Ngày 3-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận tiếp tục diễn ra hết hôm nay 4-6 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi. Sau kỳ họp này, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH, đồng thời tiếp tục tập hợp ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự thảo, trình QH thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Trong ngày thảo luận đầu tiên, ý kiến của ĐBQH khá tập trung về các vấn đề: thống nhất giữ Điều 4, không thay đổi tên nước, yêu cầu làm rõ thêm mô hình chính quyền địa phương…
Tên nước bảo đảm chế độ dân chủ
Hầu hết ý kiến ĐBQH đồng ý giữ tên nước như hiện hành. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhất trí giữ nguyên tên nước, vì đã sử dụng ổn định suốt mấy chục năm qua. Thay đổi trong bối cảnh hiện nay sẽ phát sinh những hệ lụy cũng như tốn kém không cần thiết. ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) cùng quan điểm khi cho rằng: “Đổi tên nước hay không còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ở Đồng Nai, hơn 700.000 ý kiến nhân dân, chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên nước của chúng ta hiện nay là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 37 năm qua, tên nước vẫn bảo đảm theo đường hướng của Đảng, bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân. Đó là chưa kể, nếu đổi tên nước trong bối cảnh hiện nay sẽ gây nhiều xáo trộn không cần thiết. Các ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai)... cũng chung quan điểm.
Tuy nhiên ở quan điểm ngược lại, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, nhiều cử tri đề nghị lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì đây là quốc hiệu gắn với chính thể cộng hòa đầu tiên, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập. Ông cũng cho rằng, chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh một dân tộc Việt Nam anh hùng thì không một thế lực nào có thể xuyên tạc, làm dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
Xem lại nội dung về chính quyền địa phương
Vấn đề chính quyền địa phương nhận được sự quan tâm của hầu hết các ĐBQH và ý kiến vẫn còn khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đưa ra 2 phương án về chính quyền địa phương. Nhưng với phương án 1, tuy đổi tên thành chính quyền địa phương nhưng không chỉ rõ chính quyền địa phương là ai, rất không đầy đủ, nội dung sơ sài. Vì thế chỉ có thể chọn phương án 2, nhưng phương án 2 thực chất là giữ nguyên như hiện nay.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) chọn phương án 2 khi đề nghị giữ nguyên như hiện hành vì thời gian vừa qua thí điểm bỏ HĐND quận huyện nhưng chưa có tổng kết. Trong quá trình thực hiện cần có những nghiên cứu cụ thể. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng cho rằng phương án 1 quá ngắn gọn, phương án này được đưa ra khi chưa biết việc thí điểm HĐND có thành công hay không. Phương án 1 chưa có gì rõ ràng, còn nhiều mâu thuẫn, nhất là chính quyền địa phương lại do luật định. Đồng ý với phương án 2, giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), chính quyền địa phương là vấn đề nhân dân rất quan tâm. Chúng ta thí điểm 5 năm không có HĐND quận huyện phường nhưng chưa có tổng kết, chứng tỏ vấn đề rất phức tạp, nhân dân ở những nơi đó cũng băn khoăn. Nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành, ở đâu có cơ quan hành chính ở đó có cơ quan đại diện giám sát. Nếu bỏ HĐND quận huyện, ai là người đại diện cho nhân dân, ai giám sát cơ quan hành chính quận huyện. Nếu do HĐND tỉnh làm thay, lại phi thực tế. Về cả mặt thực tế và lý luận hiện nay đều chưa thể giải quyết điều này.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu: “Tôi kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ khắc phục được những nhược điểm trong tổ chức nền hành chính của chúng ta, tạo ra bước đột phá bên cạnh những cải cách về thủ tục, thể chế. Rất tiếc chương 9 dự thảo đổi tên từ “HĐND” sang “Chính quyền địa phương” nhưng nội dung chưa thể hiện được bản chất của chính quyền địa phương”. “Đây là vấn đề khó, nhưng nhận lãnh trách nhiệm lịch sử là QH lập hiến, QH thứ XIII phải bàn bạc, đưa ra quyết định cụ thể chứ không thể “đẩy” toàn bộ các vấn đề về chính quyền địa phương cho đạo luật sau này. Trong điều kiện của Việt Nam, tôi đề nghị chính quyền địa phương chỉ nên tổ chức 2 cấp thôi: cấp tỉnh và cấp cơ sở và đã là cấp chính quyền thì phải có cơ quan dân cử. Cần xác định rõ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương là thực hiện 2 chức năng: thực thi pháp luật và đại diện lợi ích cộng đồng địa phương, quyết định những vấn đề của địa phương không trái với pháp luật quốc gia” - ĐB Trần Du Lịch nêu rõ.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc giữ Điều 4 như trong dự thảo sửa đổi để khẳng định tính tất yếu, khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. ĐB Ya Duck (Lâm Đồng) cho rằng Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lòng dân. Còn theo ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), thực tiễn lịch sử đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội, với các nhiệm vụ lịch sử.
Nhiều ĐB cũng đề nghị làm rõ thêm nội dung của Điều 4. ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị bổ sung một ý vào Điểm 2 đó là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước pháp luật về quyết định của mình”. “Sở dĩ phải bổ sung nội dung “Đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật” là vì trong những năm qua bên cạnh những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đạt được trên tất cả các lĩnh vực do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng thì cử tri, nhân dân cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về những thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Trên thực tiễn Nghị quyết của Đảng có hiệu lực và vị thế cao nhất đối với nhà nước và xã hội, cán bộ đảng viên và nhân dân ai cũng phải chấp hành.
Nhưng nếu chủ trương, nghị quyết đó có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến thiệt hại cho đất nước, làm hao tổn đến tiền của nhân dân thì chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với chủ thể ban hành trước pháp luật. Như vậy, nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể. Đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để thể hiện trách nhiệm của Đảng trước những quyết định của mình, đồng thời làm cơ sở để nhân dân giám sát” - ĐB Trương Thị Huệ nói.
Khẳng định đã nghiên cứu kỹ gần 10.000 ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Nam, trong đó có nhiều vị lão thành cách mạng có uy tín, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho biết: “Cử tri hoàn toàn ủng hộ việc quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp, nhưng nhiều ý kiến nhận định, Điều 4 của dự thảo cần phải làm rõ hơn, chí ít là về 3 vấn đề. Thứ nhất, Đảng lãnh đạo xã hội thông qua hình thức nào? Thứ hai, cơ chế nào đảm bảo cho người dân giám sát hoạt động của Đảng, tổ chức nào đại diện dân để thực hiện việc giám sát. Thứ ba là về việc thực hiện công tác cán bộ. Cá nhân tôi cũng đồng tình như thế”.
Không quy định thu hồi đất các dự án kinh tế - xã hội
Về vấn đề đất đai, ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị bỏ cụm từ “thu hồi” để thay thế bằng “trưng mua”. Vì dự thảo đã có quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, do vậy chỉ nên thu hồi khi có vi phạm về quyền sử dụng đất, còn lại nhà nước cần trưng mua để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất hợp pháp. Ngoài ra, dự thảo cũng đã có quy định nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. “Quy định như vậy đã bao hàm đầy đủ các nội dung, trong đó có cả mục đích phát triển kinh tế - xã hội, do vậy không nên có cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” để tránh tình trạng lạm dụng, gây thiệt thòi cho lợi ích của nhân dân. Đồng thời tôi đề nghị quy định việc bồi thường đất phải theo giá thị trường để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người đang sử dụng đất, không nên quy định chung chung là “theo quy định của pháp luật” - ĐB Giàng Thị Bình tiếp tục nêu quan điểm. Đây cũng là ý kiến của khá nhiều ĐB khác.
Hội đồng Hiến pháp nếu có, phải đủ mạnh
Hội đồng Hiến pháp cũng là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất không cần thiết thành lập hội đồng này mà giữ nguyên như cơ chế hiện nay, cùng với đó tăng cường thực quyền các cơ quan QH để bảo đảm vai trò giám sát. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng thiết chế Hội đồng Hiến pháp là hết sức cần thiết, tiếc là dự thảo chưa đề cập đúng chức năng, quyền hạn của thiết chế này. ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) nói, sửa đổi lần này đề cập đến Hội đồng Hiến pháp, nhưng nếu như dự thảo thì hội đồng này cũng như hoạt động của các ủy ban khác. Vì vậy, ông không tán thành thành lập hội đồng này. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lại cho rằng, hiện chưa nên hiến định thiết chế Hội đồng Hiến pháp. Hơn nữa, dự thảo chưa định vị được quan hệ giữa hội đồng này với các cơ quan của QH khác. Với quy định như dự thảo, thiết chế này không chỉ thiếu hiệu quả mà còn bị chồng chéo về chức năng nhiệm vụ.
ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) lại cho rằng, nhiều ý kiến ủng hộ một cơ chế bảo hiến có chức năng phát hiện và xử lý vi phạm trong Hiến pháp. “Nhân dân hy vọng sẽ có một thiết chế đảm bảo việc thực thi Hiến pháp, vì những cơ chế bảo hiến hiện hành đã bộc lộ những hạn chế như đã nêu ở trên. Tôi đề nghị QH phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, cần quy định rõ về thẩm quyền và thành viên của hội đồng. Hội đồng Hiến pháp phải là cơ quan thiết chế bảo vệ Hiến pháp độc lập, giải thích Hiến pháp, pháp luật, đình chỉ các văn bản vi hiến. Lựa chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp với quyền năng đầy đủ sẽ là bước tiến trong tư duy lập hiến, lập pháp. Không thể một nhà nước dân chủ pháp quyền lại thiếu một cơ chế bảo hiến độc lập để xử lý các hiện tượng vi hiến” - ĐB La Ngọc Thoáng phát biểu.
| |
Phan Thảo - Bảo Vân