Quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với dân cư

Tương tự với việc rà soát quy hoạch phát triển thủy điện trên quy mô toàn quốc, kết quả rà soát hoạt động của hệ thống các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) trên cả nước vừa qua đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có khoảng 300 KCN, KCX, KKT với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 80.000 ha. Trong đó có gần 200 khu đã đi vào hoạt động; còn lại đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.

Nhận định về các khu đã đi vào hoạt động, Bộ KH-ĐT nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh thu từ các doanh nghiệp ở KCN, KCX, KKT đã đóng góp một phần quan trọng vào GDP cả nước. Đồng thời, các KCN, KCX, KKT cũng là điểm đến của nhiều dự án FDI quy mô lớn.

Điển hình, trong năm 2013 là dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (tại KKT Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD; Khu Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (tại KCN Yên Bình, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) có tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD; Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô của Công ty lọc dầu Vũng Rô (KCN Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) nâng tổng vốn đầu tư của dự án từ 1,7 tỷ USD lên gần 3,18 tỷ USD...

Việc thu hút được các dự án lớn là điểm sáng trong hoạt động của các KCN, KCX, KKT, tạo đà cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua của Quốc hội, báo cáo của Bộ TN-MT cho hay, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai và môi trường tại các KCN, KCX, KKT khá phổ biến.

Bộ TN-MT kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ kiên quyết không cho thành lập mới hoặc mở rộng các khu này nếu không bảo đảm những yêu cầu: phù hợp với quy hoạch tổng thể đã được duyệt; tổng diện tích đất công nghiệp của các khu đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất (lấp đầy) không dưới 60%...

Rõ ràng, việc phát triển các KCX, KCN, KKT cần được đánh giá một cách cẩn trọng nói chung và trên bình diện sử dụng đất nói riêng. Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH-ĐT) cho biết, cuối năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT.

Theo đó, các nội dung mới được sửa đổi, bổ sung tập trung vào quy định chặt chẽ điều kiện thành lập KCN theo hướng thắt chặt việc cấp giấy chứng nhận đầu tư để đầu tư mới, mở rộng KCN. “Vừa qua, một số địa phương mặc dù chưa đáp ứng tiêu chí “tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN đã được thành lập trên địa bàn đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất 60%” nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho KCN mới và tiến hành thu hồi đất triển khai xây dựng KCN”, ông Vũ Đại Thắng giải thích.

Bên cạnh đó, nghị định mới còn bổ sung quyền hạn, nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động trong KCN, KCX, KKT, nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu này. Điểm mới đáng chú ý là doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng phải đăng ký khung giá thuê đất, thuê lại đất và các loại phí sử dụng hạ tầng tại Ban quản lý KCN, KCX, KKT.

Quy định này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình giá thuê đất nhằm hạn chế việc doanh nghiệp định giá cho thuê đất, thuê lại đất và các loại phí cao một cách bất hợp lý. Việc sử dụng đất KCN, KCX và KKT có liên quan tới quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... nên cần có sự điều tiết của các cơ quan nhà nước.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các KCN - KCX Hà Nội, nhận xét: “Đơn giá thuê đất tại Việt Nam và các quy định có liên quan là một trong những trở ngại lớn khiến các nhà đầu tư ngần ngại. Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ có chính sách cho vay vốn ưu đãi phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng hạ tầng, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư và giảm giá cho thuê đất có hạ tầng; kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét việc khấu trừ kinh phí giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất phải nộp ngân sách theo quy định ngay tại thời điểm doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh”.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, sự phát triển bền vững của các KCN phải gắn liền với sự phát triển của các khu dân cư xung quanh KCN. Ngoài khu tái định cư, phải khuyến khích xây dựng khu nhà ở cho công nhân, nhà giá rẻ bán trả dần cho người lao động và cán bộ làm việc trong KCN, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với KCN. Phát triển KCN phải đi đôi với quy hoạch đồng bộ mạng lưới khu dân cư, đô thị mới với các điều kiện sinh hoạt hiện đại mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững của mô hình kinh tế này.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục