- Cần có quy định riêng về xuất bản phẩm điện tử
(SGGP).- Chiều 18-6, Quốc hội đã thông qua 5 dự án: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân và chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam chứ không mở rộng ra bảo hiểm tiền gửi đối với vàng và ngoại tệ. Luật cũng nêu rõ: “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ”. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Liên quan tới Luật Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân thuộc danh sách đen có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố. Bộ Xây dựng triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Đối với Luật Giáo dục đại học (GDĐH), nhiều ý kiến cho rằng việc trao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH là cần thiết và hợp lý nhưng cần phải có lộ trình. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, quyền được tự chủ là thuộc tính của cơ sở GDĐH nên cơ sở GDĐH phải được tự chủ toàn bộ và phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội, pháp luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã cho chỉnh lý Điều 32 về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc và không dẫn chiếu đến các điều khoản cụ thể. Theo đó, cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy thuộc mức độ sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, sẽ hình thành Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, với nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, có khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 1-5-2013; 1,5% từ ngày 1-5-2016; 2,0% từ ngày 1-5-2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.
Sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) và nhiều ĐB lưu ý đến tình trạng vi phạm khá phổ biến trong hoạt động liên kết xuất bản hiện nay. Đại biểu Diệu Thúy nhận định: “Nhiều nhà xuất bản đã và đang tiếp tay cho các đối tác lách luật, ra xuất bản phẩm hàng tháng với tính chất như tạp chí nhưng lại không phải xin phép và sự quản lý của cơ quan quản lý báo chí (chỉ cần một tờ giấy phép mỗi tháng của NXB)”. Cần có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi lách luật này cũng như các dạng vi phạm khác của đối tác liên kết xuất bản.
Nhiều ĐBQH quan tâm đến hàng ngàn cơ sở in nhưng không in xuất bản phẩm và không chịu sự điều chỉnh của luật này. ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) đề nghị xây dựng luật riêng về hoạt động in ấn không phải xuất bản phẩm.
Lưu ý đến thực tế là các xuất bản phẩm điện tử hiện nay đã trở nên rất phổ biến, ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) cho rằng, dự luật chỉ dành 3 điều đề cập đến xuất bản phẩm điện tử là “quá đơn giản”, cần phải có chương riêng để chế định về vấn đề này. Trong khi đó, xuất phát từ nhận định “luật phải tháo gỡ được những vướng mắc đang nảy sinh trong thực tiễn”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, để đối phó hiệu quả hơn đối với tệ nạn xuất bản lậu đang áp đảo, thậm chí “giết chết” các sản phẩm chính thức, dự luật cần bổ sung hành vi xuất bản lậu, ăn cắp bản quyền vào mục “các hành vi bị cấm” và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa với các đối tượng có hành vi này.
Nhóm PV
| |