Đất nước Việt Nam có lịch sử lâu đời gắn liền với nền văn minh lúa nước, có đến 70% dân số sống ở vùng nông thôn và sống bằng sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, vai trò của ngành phân bón đối với sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng. Là một đơn vị chiếm thị phần lớn trên thị trường phân bón, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực bình ổn thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu về phân bón cho ngành nông nghiệp nước nhà. Tại Hội nghị Quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu thụ phân bón đến năm 2010 do Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Hiện hội Phân bón Việt Nam phối hợp tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội vào ngày 12-10-2010 vừa qua, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch HĐQT PVFCCo xung quanh vấn đề này.
Xứng đáng là vai trò đầu tàu của ngành phân bón
° Ông có thể nói ngắn gọn về tính hiệu quả của Nhà máy Đạm Phú Mỹ kể từ khi được đưa vào vận hành sản xuất đến nay?
- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng: Tháng 9-2004, sau một thời gian ngắn chạy thử, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã chính thức được bàn giao cho PVFCCo quản lý, vận hành và kinh doanh sản phẩm, với sản lượng đạt 740.000 tấn/năm, xác lập vai trò là một doanh nghiệp quy mô hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Sự tham gia thị trường của PVFCCo đã thổi vào ngành phân bón một luồng gió mới, với tác động tích cực và đem lại sự thay đổi, đáp ứng những kỳ vọng của Chính phủ khi phê duyệt dự án. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường phân đạm, nguồn cung ứng đã có sự tham gia của hàng sản xuất trong nước với một tỷ lệ thị phần cao, chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp.
Trong giai đoạn 2005-2010, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVFCCo đã được triển khai và gặt hái được những kết quả rất tốt. Năm 2005, 2006 đạt sản lượng 80%-90% theo thiết kế, đặc biệt trong 3 năm 2007-2009 đã sản xuất hơn 750.000 tấn urê, vượt sản lượng thiết kế/năm đồng thời thực hiện công tác nhập khẩu phân bón. Năm 2010, dự kiến sản lượng sản xuất và cung ứng cũng sẽ đạt từ 750.000 đến 1 triệu tấn.
Về mặt thị trường, mạng lưới các đại lý và cửa hàng bán lẻ do các đơn vị thành viên của PVFCCo phát triển đã đạt con số trên 2.000 cửa hàng trên khắp các vùng miền trên cả nước. Tham gia vào khâu phân phối sâu rộng, PVFCCo hướng tới mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị và phục vụ bà con nông dân một cách hiệu quả nhất.
° Xin ông nói rõ hơn về vai trò của PVFCCo trong quá trình bình ổn thị trường phân bón?
-Trong nửa đầu năm 2008, trước tình hình giá cả thị trường bất ổn, liên tục tăng cao, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PVFCCo đã có những chỉ đạo để PVFCCo thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa trong chương trình hành động kiềm chế lạm phát và bình ổn thị trường với những mục tiêu cụ thể: Tổ chức sản xuất an toàn và đạt tối đa sản lượng phân đạm, đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu phân bón, tăng tổng nguồn cung ứng phân bón của PVFCCo lên trên 1 triệu tấn/năm, tổ chức mạng lưới phân phối sản phẩm sản xuất và nhập khẩu hợp lý, hiệu quả nhằm đưa sản phẩm đến các cửa hàng và bán cho bà con nông dân với giá niêm yết, thấp hơn giá nhập khẩu từ thị trường thế giới, nhằm hạn chế tình trạng mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian.
Năm 2008 PVFCCo đã đưa ra thị trường trong nước 741.000 tấn urê DPM và gần 200.000 tấn phân bón nhập khẩu. Tại các thời điểm giá cả tăng cao, nguồn cung DPM do PVFCCo sản xuất và lượng hàng nhập khẩu thường trực nhập về tại các kho luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu, đã giúp kiềm chế đà tăng giá bán phân bón trong nước, cụ thể là có thời điểm giá urê thị trường thế giới lên tới 13.000-14.000 đồng/kg thì giá bán DPM thấp hơn tới gần 40%. Mức giá bán công bố của PVFCCo đã bao gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm và chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng. Đánh giá về tác dụng bình ổn giá của DPM, PVFCCo đã thống kê, theo dõi diễn biến thị trường từ cuối năm 2007 đến thời điểm sốt giá phân bón năm 2008 và thấy rằng giá bán của DPM có tăng theo xu thế chung của thị trường nhưng mức tăng giá thấp hơn mức tăng giá của urê nhập khẩu và nhiều loại phân bón khác. Nếu tính từ thời điểm xa hơn từ đầu năm 2007, thì mức tăng giá của DPM là thấp nhất trong thị trường phân bón. Điều đó cho thấy sự tham gia của DPM đã góp phần tích cực cho thị trường.
Tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trên thị trường phân bón.
° Theo ông nhu cầu về phân bón trong giai đoạn 2010-2020 sẽ như thế nào? Và khả năng đáp ứng của PVFCCo ra sao?
- Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã quyết tâm đầu tư dự án bằng nội lực với mục tiêu và tầm nhìn chiến lược là đảm bảo an ninh lương thực về dài hạn cho đất nước. Phát huy thành quả từ dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ, ngành dầu khí Việt Nam tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất tương đương, dự kiến đi vào sản xuất từ quý 1 năm 2012. Công tác quản lý, vận hành và kinh doanh phân phối sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ được giao cho PVFCCo đảm trách, với mục tiêu là sản phẩm phân đạm, một trong các sản phẩm chính của ngành dầu khí cung cấp cho đất nước, được cung ứng bởi hệ thống thống nhất của PVFCCo.
Theo dự kiến, năm 2012, dự án Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào sản xuất. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có chủ trương giao cho PVFCCo quản lý, vận hành và tổ chức kinh doanh, phân phối sản phẩm của nhà máy. Như vậy, đối với thị trường trong nước, PVFCCo tiếp tục khẳng định vai trò của nhà sản xuất và cung ứng phân đạm lớn nhất: 1.600.000 tấn ure/năm, có khả năng đáp ứng tới 80% nhu cầu thị trường trong nước. Năm 2013, dự kiến nhà máy sản xuất phân NPK chất lượng cao của PVFCCo cũng sẽ hoàn thành với khả năng cung ứng 400.000 tấn/năm, đáp ứng 15% nhu cầu thị trường.
° Như vậy trong vòng 10 năm tới, PVFCCo sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trên thị trường phân bón?
-Với năng lực sản xuất như trên, rõ ràng là vai trò của PVFCCo đối với nông nghiệp tiếp tục được phát huy và khẳng định. Nếu như trong giai đoạn 2005-2010, sản phẩm đạm Phú Mỹ thể hiện vai trò của nhân tố mới trong thị trường, thì giai đoạn này, PVFCCo đóng vai trò của đơn vị sản xuất nòng cốt trong hoàn cảnh có nhiều nhà sản xuất phân đạm trong nước cùng với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Kinh nghiệm tổ chức và quản lý sản xuất của PVFCCo trong giai đoạn vừa qua đã khẳng định năng lực của PVFCCo trong việc tổ chức vận hành 2 nhà máy đạm lớn có quy mô và công nghệ tương đương sẽ được đảm bảo. Khả năng sản xuất và cung ứng 1,6 triệu tấn đạm mỗi năm là điều gần như chắc chắn.
PVFCCo sẽ cung cấp phân đạm với 2 dòng sản phẩm: ure hạt trong (prill) của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và sản phẩm ure hạt đục (granular) của Nhà máy Đạm Cà Mau, chất lượng đạt các tiêu chuẩn sản phẩm của các nhà máy đạm công nghệ hàng đầu trên thế giới từ nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên. Về giá cả, đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau được sự bảo đảm nguồn nguyên liệu là khí thiên nhiên từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với giá cả hợp lý, quản lý sản xuất hiệu quả, sẽ đảm bảo duy trì giá thành sản xuất ở mức độ cạnh tranh trước sản phẩm nhập khẩu.
Vai trò của PVFCCo đối với nền nông nghiệp đất nước, chính là biểu hiện điển hình cho mục tiêu thực hiện chính sách đưa sản phẩm công nghiệp từ nguồn nguyên liệu của ngành dầu khí để sản xuất phân bón phục vụ nền nông nghiệp, tăng cường mối liên kết và làm cầu nối liên minh công nông, thực hiện chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước. PVFCCo tiếp tục khẳng định vai trò trên trong chiến lược phát triển của mình trong thời gian tới, với những thế mạnh trong khâu sản xuất, khâu phân phối.
Thủy Mai