Nghệ thuật thiết kế xây dựng tượng đài là lĩnh vực mỹ thuật môi trường gắn liền với thiết kế đô thị và kiến trúc cảnh quan. Nó góp phần làm tăng hiệu quả thẩm mỹ đô thị. Chúng ta đang ở năm đầu tiên của thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 và đang ở trong thời kỳ mở cửa hội nhập với sự giao lưu quốc tế nhiều mặt. Các công trình về mỹ thuật, đặc biệt là thẩm mỹ môi trường đã và đang so sánh với các nước. Vì lòng tự trọng, sĩ diện quốc gia, chúng ta không thể để tồn tại những công trình thẩm mỹ công cộng quá kém về thẩm mỹ.
Xây dựng và quản lý tượng đài trở thành công việc của Nhà nước. Muốn vậy Nhà nước phải có biện pháp cụ thể để điều tra, quy hoạch cả hệ thống tượng đài trong nước và phân cấp quản lý, xây dựng từng khu vực. Nhà nước lớn không thể nào đủ kinh phí đầu tư thiết kế xây dựng và quản lý, bảo trì toàn bộ các tượng đài trên khắp cả nước. Cho nên hiện nay việc tư duy để tìm ra giải pháp đầu tư, quản lý bằng sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, nhiều mặt là vô cùng cần thiết.
Để làm được công việc này trước đây chỉ tập trung hai phía: Nhà nước và nhà điêu khắc. Sau này thêm phía thứ ba: nhà thiết kế cảnh quan.
Nhưng trước tình hình hiện nay, phía thứ tư gồm các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà tài trợ văn hóa là lực lượng vô cùng cần thiết tạo nên lực lượng tổng hợp. Như vậy, Nhà nước, nhà điêu khắc, nhà thiết kế cảnh quan, nhà đầu tư trở thành bộ tứ chủ chốt để sáng tạo, thực hiện nên hệ thống tượng đài của thời đại mới.
Hiện nay có nhiều tượng đài mang tính minh họa, rập khuôn thiếu những sự đột phá trong tư duy thiết kế, tạo hình và chưa tạo được sự phong phú của thể loại.
Như vậy để định hướng quy hoạch, đầu tư, thiết kế sáng tạo, thi công, quản lý hệ thống tượng đài, chúng ta nên đặt ra những quan điểm, tiêu chí mới: tiêu chí lịch sử toàn vẹn; tiêu chí về sự phong phú thể loại; tiêu chí gắn với môi trường không gian; tiêu chí gắn với quy hoạch kiến trúc đô thị; tiêu chí về tính tiêu biểu cho cả nước và khu vực; tiêu chí về đầu tư xây dựng, phân cấp quản lý khai thác theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Theo đó, toàn bộ hệ thống tượng đài của mỗi địa phương phải được nghiên cứu thể hiện đầy đủ quá trình lịch sử của địa phương mình; tôn vinh các tiền nhân có công khai phá, mở cõi; chọn nơi dựng tượng đài phù hợp với đặc điểm về địa lý, tầm nhìn, khí hậu; định hình quy mô phong cách kiến trúc; xác định mục tiêu giá trị thẩm mỹ tương ứng… Về tượng các danh nhân do mỗi địa phương hoặc tư nhân có thể tự bỏ kinh phí đầu tư thiết kế xây dựng (thí dụ họ hàng, dòng tộc của mỗi danh nhân…). Tượng trang trí tại các công viên hay các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch… sẽ do chủ nhân các tập đoàn, doanh nghiệp tự bỏ kinh phí xây dựng, quản lý và bảo trì.
Nhà nước nên có văn bản quy định thật cụ thể và ban hành rộng rãi như là dạng pháp lệnh về xây dựng tượng đài để khi thiết kế bản thân các đơn vị phải quy hoạch các tượng này trong khu vực công trình của mình. Nếu các doanh nghiệp không dự trù kinh phí cho các loại tượng trang trí công trình do mình đầu tư thì Nhà nước sẽ không duyệt bản thiết kế của đơn vị. Lúc này Nhà nước chỉ cần quan tâm đến chất lượng nghệ thuật của công trình.
Đối với trường hợp tượng đài trong các khu công nghiệp, khu vui chơi hay trung tâm thương mại, nhà đầu tư có quyền tự chọn đề tài theo ý mình phù hợp với chủ trương kinh doanh, truyền thống của đơn vị. Về phong cách của tượng bắt buộc phải hài hòa với phong cách, quy mô kiến trúc, Nhà nước không cần can thiệp vào. Vì trong quy định ban hành hiển nhiên Nhà nước đã nêu rõ những yêu cầu này rồi.
Quy hoạch tượng đài cần được nghiên cứu chuyên sâu với những ý kiến đóng góp của giới chuyên môn và sự quan tâm, định hướng cụ thể của Nhà nước. Bởi lẽ nó là một trong những mặt quan trọng trong việc quản lý, xây dựng môi trường thẩm mỹ đô thị của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
HS - NGND Huỳnh Văn Mười