Quốc hội thông qua 4 dự luật

* Trưng cầu ý dân hợp lệ phải có từ 3/4 số cử tri đi bỏ phiếu trở lên
Quốc hội thông qua 4 dự luật

* Trưng cầu ý dân hợp lệ phải có từ 3/4 số cử tri đi bỏ phiếu trở lên

Chiều 25-11, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 dự án luật, bao gồm: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Phí, lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bỏ phiếu bầu lãnh đạo Hội đồng bầu cử quốc gia  Ảnh: HÀ LÊ

Cơ sở giam giữ độc lập với cơ quan điều tra

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội thông qua đã chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một phó tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách. Quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo sự độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của bộ. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.

Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung các quyền về yêu cầu được trả tự do sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam; quyền về được bỏ phiếu khi có trưng cầu dân ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.

Tiếp tục bảo hộ quyền vận tải nội địa

Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) có quy định về việc bảo hộ quyền vận tải nội địa để bảo vệ lợi ích quốc gia, góp phần phát triển đội tàu biển trong nước. Quy định như vậy là kế thừa quy định của bộ luật hiện hành và cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, không trái với điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Theo đó, tàu biển Việt Nam thuộc các doanh nghiệp khác nhau sẽ phải cạnh tranh theo quy định của pháp luật và người sử dụng dịch vụ có quyền lựa chọn người cung cấp dịch vụ vận tải. Nhà nước thực hiện công tác quản lý thông qua việc quy định về phí, lệ phí, kê khai, công khai giá dịch vụ vận chuyển và công tác kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm để khắc phục việc áp đặt giá cao đối với khách hàng.

Trưng cầu ý dân cần 3/4 số cử tri đi bỏ phiếu trở lên

Để đảm bảo việc kết quả trưng cầu ý dân cần thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cần đạt 3/4 và ít nhất là quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành. Riêng nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành mới có giá trị thi hành. Trường hợp không đủ 3/4 tổng số cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân này không thành công và theo quy định tại Điều 9 của luật thì “Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố”.

Vẫn thu phí sử dụng lòng đường, hè phố

Việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố là một trong những nội dung từng có nhiều tranh luận trong dự thảo Luật Phí, lệ phí. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố. Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) khá lớn của nhiều đô thị.

Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của NSNN. Do đó, Luật Phí, lệ phí vừa được Quốc hội thông qua vẫn giữ quy định này. Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Luật Phí, lệ phí đã bổ sung quy định về việc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến HĐND cấp tỉnh trước khi đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong việc xem xét, cho ý kiến về các khoản phí, lệ phí cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ do UBND cùng cấp trình.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục