Ngày 7-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Nhiều đại biểu (ĐB) có chung nhận định, trong bối cảnh khó khăn, công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt là việc kiên quyết triển khai Nghị quyết 11 đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ĐB cũng lo ngại về dấu hiệu suy giảm kinh tế, cần thiết triển khai các giải pháp để “cứu” doanh nghiệp (DN). Các ĐB đều thống nhất phải tiếp tục kiềm chế lạm phát, đồng thời bảo đảm tăng trưởng hợp lý.
Nhóm lợi ích chi phối?
Hầu hết các ý kiến lo ngại về tình hình suy giảm kinh tế hiện nay, thể hiện rõ nhất là sức mua giảm sút, hàng ngàn DN lâm vào tình trạng phá sản, hàng triệu lao động đang đứng trước nguy cơ “không biết đi đâu về đâu”. ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho biết, tại tỉnh Hòa Bình có 847 trong số hơn 2.000 DN ngừng hoạt động, chiếm khoảng 40%. Các DN gặp khó khăn chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực vận tải, xây dựng cơ bản, các DN mới thành lập, chưa thể thu hồi vốn trong khi vẫn phải nai lưng ra đối phó với lãi suất cao. Vì vậy, gói giải pháp về thuế, phí trị giá 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ công bố là đúng nhưng chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), các chính sách tác động vào tổng cầu là đúng nhưng việc giảm quá nhanh (đặc biệt tại 2 trụ cột là tiền tệ và chi tiêu) để giảm lạm phát không những làm kinh tế khó tăng trưởng mà còn khiến mặt bằng giá tăng cao trở lại trong giai đoạn sau. ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nêu hiện nay đang có tiến thoái lưỡng nan giữa người đi vay và cho vay. Nay ngân hàng có tiền nhưng không dám cho vay, sợ lỗ. DN thì hàng tồn kho, có tâm lý chờ lãi suất giảm tiếp nên không muốn vay. Cần công bố sàn lãi suất cho vay thấp nhất có thể, không để tâm lý chờ lãi suất tiếp tục giảm nữa. ĐB Lộc cũng không loại trừ khả năng tác động của nhóm lợi ích nào đó đang muốn trục lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ.
“Cử tri đã rất đúng khi nhận xét rằng vừa qua cả người đi vay lẫn người gửi tiền đều thiệt, chỉ ngân hàng có lợi” - ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét, đồng thời cảnh báo các nhóm lợi ích đang tác động đến chính sách một cách ráo riết, mọi nơi mọi lúc… ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cũng cho rằng, cần kịp thời triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa theo hướng “khoan sức dân, khoan sức DN” như mở rộng đối tượng được giảm thuế GTGT, giảm dần lãi suất phù hợp với lạm phát.
Củng cố niềm tin
Rất nhiều ĐB lưu ý, Chính phủ cần tránh việc thực hiện thắt thì chặt quá mà nới cũng lỏng quá, khiến nền kinh tế hết rơi vào suy giảm lại đến lạm phát. Vì thực tế, năm 2009 chúng ta nới lỏng tiền tệ quá thì dẫn đến lạm phát cao trong 2011; giờ nếu chúng ta nới lỏng quá rất có thể lạm phát tăng cao trở lại.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng kinh tế đang rơi vào suy giảm kép, tinh thần DN đang xuống dốc, cử tri nhiều bức xúc. ĐB Ngân cho rằng cần triển khai nhanh các nhóm giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn. Trong khi chờ sửa đổi thuế thu nhập cá nhân, đề nghị miễn thuế thu nhập cho những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng (giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng) để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời cần tập trung xử lý khối u nợ xấu, vì đây chính là nguyên nhân khiến lãi suất tăng, một số ngân hàng yếu kém.
“Chính phủ cần cam kết lãi suất ổn định, không tăng lên 16% - 20% như thời gian qua. Cần điều hành lãi suất theo lạm phát cơ bản. Chính phủ phải có báo cáo giám sát về hoạt động của các tập đoàn, DNNN”, ông Ngân kiến nghị.
Các đại biểu cũng tập trung trao đổi về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng cũng như nhiều vấn đề xã hội khác như y tế, phát triển nông nghiệp - nông thôn, công trình giao thông xuống cấp, nạn cháy xe… ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng để lấy lại lòng tin của nhân dân. “Cũng tại hội trường QH này, chúng ta đã nghe về Vinashin, nay lại nghe về Vinalines. Phải làm sao lấy lại lòng tin của người dân”, bà Sinh nói. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng đề nghị “Chính phủ phải báo cáo QH tình hình sức khỏe các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”.
| |
PHAN THẢO - BẢO VÂN
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Vi phạm trên 30.000 tỷ đồng nhưng chưa phát hiện thất thoát
Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn Sông Đà, Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Viettel và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines). Kết quả đã phát hiện vi phạm của các tập đoàn, tổng công ty trên 30.000 tỷ đồng, với 5 dạng sai phạm, vi phạm. Cụ thể sai quy trình thủ tục theo các quy định của Nhà nước, sai thẩm quyền (vượt quá thẩm quyết được phép), sai đối tượng cho phép, hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng bản chất thực tế, trình độ quản lý DN yếu kém dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật. Nhưng cho đến nay chưa phát hiện thất thoát ở các tập đoàn, tổng công ty này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Giảm thuế làm giảm thu ngân sách
Nhiều ĐB đề nghị giảm ngay 50% thuế VAT (từ 10% hiện nay xuống 5%). Nếu giảm thuế VAT mức đó cả năm thì thu ngân sách 2012 sẽ giảm gần 115.180 tỷ đồng, bằng 15,6% tổng thu ngân sách, không có nguồn để bù đắp. Và nếu giảm hàng hóa trong nước, không giảm hàng nước ngoài sẽ vi phạm WTO. Năm 2009, chúng ta giảm VAT vì lạm phát quá cao, hiện nay lạm phát thấp nên không giảm được; mặt khác giảm VAT thì DN cũng không giảm giá bán. Vì vậy, Chính phủ đang tiếp tục giao Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp để Chính phủ bàn trong phiên họp tháng 6. Có thể giảm một số phân khúc nào đó như 2009 đã giảm cho một nhóm mặt hàng. Về thuế thu nhập DN, nếu 2012 giảm ngay thuế thu nhập DN xuống 20% thì ngân sách 2012 sẽ giảm trên 20.400 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách. Trong điều kiện hiện nay, không bảo đảm cân đối ngân sách, vì giá dầu thô hiện nay cũng xuống thấp. Có thể qua kỳ họp này, Quốc hội tuyên bố sang năm sẽ đưa thuế thu nhập DN xuống khoảng 22%-23%.
Bộ trưởng Bộ KH – ĐT Bùi Quang Vinh: Đầu tư có trọng điểm
Chúng ta kiên quyết lập lại trật tự trong đầu tư công, để tránh dàn trải, kém hiệu quả. Hàng ngàn dự án phải rà soát nên không thể nhanh được. Số công trình giăng ra rất lớn, các bộ ngành, địa phương phải làm ngày làm đêm để hoàn thành việc rà soát. Thủ tướng đã ra chỉ thị về rà soát đầu tư công. Đã phải gia hạn thời điểm rà soát các dự án, tuy nhiên quan điểm là phải kiên quyết rà soát để bảo đảm đầu tư có trọng điểm.
Đối với trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng có hàng ngàn dự án, công trình phải rà soát. Năm nay chỉ còn 2.000 tỷ đồng TPCP chưa giao được vì các bộ ngành, địa phương chưa bố trí đúng công trình. Điều đó cũng phải thông cảm, số dự án dàn ra nhiều trong vòng 5 năm, giờ phải rà soát lại nên cũng không đơn giản. Đến thời điểm này, Bộ KH-ĐT phải trình Thủ tướng gia hạn tiếp thời gian rà soát các dự án đến hết tháng 6, nếu các bộ ngành, địa phương vẫn không triển khai được sẽ thu hồi về làm vốn dự phòng.
L. NGUYÊN ghi