Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 4 năm qua toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được trên 493.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý chiếm 55,4%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%. Ngoài các giải pháp bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp… xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu vì hơn 90% khoản nợ xấu có TSBĐ. Tuy nhiên, biện pháp xử lý TSBĐ (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả chỉ đạt khoảng 13.910 tỷ đồng.
Tại hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm” tổ chức ngày 6-12 ở Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thực tiễn xử lý TSBĐ của hệ thống TCTD thời gian qua cho thấy còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD nhận bảo đảm. Các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, có những khoảng trống đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Bộ luật Dân sự (2005), thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Như vậy, TSBĐ tại các ngân hàng là tài sản/quyền tài sản được người đi vay cầm cố hoặc thế chấp tại ngân hàng theo cam kết trong hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Trường hợp người đi vay trả nợ đúng hạn theo hợp đồng tín dụng thì quyền đối với TSBĐ được hoàn trả lại đầy đủ và trọn vẹn cho người đi vay. Ngược lại, trường hợp người đi vay không trả được nợ và trở thành nợ xấu thì người cho vay có quyền xử lý TSBĐ để khắc phục hậu quả do nợ xấu gây ra.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc thực thi quyền xử lý TSBĐ hiện nay được đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích của người cho vay. Tuy nhiên, những quy định pháp lý mang tính đặc thù về quyền và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất đai nói riêng, bất động sản nói chung cũng như hệ thống quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng còn hạn chế, chưa chặt chẽ và công bằng đi đôi với hạn chế bất cập trong quản lý… khiến cho việc thực thi quyền xử lý TSBĐ tại các TCTD gặp không ít khó khăn, tiêu tốn quá nhiều thời gian, sức lực, thậm chí có những trường hợp bất khả thi. Bên cạnh đó, do thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD nên có trường hợp quyền hợp pháp biến thành quyền “bán hợp pháp”; hay thực thi quyền hợp pháp bằng công cụ không hợp pháp khiến cho dư luận xã hội phản đối, hoặc ít nhất là không đồng tình.
Nhiều ý kiến cho rằng, để xử lý một cách căn cơ và hiệu quả vấn đề nợ xấu, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục liên quan đến xử lý TSBĐ, tài sản thế chấp. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân tối cao xây dựng trình Chính phủ ban hành một nghị định về xử lý TSBĐ. Một số ý kiến đề nghị, trong nghị định này, ngoài việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định bất hợp lý hiện nay về xử lý TSBĐ, cần quy định chi tiết trình tự thủ tục xử lý TSBĐ. Và điều quan trọng là phải coi quyền xử lý TSBĐ là quyền đương nhiên của TCTD, vì trong quan hệ cho vay, chủ nợ mới là bên yếu thế. Theo TS Vũ Đình Ánh, quyền xử lý TSBĐ chỉ được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả và hiệu lực khi và chỉ khi nhận thức về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan trong quan hệ tín dụng ngân hàng được xác lập một cách đúng đắn dựa trên những cơ sở pháp lý khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam đồng thời tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
HÀM YÊN