Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: “Thắt lưng buộc bụng”, giảm chi thường xuyên

* Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác
Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: “Thắt lưng buộc bụng”, giảm chi thường xuyên

* Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác 

Ngày 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Báo cáo với Quốc hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đồng tình với quan điểm phải đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như đấu tranh với ma túy.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về các nội dung về thực hiện ngân sách 2015 và dự toán ngân sách năm 2016. Thể hiện quan điểm về vấn đề ngân sách, đa số đại biểu đều bày tỏ lo ngại về việc chi đang có quá nhiều bất cập, cần sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt với chi thường xuyên khi ngân sách đang gặp khó khăn.

Nhiệm vụ hàng đầu là xóa bỏ các đường dây kinh doanh chất cấm

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kết quả giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014. Về thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng; rau có 10,3% có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; và thịt có 7,6% có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng, 16% có vi khuẩn salmonella. “Do vậy chúng tôi đã phát động một cao điểm hành động đảm bảo an toàn thực phẩm kéo dài đến hết tháng 2-2016 để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm làm tốt hơn cho các năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch riêng về kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết. Vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh hơn thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm, nhất là khu vực xung quanh TPHCM nhưng vẫn còn. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc kiểm tra mẫu thịt hoặc mẫu nước tiểu của con heo “chỉ là phần ngọn”, nên sắp tới phối hợp làm rõ và xóa bỏ các đường dây buôn bán phi pháp làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của toàn ngành nông nghiệp. “Với tôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chính là tội ác!” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm về các chất cấm và kháng sinh tồn dư không được phép ở trong các nông sản cũng như thịt gia súc, gia cầm. Cụ thể là các loại kháng sinh như cloramphelicon hoặc Salbutamol, đó là những dược phẩm cần thiết nhập khẩu để điều trị cho người và quy trình quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ. “Có thông tin thời gian vừa qua ngành y tế cho nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol là không chính xác, bởi thực tế chúng tôi chỉ cho nhập 3,5 tấn” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trần tình và cho biết đã, đang và sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quy trình nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất các loại kháng sinh trên. Đặc biệt, sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến tận huyện, xã.

Cần động lực tăng trưởng mới

Tiếp tục cho ý kiến về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích: “Hiệu quả quản lý nền kinh tế, câu hỏi về hiệu quả luôn được đặt ra và kỳ này càng khẩn thiết hơn? Phát hành trái phiếu phải quan tâm đến hiệu quả đồng vốn? Hay việc khai thác dầu khí quá kế hoạch trong khi giá thấp sẽ làm giảm hiệu quả quản lý tài nguyên. Báo cáo của Chính phủ cần có thêm mục tiêu về hiệu quả quản lý khai thác sử dụng nguồn lực”.

Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng cái được lớn nhất trong giai đoạn 5 năm qua là chúng ta tạo một giai đoạn ổn định, mở ra một thời kỳ phát triển mới. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ đã nêu 9 chỉ tiêu không đạt được, mà hầu hết là những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng. Chúng ta phải có động lực mới thì mới có thể đạt được mức tăng trưởng 6,5% - 7% trong thời gian tới. Đưa ra khuyến nghị cụ thể, chuyên gia kinh tế này cho rằng, để kích thích tăng trưởng Ngân hàng Nhà nước nên tính toán tỷ lệ vay tín dụng phải bằng 3 lần tăng GDP, có nghĩa là bình quân phải đạt ít nhất 20%/năm trong giai đoạn tới. Về chính sách tài khóa, trọng tâm nhất là phải xem lại cân đối thu chi. Phải giảm cho được chi thường xuyên bằng các biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó có cải cách hành chính. Đồng thời, tái cơ cấu lại nợ công để giảm áp lực hàng năm cho vấn đề nợ công, trong đó kể cả phát hành trái phiếu.  Một vấn đề nữa là giải quyết đồng bộ giữa thị trường vốn, tức là thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo tinh thần tái cấu trúc. Về tái cấu trúc nông nghiệp, công nghiệp, ĐB Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội sớm có luật về công nghiệp hỗ trợ và gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Gánh nặng chi thường xuyên

Theo ĐB Trần Văn (Cà Mau), mất cân đối trong thu chi ngân sách đang ngày càng tăng và lên con số 226.000 tỷ đồng (5% GDP) chưa kể vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP). “Không phủ nhận việc vay để đầu tư phát triển đã thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng, cuộc sống người dân... nhưng vốn lại chủ yếu là vay, không phải nguồn tích lũy nên đó đang trở thành gánh nặng” - ĐB Trần Văn nói. ĐB Trần Văn đề nghị, tạm đóng băng bội chi ngân sách năm 2016 ở con số 254.000 tỷ đồng trong 3 năm kế tiếp, từ đó giảm dần bội chi ngân sách trên GDP; đóng băng biên chế nhà nước trong 3 năm để đánh giá đội ngũ biên chế, giảm những năm tiếp theo; dừng các công trình không cần thiết... Đã đến lúc chúng ta tự giác thắt lưng buộc bụng, thay vì đến lúc buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các định chế nước ngoài.

Chia sẻ với nỗi khổ của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc “giật gấu vá vai” điều hành ngân sách khi mà cầm tập tài liệu về ngân sách mà “không biết cắt của ai, phân thêm cho ai, lương tăng lấy ở đâu”, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, cần giảm tỷ trọng chi thường xuyên để dành cho đầu tư lớn hơn. Đó là giữ nguyên con số tuyệt đối trong chi thường xuyên năm 2015 cho các năm tiếp theo. Khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách sẽ giảm xuống khi quy mô ngân sách tăng lên. Để làm được điều này, chi cho bộ máy hành chính, các tổ chức chính trị chi ngân sách không để cao hơn năm 2015. Nếu bộ phận này muốn tăng thu nhập thì phải giảm người, không giảm người không cho tăng...

Đặt vấn đề về việc tại sao tiết kiệm, chống lãng phí nói nhiều nhưng chưa thực sự được đẩy lùi, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề cập đến khoảng trống trong các báo cáo của Chính phủ, thẩm tra về hiệu quả của các biện pháp đã ban hành và kết quả đạt được khi chưa có một báo cáo đánh giá toàn diện. Báo cáo Chính phủ nêu có sự tập trung chỉ đạo tích cực trong việc tiết kiệm nhưng cũng không nêu kết quả, báo cáo thẩm tra cũng đề cập ít. Trong khi dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII có nêu tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng... Do vậy, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần có sự đánh giá sát tình hình thực tiễn hơn và đề nghị Quốc hội cần có buổi họp chuyên đề về tiết kiệm, chống lãng phí để nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện, để Quốc hội xem xét cần “ban hành quyết sách gì”...

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Quốc hội cần có buổi họp chuyên đề về tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh Lã Anh

Đa dạng hóa kỳ hạn  phát hành TPCP

Đa số đại biểu đồng tình đa dạng hóa phát hành TPCP thay vì chỉ được phát hành kỳ hạn 5 năm trở lên, cũng như chủ trương phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. ĐB Đặng Ngọc Tùng cho rằng, nếu quốc gia không có uy tín hay nền kinh tế khó phát triển thì có muốn huy động cũng không thành công. Những năm qua uy tín đất nước tăng lên và việc phát hành sẽ tạo điều kiện để đất nước có vốn phát triển. Điểm thuận lợi nữa là trước chúng ta vay với lãi suất cao thì nay uy tín hơn thì lãi suất sẽ thấp xuống, có lợi cho kinh tế đất nước.

Xung quanh việc đa dạng hóa kỳ hạn TPCP, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhận xét, Nghị quyết 78 của Quốc hội yêu cầu việc chỉ phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên là đúng đắn vì làm giảm áp lực trả nợ hàng năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thứ cấp trái phiếu gặp nhiều khó khăn khi 9 tháng chỉ huy động được 51% kế hoạch, vì vậy, cần thiết đa dạng hóa kỳ hạn phát hành nhưng tỷ trọng 5 năm phải chiếm 70%.

Đồng tình về mặt nguyên tắc đất nước cần thì phải làm nhưng ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) lưu ý, hiện lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 6% cộng với phí phát hành, biến đổi tỷ giá và khi so sánh với phát hành trái phiếu nội địa hiện nay thì sẽ biết đắt hay rẻ. Cũng theo ĐB Nguyễn Đức Kiên, với số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, năm 2009, 1 USD bằng 16.000 đồng nhưng nay lên 22.350 đồng thì việc phát hành trái phiếu quốc tế “chưa chắc đã rẻ”.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng TRỊNH ĐÌNH DŨNG:

Sai phạm tại dự án xây dựng tòa nhà ở số 8B Lê Trực (Hà Nội) đã gây bức xúc trong xã hội và người dân. Vừa qua, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát và đề ra các giải pháp xử lý. Theo đó, công trình này được cấp phép cao 58m, nhưng thực tế xây dựng cao tới 69m. Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá đúng các hành vi và mức độ vi phạm của chủ đầu tư so với giấy phép xây dựng đã cấp và thực hiện xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định.

Qua vụ việc này, Bộ Xây dựng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tăng cường quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tích cực hơn nữa với các địa phương để kiểm tra rà soát xử lý các dự án xây dựng trái phép.

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN:

Về bảo hiểm y tế, có ĐBQH nói thu theo hộ gia đình bắt buộc thì không nên. Điều này đã được quy định theo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), đó cũng là phương thức tất cả các nước đều phải thực hiện thì mới có thể tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, nếu thu theo hộ gia đình có lợi là số tiền đóng của người tiếp theo sẽ giảm dần đến 50% mệnh giá ban đầu nếu tham gia từ 5 người trở lên. Để tránh áp lực cho người dân phải đóng nhiều tất cả thành viên hộ gia đình một lúc, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam là giãn thời gian này ra để có thời gian chuẩn bị đối với hộ gia đình.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT:

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua đạt được nhiều kết quả, nhưng sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương và nhìn chung còn chậm. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, ban hành chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là về đất đai, thuế, vốn và bố trí nguồn lực để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân và các doanh nghiệp tham gia một cách chủ động và tích cực hơn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ĐẶNG NGỌC TÙNG:

Chúng ta phải chú trọng đẩy mạnh nền kinh tế biển. Tôi đề nghị phải mạnh dạn dân sự hóa toàn bộ vùng đảo Trường Sa, xây những ô tàu cho ngư dân của chúng ta trú biển ở các đảo lớn như Song Tử Tây, Đá Nam, Tốc Tan... Phải cung cấp các dịch vụ hậu cần cho ngư dân để họ không phải đi ra vào đây nữa mà ở đó luôn. Một vấn đề nữa là nên tổ chức tuyến du lịch ra Trường Sa. 


BẢO MINH - NGỌC QUANG 

Tin cùng chuyên mục