Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Đề xuất các giải pháp vực dậy nền kinh tế
Đừng để “tồn kho” trách nhiệm
Dù ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực điều hành nền kinh tế của Chính phủ năm 2012 và những tháng đầu năm nhưng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30-5, hầu hết ĐBQH đều cho rằng, tình hình kinh tế hiện nay vẫn có chiều hướng xấu đi. Các đại biểu kiến nghị cần nhìn thẳng vào sự thật, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong 3 năm với các giải pháp quyết liệt hơn.
Đừng để “tồn kho” trách nhiệm
Phát biểu của ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) tại phiên thảo luận đã gây nhiều chú ý với việc phân tích các số liệu mà theo ông là không thuyết phục cử tri, nhất là các thống kê về chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp, tồn kho bất động sản và nợ xấu. Thậm chí, mỗi nơi đưa ra một số liệu khác nhau rất vênh nhau và không phản ánh đúng bản chất nghiêm trọng của vấn đề. Hầu hết thông tin đưa ra không sát thực tế, không có tính thời sự. Nhiều con số thiên về báo cáo thành tích.
Tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều ĐBQH cho rằng báo cáo của Chính phủ về vấn đề ngoại giao, an ninh quốc phòng còn chưa đầy đủ. ĐB Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) băn khoăn: “Báo cáo nói an ninh quốc gia được bảo đảm, vậy tình trạng tàu cá của ta trên biển Đông liên tục bị xâm phạm cũng nên nói rõ. Chỉ khi nhìn thẳng vào sự thật mới tìm ra giải pháp khắc phục”.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bà con ngư dân hoạt động trên các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như hỗ trợ đóng tàu thuyền có công suất lớn, xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá lớn. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cũng đồng tình rằng chủ trương hỗ trợ ngư dân bám biển phải được đặc biệt ưu tiên. “Chủ quyền thiêng liêng trên biển Đông là không thể nhân nhượng, không thể thay đổi” - ĐB Lê Nam nhấn mạnh.
Cụ thể, theo ĐB Nguyễn Văn Hiến, số liệu về nợ xấu thiếu tính thuyết phục khi ở kỳ họp Quốc hội trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu khoảng 10% trong khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu là 8,6%. Trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Cùng thời gian Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%. Tháng 3-2013 Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu còn 6%. Cùng với đó là số liệu tai nạn giao thông của Bộ Công an và Chính phủ không trùng khớp; sự phi lý của tăng trưởng GDP khi mà các địa phương thường cao gấp 1,5 lần cả nước; doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động nhiều, vốn đầu tư xã hội giảm nhưng hàng năm tạo việc làm mới đều đặn từ 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm; tồn kho bất động sản vênh nhau giữa hiệp hội và cơ quan quản lý…
Mấy năm gần đây, vấn đề sinh tử của nền kinh tế là giải quyết “cục máu đông” nợ xấu và tồn kho bất động sản. Nhưng mức độ tin cậy của các số liệu này rất thấp. Do vậy, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như vậy sẽ gặp nhiều rủi ro.
Cùng nỗi băn khoăn, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nghi ngờ chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo, đây là điều quan trọng trong hoạch định chính sách. Thống kê và dự báo chưa tốt nên hoạch định chính sách không tốt. Điều này đã dẫn đến phát triển tràn lan, theo phong trào, hiệu quả đầu tư kém khiến nền kinh tế khó khăn. ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cũng đồng tình và cho rằng, Chính phủ cần báo cáo rõ hơn những bất cập liên quan đến số liệu để từ đó mới có thể đưa ra các giải pháp đúng đắn, phù hợp hơn.
Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng một lần được đưa ra Quốc hội như “chẩn bệnh” định kỳ để đưa ra biện pháp điều trị. Nền kinh tế có nhiều căn bệnh đã thành mãn tính như quan liêu, đầu tư dàn trải… làm cho bệnh mới phát sinh như nợ công, nợ xấu. Song điều đáng quan ngại là biện pháp giải quyết vấn đề lại như liều thuốc an thần: “Thuốc an thần không phải là không cần thiết nhưng nếu bệnh không thuyên giảm và phát tác lại rất nguy hiểm”.
ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề cập tới sự suy giảm niềm tin của thị trường và của người dân, trong khi đây là yếu tố vô cùng quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang lâm trọng bệnh: “Hy vọng qua kỳ họp này, Quốc hội không chỉ nhận diện rõ vấn đề nan giải của nền kinh tế không chỉ là tồn kho tiền hàng, mà còn vấn đề tồn kho kiến nghị, đặc biệt là tồn kho trách nhiệm và giải pháp”.
Tăng đầu tư nhà nước để kích thích tổng cầu
Kinh tế khó khăn và diễn biến vẫn tiếp tục theo chiều hướng xấu có một trong những nguyên nhân quan trọng là niềm tin suy giảm. Do vậy, củng cố niềm tin là vấn đề được nhiều ĐB nhắc đến trong các phát biểu của mình. Giải pháp quan trọng được nhiều ĐB đề xuất là tăng đầu tư từ nhà nước để tăng tổng cầu. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, tổng cầu suy giảm, hàng tồn kho là những nút thắt hiện nay, do đó, Chính phủ cần có biện pháp kích cầu đầu tư để khôi phục niềm tin thị trường.
Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), điều mong đợi nhất ở kỳ họp này là Chính phủ sẽ đưa ra được biện pháp chống suy giảm kinh tế. Trong bối cảnh lạm phát hiện không còn là “con ngựa bất kham” và là cơ hội để tiến hành những biện pháp tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, bởi nếu loay hoay giải pháp tức thời có thể lạm phát tăng trở lại và rơi vào luẩn quẩn. Giải pháp cho vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch đề xuất xây dựng một chương trình dài hạn phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách chủ đạo là chuyển từ chống lạm phát bị động sang chủ động như xác định lạm phát khoảng 6,5% - 7%/năm từ nay đến năm 2015 và 5% cho các năm sau đó. Từ đó có sự phối hợp chính sách tiền tệ, chi tiêu công, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp vừa chống lạm phát và có dư địa chính sách. Một giải pháp mạnh mẽ khác là miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tới năm 2015 thay vì 6 tháng như hiện nay và nâng bội chi ngân sách vượt 4,8% để xử lý các công trình đầu tư dang dở. Bởi trong khi khả năng hấp thụ vốn hạn chế, đầu tư công sẽ kích thích tổng cầu. Nguồn lực cho việc chi này là rà soát lại các nguồn vốn tại các doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước những nơi không cần nắm giữ. “Ngoài ra, chính sách tiền tệ cần phải được điều hành linh hoạt hơn đừng để doanh nghiệp nào có thị trường mà chết vì không tiếp cận được. Làm sao để 3 năm sau, mỗi năm mức tăng trưởng tín dụng phải bằng 3 - 3,5 lần tăng trưởng GDP” - ĐB Trần Du Lịch nêu yêu cầu.
Sớm xử lý 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nêu đang có những “báo động về kinh tế”. Vì thế, ông đưa ra kiến nghị nhiều nhóm giải pháp cụ thể cho cả ngắn hạn và trung hạn như sớm xử lý 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản; phát hành trái phiếu để đưa vào những lĩnh vực tăng tổng cầu; triển khai nhanh Công ty quản lý tài sản VAMC để chuyển nợ xấu sang, giúp DN tiếp cận được vốn; điều hành linh hoạt tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu…
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, với tình hình này càng ưu tiên hơn mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, kích thích tổng cầu, tăng thu ngân sách, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, bảo đảm những tháng còn lại của năm 2013 dư nợ tín dụng tăng lên 12%. Cùng với đó là tái lập và củng cố lòng tin bằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Cần sử dụng công cụ chính sách tài khóa để kích thích tổng cầu. Cụ thể, sử dụng ngân sách bằng việc tăng phát hành trái phiếu Chính phủ để thanh toán hàng chục ngàn tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản; ưu tiên ứng vốn để tiếp tục hoàn thành các công trình xây dựng dở dang bằng vốn ngân sách.
NGỌC QUANG - MINH GIANG
Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ VĂN NINH: Phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, nợ công tăng trên 2%
Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013, qua 5 tháng thực hiện thu NSNN mới đạt 36,6%. Có tới 46 địa phương thu chưa đạt được mức bình quân chung của các năm, mới đạt dưới 42%, trong đó có nhiều địa phương trọng điểm thu và có nguồn thu lớn. Nếu tính bình quân thu 1 tháng, theo dự toán Quốc hội giao phải đạt 68.000 tỷ đồng, nhưng qua 5 tháng mới đạt bình quân 52.200 tỷ đồng/tháng. Đó là dấu hiệu cho thấy thu NSNN rất khó khăn và dự báo khó có thể hoàn thành kế hoạch cả năm. Có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là sản xuất kinh doanh khó khăn, tồn kho hàng hóa, bất động sản lớn; thứ hai là tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp dụng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường. Ngày 25-5, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường công tác kiểm soát thu chi NSNN. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải bố trí tối thiểu 30% ngân sách để thanh toán nợ xây dựng cơ bản; các bộ ngành, địa phương không được đề nghị các DN ứng vốn để đầu tư xây dựng cơ bản khi chưa cân đối được nguồn vốn. Chính phủ sẽ cố gắng thực hiện dự toán được giao, chưa đặt vấn đề điều chỉnh. Đối với dự phòng ngân sách, trước mắt chỉ sử dụng 30%.
Về nợ công, tính đến 31-12-2013 nợ công tương đương khoảng 55,5% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ là 43,1%, nợ do Chính phủ bảo lãnh là 11,5% và nợ chính quyền địa phương là 0,9% GDP. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nợ công hiện nay là cao, có ý kiến đề nghị tính cả nợ của DNNN vay của các tổ chức tín dụng, vay của nhà nước. Trong nợ của DNNN, có nợ do Chính phủ bảo lãnh, có nợ do Chính phủ vay về cho vay lại. Những khoản này đã được tính trong nợ công theo quy định. Còn nợ DNNN vay của các tổ chức tín dụng thì thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, thẩm định các dự án trước khi cho vay, và các DNNN phải tự vay tự trả. Cũng có ý kiến băn khoăn phát hành thêm trái phiếu chính phủ có ảnh hưởng tới nợ công không? Theo tính toán, nếu phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ cho 2 dự án mở rộng QL1 và QL14 thì nợ công sẽ tăng khoảng trên 2% (GDP của Việt Nam hiện khoảng 2,951 triệu tỷ đồng).
Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH: Sớm đưa VAMC vào hoạt động
Về xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng đã tích cực cơ cấu lại nợ cho DN. Từ tháng 4-2012 đến nay tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế và các DN là 284.000 tỷ đồng (xấp xỉ 10% tổng dư nợ). Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro.
Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt vào tháng 3-2013. Chính phủ đã chính thức ban hành nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào đầu tháng 5 vừa qua. Hiện NHNN đang tích cực triển khai các bước tiếp theo để sớm đưa VAMC vào hoạt động. Dự kiến, trong năm 2013, VAMC sẽ có thể góp phần vào việc xử lý khoảng 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu. Chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng trong việc đưa ra gói hỗ trợ người có thu nhập thấp, người có thu nhập trung bình mua nhà ở xã hội. Theo dự báo của chúng tôi, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, các cấp, trong năm 2013 sẽ cố gắng phấn đấu giải ngân được ít nhất 15.000 - 20.000 tỷ đồng.
Về vấn đề tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đến nay lãi suất đã giảm rất mạnh, tương đương với lãi suất của giai đoạn trước năm 2007. Tuy nhiên, tín dụng vẫn chưa ra được nhiều. Điều đó thể hiện tổng cầu của nền kinh tế, sức mua còn đang yếu. Phải có những biện pháp hướng vào đây mới khai thông được dòng vốn tín dụng. Vừa qua chúng tôi đã họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, và đề xuất nhiều giải pháp mang tính đột phá cho Chính phủ để xử lý những vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT BÙI QUANG VINH: Năm 2015 chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải
Về triển khai 3 đề án trọng tâm, với đề án tái cơ cấu DNNN tính đến tháng 4-2013 Thủ tướng đã phê duyệt 99/101 phương án tổng thể đổi mới sắp xếp DN của các bộ ngành, địa phương. Nếu tính từ cuối năm 2012 đến nay các tập đoàn, tổng công ty 91 đã trình Thủ tướng đề án tái cấu trúc lại hoạt động. Tính đến ngày 20-5, đã có 17/21 đề án được phê duyệt. Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, đã bắt đầu làm bước đầu và còn tiếp tục. Về đề án tái cấu trúc đầu tư công, Bộ KH-ĐT đã trình Chính phủ từ năm 2011. Tuy nhiên, cùng với đó chúng tôi cũng trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Thủ tướng yêu cầu trước mắt Bộ KH-ĐT tập trung chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ những giải pháp này, còn đề án tái cấu trúc đầu tư công sẽ nghiên cứu phê duyệt sau. Từ đó đến nay, việc triển khai Chỉ thị 1792 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, có chế tài để bố trí vốn tập trung hơn và xác định được trách nhiệm của người quyết định đầu tư. Nếu cứ tiếp tục như vậy, đến năm 2015 sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng bố trí vốn đầu tư dàn trải.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN: Giảm hỗ trợ trực tiếp, thay bằng chính sách cho vay
Tỷ lệ giảm nghèo năm 2012 là 1,76% và gần đây, tỷ lệ giảm nghèo là 2,3%. Con số này khiến nhiều ĐBQH băn khoăn. Theo tiêu chuẩn giảm nghèo tính từ ngày 1-1-2011, ở nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng, thành thị là 500.000 đồng/người tháng và tổng hợp của các địa phương trong năm qua cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%. Thế nhưng, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng núi Đông Bắc là trên 17%, vùng núi Tây Bắc gần 30%, Tây Nguyên là 15% nhưng Đông Nam bộ chỉ còn 1,2%.
Những con số trên cho thấy, chuẩn nghèo vẫn được tính theo mốc từ ngày 1-1-2011. Tỷ lệ giảm nghèo này chưa bền vững, còn chênh lệch giữa các vùng. Ban chỉ đạo giảm nghèo đã rà soát lại công tác giảm nghèo, sắp xếp lại một cách hợp lý. Ngoài ra, ban chỉ đạo cũng đã giảm hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo mà thay vào đó là chính sách cho vay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng được vay.