Quốc hội thông qua nghị quyết về kinh tế xã hội

• Rà soát việc bổ nhiệm cấp phó và chức danh hàm, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017
Quốc hội thông qua nghị quyết về kinh tế xã hội

• Rà soát việc bổ nhiệm cấp phó và chức danh hàm, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017

(SGGPO).- Cuối giờ chiều 7-11, Quốc hội đã thông qua toàn văn Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2017 với tỷ lệ tán thành 86,64% trên tổng số đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội…

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Ảnh: TTXVN

Trong số các chỉ tiêu chủ yếu, tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến tăng khoảng 6,7%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý; đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, trong nhóm giải pháp thứ 3 có việc triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết của Quốc hội, một số đoạn quan trọng trên tuyến đường bộ ven biển; hoàn thành thủ tục báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Bắc – Nam và các công trình, dự án trọng điểm quốc gia khác; tiếp tục triển khai tuyến đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Ở nhóm giải pháp thứ 7, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; rà soát việc bổ nhiệm cấp phó và chức danh hàm, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Nhóm giải pháp thứ 11 – cũng là nhóm giải pháp cuối cùng được nêu trong dự thảo Nghị quyết – là tăng cường quản lý nhà nước về công tác báo chí, truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tạo đồng thuận xã hội. Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về báo chí. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại về cơ chế, chính sách gắn với sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân…

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục