(SGGPO).- Ngày 14-5 (giờ địa phương), chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng hối thúc giải quyết căng thẳng ở biển Đông thông qua kênh đối thoại.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng căng thẳng ở biển Đông xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan cần phải được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải bằng các biện pháp hăm dọa.
Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại liên quan tới cuộc đối đầu căng thăng giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, bà Rice lưu ý Trung Quốc “đang ngày càng bị cô lập và trở thành một chủ thể gây lo ngại”. Theo bà, những nước mong muốn có quan hệ hữu nghị và xây dựng với Trung Quốc “đang ngày càng cảm thấy khó chịu và lảng tránh (Trung Quốc) bởi điều mà họ coi là các hành động khiêu khích và gây hấn của nước này”. Bà Rice hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp hiện nay thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng Trung Quốc “muốn được chào đón và thừa nhận là một cường quốc, không chỉ trong khu vực mà ở tầm cỡ toàn cầu”.
Mạng tin “GMA News” ngày 14-5 dẫn lời người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines tuyên bố nếu Trung Quốc không lắng nghe Philippines, nước này sẽ dựa vào ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện nay trong khu vực. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có tin cho biết Trung Quốc có thể đang xây dựng một đường băng trên bãi đá Mabini (Việt Nam gọi là bãi đá Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua tiêu, tên quốc tế là Johnson) thuộc khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Phía Philippines đã phản đối hoạt động xây dựng trên khu vực này.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã bày tỏ quan ngại tại hội nghị cấp cao ASEAN mới đây ở Myanmar, đồng thời nhấn mạnh rằng cần đối thoại đa phương chứ không phải song phương như phía Trung Quốc muốn. Tuy nhiên, Philippines hy vọng không chỉ nhận được sự ủng hộ của các nước ASEAN mà còn cả những nước bên ngoài.
Trước sự kiện Trung Quốc đặt hạ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou – 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 14-5, PV TTXVN tại Bỉ đã có cuộc trao đổi với nhà báo Mass MBOUP, người đồng thời là chuyên gia về chính trị và phát triển của các nước châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (ACP) và Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ). Theo nhà báo Mass MBOUP, vấn đề Biển Đông rất phức tạp và đã được đề cập trong Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua.
Ông Mass MBOUP cho rằng việc Trung Quốc lấn chiếm biển Đông không nhận được sự ủng hộ của quốc tế, và Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đều đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Tất cả các nước trong khu vực cần đoàn kết thành một khối để ngăn cản hành động của Trung Quốc, vì việc xâm phạm lãnh hải các quốc gia khác là đi ngược lại luật pháp quốc tế, và vì thế vấn đề trở nên vô cùng nguy hiểm trên bình diện quốc tế.
Nhà báo Mass MBOUP cho biết, qua trao đổi với các đồng nghiệp Thụy Sĩ, Canada, Mỹ, châu Âu, tất cả đều có chung nhận định ý đồ của Trung Quốc mang tính chính trị, thể hiện ý đồ tranh giành lãnh thổ với các nước láng giềng của Trung Quốc và điều này là không thể chấp nhận được.
Về vai trò của ASEAN, nhà báo Mass MBOUP cho rằng ASEAN là một trụ cột vô cùng quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp hiện nay. Ông đánh giá cao Tuyên bố về vấn đề Biển Đông được ASEAN đưa ra tại hội nghị cấp cao lần thứ 24 vừa qua, qua đó cho thấy các nước thành viên ASEAN phải cùng nhau tìm ra một giải pháp mang tính khu vực. Văn kiện này cũng sẽ giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ rằng những động thái đơn phương hiện nay của Trung Quốc tại biển Đông là không thể chấp nhận được. Nhà báo Mass MBOUP nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải ngồi lại với các nước ASEAN để đàm phán đi đến một giải pháp hòa bình, tránh xung đột vũ trang.
Trong cuộc họp báo ngày 14-5, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định Paris quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và những căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông; kêu gọi các bên thể hiện sự kiềm chế đến mức cao nhất và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại. Trước đó, ngày 8-5, đại diện EU cũng đã bày tỏ lo ngại rằng các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, đồng thời thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải.
Trong khi đó, trang mạng của tạp chí địa - chính trị có uy tín bậc nhất của Italia - “Limes” đã đăng tải một bài viết dài với nhiều thông tin và đồ họa để giải thích cho các độc giả người Italia hiểu về tình hình căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Sau khi tường thuật lại những diễn biến vừa qua và phản ứng của Việt Nam, tác giả bài báo, ông Giorgio Cuscito, viết: “Trung Quốc đã thiết lập một giàn khoan ở gần quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Bài báo khẳng định Bắc Kinh ngày càng leo thang trong những yêu sách và sử dụng chính sách ngoại giao đầy tính hăm dọa, đồng thời cho rằng bằng những hành động của mình, Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. “Limes” cũng nhấn mạnh tới việc Trung Quốc đang muốn tìm kiếm các nguồn năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mạng tin trên dẫn một số nguồn cho biết trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông dự đoán là khá lớn, khoảng 23-30 tỉ mét khối, và 16 ngàn tỉ mét khối khí đốt thiên nhiên. Ngoài ra, vùng biển này nằm trên con đường giao thông hàng hải quốc tế dẫn thẳng đến Trung Quốc.
Hạnh Xuân (Tổng hợp)
>> Trung Quốc sử dụng số lượng lớn tàu đâm va các tàu Việt Nam
>> Việt Nam có thế mạnh về pháp lý, đạo lý
>> Dư luận thế giới tiếp tục quan ngại về tình hình biển Đông
>> Tàu Trung Quốc tiếp tục gây hấn đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam