Quy hoạch bảo vệ môi trường cần dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu

Nhận định về công tác bảo vệ môi trường tại diễn đàn “Bảo vệ môi trường - những vấn đề cấp bách” vừa được tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho rằng, điều bất cập trong công tác quản lý môi trường hiện nay là chưa giải quyết triệt để mối quan hệ giữa vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Quy hoạch bảo vệ môi trường cần dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu

Nhận định về công tác bảo vệ môi trường tại diễn đàn “Bảo vệ môi trường - những vấn đề cấp bách” vừa được tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho rằng, điều bất cập trong công tác quản lý môi trường hiện nay là chưa giải quyết triệt để mối quan hệ giữa vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường dựa trên hệ sinh thái nên phải triển khai quy hoạch theo hướng tiếp cận có tính liên vùng, dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu để phục vụ cho các chính sách phát triển kinh tế.

Quy hoạch bảo vệ môi trường theo vùng

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu không quy hoạch bảo vệ môi trường theo hướng tiếp cận vùng, liên vùng sẽ xảy ra xung đột. Chẳng hạn như TPHCM và các tỉnh lân cận nếu không có quy hoạch vùng xác định nơi xử lý chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt sẽ gặp sự xung đột giữa các địa phương. Thực tế trên thế giới cũng cho thấy, không nước nào mà mỗi nơi, mỗi doanh nghiệp (DN) là một cơ sở xử lý chất thải nguy hại, mỗi địa phương có một nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt mà đều có quy hoạch vùng để bảo đảm được tính hiệu quả, đồng thời tiếp cận theo hướng đầu tư với chi phí, công nghệ cao. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đã đến lúc chúng ta không thể đi theo mô hình phát triển cũ. Trước đây, phát triển kinh tế trong bảo vệ môi trường, nhưng bây giờ phải bảo vệ môi trường trong phát triển, trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược, quy hoạch. “Cần nhanh chóng bắt nhịp xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp, đó cũng là khẳng định mối quan hệ cơ cấu giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Từ đầu năm 2016 đến nay xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận xã hội bức xúc (Trong ảnh: Nhà máy Formosa Hà Tĩnh). Ảnh: PHƯƠNG HÀ

Liên quan đến nhiệm vụ của ngành TN-MT trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, giải pháp trước mắt là lập quy hoạch bảo vệ môi trường với cách tiếp cận liên vùng, liên ngành và dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đã hoạt động, đang chạy thử, đang xây dựng… để đưa ra lộ trình rõ ràng nhằm phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề về môi trường nếu có theo đúng các quy định của pháp luật.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới Bộ TN-MT sẽ kiến nghị Quốc hội một số nội dung. Cụ thể: tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội về bảo vệ môi trường, tập trung vào các vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi các các luật về môi trường và các luật có liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất, giảm chồng chéo, xung đột, chồng lấn; bám sát thực tế, theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường. Xem xét, thảo luận, có chủ trương thu hút đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, hạn chế tiến tới loại bỏ các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, hiệu quả kinh tế thấp, các dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu; có cơ chế đột phá thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; các nguồn thu từ môi trường ưu tiên đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Báo cáo liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ TN-MT cho biết, từ đầu năm 2016 tới nay, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận xã hội bức xúc. Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội. Hiện có nhiều loại hình công nghiệp có công nghệ thấp và nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Vừa qua, bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 137 cơ sở có lượng nước thải từ 200m3 trở lên. Qua đó cho thấy, từ công tác quản lý cho đến việc thực hiện quy trình xử lý, việc thực hiện quy định pháp luật liên quan đến vấn đề xử lý môi trường… đều có vi phạm vì cơ sở thấp nhất vi phạm 60%. Do vậy, việc quan trọng trước mắt là khẩn trương rà soát, kiểm tra và đưa ra lộ trình rõ ràng để yêu cầu các DN phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và yêu cầu họ tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy trình đáp ứng các vấn đề môi trường. Tự thực tế xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ TN-MT nhìn nhận, nếu không có ngay các biện pháp phòng ngừa sẽ xảy ra tình trạng tiếp nhận dòng chảy công nghệ lạc hậu từ đầu tư quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần ban hành sớm các hệ thống tiêu chí sàng lọc, đánh giá; sớm ban hành danh mục, công bố, công khai các ngành công nghiệp có tiềm năng ô nhiễm lớn và công nghệ lạc hậu.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cần phải được gắn với bảo vệ môi trường bền chặt. Lâu nay, một số địa phương, một số cơ sở sản xuất chưa thật sự quan tâm về môi trường… vì quá mải chạy theo kinh tế mà xem nhẹ công tác giám sát, thanh, kiểm tra. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây đang làm xói mòi lòng tin của xã hội, đã trở thành bài học quá lớn, ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân. Từ đó, các đại biểu cho rằng, cần khung pháp lý, xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá tác động môi trường theo tinh thần chặt chẽ, nghiêm khắc, phải coi lợi ích của người dân là trên hết.

Đồng tình với các ý kiến trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh các chính sách phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường, các DN cũng cần phải thay đổi các nguyên tắc, cách thức quản lý môi trường, cần chú trọng vào các khâu chứng nhận, thiết lập các hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng môi trường thông qua hệ thống quan trắc tự động. “Quan trọng nhất hiện nay đó là phải kiên quyết thực hiện chính sách người gây ô nhiễm phải trả tiền, trả đúng và trả đủ, người sử dụng các dịch vụ về tài nguyên và môi trường thì phải chi trả theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho hay, sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận của mô hình tăng trưởng mới. Trong đó, sẽ tập trung điều chỉnh ngay vấn đề “đánh giá tác động môi trường” để giải quyết những vấn đề chưa được kiểm soát chặt chẽ ở một số loại hình DN.

HÀ PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục