND TP Hà Nội được quyền quy định thu phí lưu thông một số phương tiện ở nội thành nhằm hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. HĐND được quyền quy định mức thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông.
Hà Nội cũng được quyền áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.
Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong nội thành cao hơn cần được xem xét toàn diện các điều kiện về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời cũng cần xem xét đến đặc thù ở Hà Nội là số lượng người ngoại tỉnh tham gia giao thông rất lớn.
Mặt khác, việc đặt ra mục đích áp dụng mức phí cao hơn so với mức phí chung của cả nước để có kinh phí dành cho đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông là không thuyết phục. Bởi lẽ nhu cầu cải tạo, nâng các cấp công trình giao thông là nhu cầu chung của các tỉnh thành, không riêng Hà Nội.
Mặt khác, mục đích của việc thu phí là để trang trải các chi phí thực hiện việc cung cấp dịch vụ, cho nên mức thu phí phải tính đúng, tính đủ một cách hợp lý chứ không thể nâng cao mức thu phí vì mục đích khác.
NMLD Dung Quất: Chậm 9 năm, tăng gấp đôi vốn đầu tư
Chiều 4-11, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo tổng kết về dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội báo cáo thẩm tra về việc thực hiện công trình quan trọng này. Quốc hội cũng nghe đại diện Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Thủ đô; nghe Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô.
Báo cáo Quốc hội về tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án NMLD Dung Quất, Chính phủ cho hay, ngày 30-5-2010, nhà máy đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chính thức vận hành thương mại và hiện đang vận hành an toàn, ổn định ở 100% công suất thiết kế.
Về tiến độ, dự án chậm khoảng 9 năm so với nghị quyết của Quốc hội. Về tổng vốn đầu tư dự án, đã tăng từ 1.500 triệu USD lên 2.501 triệu USD giai đoạn 1997 - 2005, sau đó tăng lên 3.053,5 triệu USD vào 2009. Về nguyên nhân tăng, Chính phủ giải trình là do phát sinh khối lượng lớn công việc, như bổ sung các phân xưởng công nghệ và phụ trợ để đáp ứng yêu cầu mới về chất lượng và chủng loại sản phẩm; phát sinh chi phí xử lý túi bùn gói thầu số 5A; biến động tỷ giá ngoại tệ, tăng giá máy móc thiết bị, vật tư, nhân công… Về công tác quyết toán dự án, hiện đã cơ bản hoàn thành, còn khoảng 1.500 tỷ đồng đang thực hiện quyết toán, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Trên cơ sở đánh giá tổng thể của dự án NMLD Dung Quất, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ra nghị quyết công nhận kết thúc việc xây dựng dự án NMLD Dung Quất và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.
Bình Minh - Phan Thảo