Quy định quản lý bùn thải gây nhiều tranh cãi

Quy định quản lý bùn thải gây nhiều tranh cãi

Nhiều địa phương cho rằng Thông tư 36/2015 về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ban hành, có nhiều điểm bất cập.

Cụ thể là quy định các nhóm bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ - hữu cơ, xử lý - che phủ bề mặt, gia công kim loại, các vật liệu khác và bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) có các ngành nghề sản xuất thuộc lĩnh vực nêu trên là CTNH. Như vậy, hầu hết bùn thải từ các KCX - KCN đều mặc nhiên bị xếp vào dạng CTNH.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Hiệp Phước, TPHCM

Lãng phí

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thông tư có hiệu lực, rất nhiều KCX - KCN trên địa bàn TPHCM gửi văn bản đến Sở TN-MT. Đính kèm theo các kết quả phân tích mẫu bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải tập trung không có chỉ tiêu kim loại vượt ngưỡng, các đơn vị đề nghị được tái chế hoặc quản lý, xử lý bùn thải như chất thải thông thường. Một mặt yêu cầu các doanh nghiệp vẫn thực hiện đúng thông tư, một mặt Sở TN-MT có văn bản kiến nghị lên UBND TPHCM. Theo trình bày của sở, các cơ sở hoạt động trong KCN đều phải xử lý nước thải sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung của toàn KCN, nên hàm lượng các chất ô nhiễm đã giảm đi đáng kể. Hơn nữa, lượng bùn phát sinh từ khâu xử lý nước thải của các KCN đều được lấy mẫu phân tích hàng năm, kết quả cho thấy thành phần nguy hại đều dưới ngưỡng quy định. Nếu bùn thải từ KCN dù dưới ngưỡng CTNH vẫn phải xử lý theo quy trình của CTNH thì gây lãng phí lớn và là gánh nặng cho doanh nghiệp. Bởi lẽ trước đó, một số KCN đã tận dụng bùn thải để tái chế thành phân bón, đất sạch…; còn các đơn vị khác thì chuyển giao xử lý như chất thải thông thường với giá 600 - 1.500 đồng/kg. Nay phải xử lý theo CTNH, trong khi biện pháp xử lý an toàn với bùn thải nguy hại là đốt trong lò chuyên dụng với chi phí rất cao, giá xử lý dao động từ 3.500 - 15.000 đồng/kg. Như vậy, chi phí sẽ đội lên từ 6 - 10 lần, gây lãng phí lớn đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nước thải của các cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực điều chế hóa chất vô cơ - hữu cơ, xử lý che phủ bề mặt, gia công kim loại… trong các KCN chiếm tỷ lệ rất thấp, chẳng hạn tại KCN Tân Tạo là khoảng 1%, KCN Tân Thới Hiệp khoảng 0,7%... Nếu phải xử lý bùn thải cả KCN như CTNH chỉ vì một số ít tỷ lệ nước thải từ các ngành nghề này thì không thỏa đáng.

Nguy cơ quá tải

Cũng theo Sở TN-MT, khả năng tiếp nhận CTNH để xử lý bằng phương pháp đốt trên địa bàn TP là 30 - 35 tấn/ngày, trong đó khối lượng CTNH ngành y tế cần xử lý là 17 tấn/ngày. Hiện nay, bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung từ các KCX - KCN khoảng 11.000 tấn/năm (30 tấn/ngày). Nếu lượng chất thải này luôn phải xử lý như CTNH sẽ gây quá tải. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 38/2015 đều khuyến khích thực hiện hoạt động tái chế, tái sử dụng, nên hiện tại TPHCM cũng đang xây dựng hoàn thiện Nhà máy Xử lý tái chế bùn tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Đa Phước. Chính vì vậy, nếu thực hiện theo Thông tư 36 của Bộ TN-MT thì đi ngược lại chủ trương tái chế của Nhà nước. Trên cơ sở tổng hợp, xem xét ý kiến các sở ngành, đơn vị liên quan, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT xem xét, điều chỉnh thông tư này theo hướng đưa bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của nhóm ngành nghề nói trên trở thành loại chất thải có khả năng là CTNH. Trong thời gian đó, kiến nghị cho TP quản lý bùn thải theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng CTNH để có hướng xử lý phù hợp với từng loại.

Tiếp sau TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, điều chỉnh Thông tư 36/2015. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện toàn tỉnh có 30 KCN đã đi vào hoạt động, trong đó có 20 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, số còn lại lượng nước thải phát sinh rất ít. Tổng lượng bùn thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung khoảng 738 tấn/tháng, hầu hết các mẫu bùn phân tích đều không vượt ngưỡng nguy hại. Sở TN-MT tỉnh cũng xác định số bùn này không thuộc danh mục CTNH. Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các doanh nghiệp đã phải xử lý sơ bộ trước khi đổ về hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, tức là nước thải đã qua 2 lần xử lý, nên nồng độ các chất ô nhiễm trong bùn thải sẽ còn rất thấp. Do đó, nếu áp dụng quy định quản lý theo CTNH sẽ làm tăng chi phí xử lý bùn thải, hệ lụy là các KCN phải tăng chi phí xử lý nước thải với các doanh nghiệp trong khu, như vậy hàng loạt doanh nghiệp sẽ bị đội chi phí.

Trước việc các địa phương liên tục có văn bản kiến nghị về Thông tư 36, mới đây, Bộ TN-MT đã có công văn phúc đáp. Theo đó, bùn thải phát sinh từ các quá trình xử lý nước thải công nghiệp có chứa hàm lượng cao các kim loại nặng như Cu, Cr, As, Ni, Cd… Kết quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy các loại bùn thải từ các cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề này phải được quản lý theo quy định về quản lý CTNH. Hơn nữa, các KCX - KCN hầu hết là đa ngành nghề nên bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung có thành phần phức tạp và chứa nhiều chất nguy hại. Thông số và thành phần nguy hại biến động dẫn đến việc khó kiểm soát và trong nhiều trường hợp, kết quả lấy mẫu phân tích không mang tính đại diện. Thêm vào đó, khối lượng phát sinh lớn nên lượng bùn thải từ các KCN nêu trên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp…

Do đó, Bộ TN-MT đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định Thông tư 36/2105 để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp KCN có cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ - hữu cơ, xử lý che phủ bề mặt, gia công kim loại, các vật liệu khác nhưng không phát sinh nước thải hoặc có phát sinh nhưng không đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN thì bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN là chất thải thông thường. Trường hợp chủ nguồn thải CTNH có khả năng tự xử lý bùn thải là CTNH đảm bảo các thành phần nguy hại dưới ngưỡng theo quy định thì bùn sau xử lý được quản lý như đối với chất thải công nghiệp thông thường.

Trong thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục nghiên cứu các căn cứ kỹ thuật cũng như thực tiễn và tiếp thu các ý kiến của các địa phương để xem xét điều chỉnh thông tư cho phù hợp.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục