Ngày 29-10, Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP - trực thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM) kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến dự.
- Điểm tựa cho người nghèo
Chị Nguyễn Thị Kỷ (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) nhớ lại, năm 27 tuổi, trong lúc đang mang thai đứa con thứ 2 thì người chồng đã bỏ nhà đi vì không chịu nổi cực khổ. Vất vả làm thuê, làm mướn, nhịn ăn, nhịn mặc nuôi con nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Vay mượn bên ngoài thì lãi mẹ đẻ lãi con, từ vài trăm ngàn ban đầu, cuối cùng lên đến 5 triệu đồng vẫn không thể trả.
Cánh cửa chỉ mở ra khi vào năm 2003, Quỹ CEP về đến xã Bình Lợi. Chị vay lần đầu 500.000 đồng để nuôi heo. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, chị được vay thêm lần 2, lần 3… với mức cao hơn. Đến nay, không chỉ chị đã trả hết nợ và cuộc sống đã dần ổn định. Căn nhà đang ở cũng đã được sửa tươm tất hơn.
Cám cảnh hơn là chị Phạm Thị Ánh Tuyết, công nhân Công ty TNHH Design International (quận Thủ Đức). Lấy chồng được 3 năm, 21 tuổi chồng chết. Một mình dắt theo con nhỏ từ Tây Ninh lên TPHCM tìm kế sinh nhai. Dù nhận làm tất cả mọi việc để kiếm sống, song cuộc sống của hai mẹ con cũng chẳng khá hơn do đứa con nhỏ bị bệnh thường xuyên. Năm 1998, khi được nhận làm công nhân tại Công ty TNHH Design International, chị Tuyết mới có cơ hội đổi đời khi được tiếp cận đồng vốn CEP để mua nguyên phụ liệu may đồ, bán lại. Đến nay, con của chị đã lên TPHCM học và chị đã tích cóp được ít vốn để mua một miếng đất ở quê.
Với chị Nguyễn Thị Khánh, tiểu thương chợ Long Phước (quận 9 - TPHCM) thì câu chuyện thoát nghèo của chị như trong cổ tích. Cuộc sống trước đây của chị chỉ trông vào gánh bún riêu hay còng lưng đi bán bắp, đậu phộng dạo. 4 đứa con lần lượt ra đời trong cảnh túng quẫn. Năm 2003, được Quỹ CEP hỗ trợ vốn 1 triệu đồng, anh chị mở sạp bán cá trong chợ. Chị bán cá, chồng thu gom thức ăn thừa ở các quán bán thức ăn về nuôi heo. Tiếp đó anh chị vay vốn chăn nuôi bò thịt. Rồi từ đồng vốn xoay vòng, sau 4 năm anh chị đã trả hết nợ vay và có một số vốn cho riêng mình là một chiếc xe máy, 7 con bò, một chuồng heo với 40 - 50 con heo thịt… Đến nay gia đình chị đã vươn lên thành hộ khá.
- Nhân rộng mô hình
Giám đốc Quỹ CEP Nguyễn Thị Hoàng Vân cho biết, quỹ hoạt động với mục tiêu giúp người nghèo cải thiện cuộc sống an sinh lâu dài thông qua cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính. Đưa vốn đến tận tay người nghèo, đặc biệt là đối tượng nghèo nhất, là mục tiêu hàng đầu của quỹ. Nếu như cách đây 20 năm, Quỹ CEP chỉ có 460 triệu đồng, cấp tín dụng đến 792 khách hàng, thì nay CEP đã hỗ trợ cho trên 1,5 triệu lượt người lao động nghèo vay vốn với gần 8.000 tỷ đồng, giúp trên 5.000 người lao động nghèo tạo việc làm và thoát nghèo mỗi năm. Đến nay, Quỹ CEP có vốn trên 850 tỷ đồng với 26 chi nhánh, trong đó có 9 chi nhánh hoạt động tại các tỉnh bạn.
Tại buổi lễ, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao hiệu quả của Quỹ CEP và cho biết sẽ nhân rộng mô hình nay trên cả nước. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận ghi nhận thành quả mà Quỹ CEP đã đạt được trong 20 năm qua. Quỹ CEP đã giúp cho người nghèo có cơ hội tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng tài sản, thoát khỏi nghèo khó bằng chính sức lao động của họ góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TPHCM. Không chỉ cung cấp dịch vụ tín dụng - tiết kiệm nhỏ, Quỹ CEP còn thực hiện các chương trình bổ trợ như giáo dục tài chính, chương trình học bổng CEP, chương trình mái nhà CEP, cung cấp lương thực, thực phẩm nhằm hỗ trợ những hộ gia đình nghèo vượt qua khó khăn.
>> Quỹ CEP đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
HỒ THU