Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng ở đâu? Câu hỏi này đặt ra chắc sẽ có một số lượng kha khá người được hỏi “vặn ngược” lại: Có một văn phòng như thế thật à? Địa chỉ của văn phòng ấy có in trên danh bạ nhưng trong tiềm thức, người tiêu dùng rất ít biết đến sự hiện diện của nó. Cũng bởi vì trên thực tế cuộc sống hàng ngày, khái niệm “khiếu nại của người tiêu dùng” vẫn còn là một nội dung ít thực chất.
Một ví dụ dễ thấy nhất là chuyện đi chợ của các bà nội trợ. Bình thường họ vẫn xách giỏ đi, trả tiền và xách cái giỏ có thịt, cá, rau, gia vị... về. Nhưng hành trình quen thuộc ấy mỗi ngày đều gặp rủi ro từ giá cả thất thường lẫn chất lượng thực phẩm dưới chuẩn. Cách ứng xử quen thuộc nhất nếu lỡ mua phải thực phẩm không sạch là làu bàu vài câu, nghe người bán giải thích ngọt nhạt rồi hôm sau vẫn phải mua tiếp!
Với miếng ăn mỗi ngày, nguy cơ “bệnh theo miệng mà vào” rải đều, từ hàng quán lề đường đến các nhà hàng có biển hiệu. Lý do là không ai đảm bảo được chất lượng và vệ sinh của nguồn thực phẩm đầu vào. Tất cả những cái nhãn “sạch” dán vào bao bì để bảo chứng về sự an toàn đều đang bị quan sát với vẻ hồ nghi.
Nhiều người tiêu dùng đang tặc lưỡi một cách cam chịu: “Không thể biết chắc là món đó có được như cái nhãn hay không, nhưng thấy có dán nhãn thì thấy an tâm hơn”. Họ đang miễn cưỡng phải “đính kèm” phép thắng lợi tinh thần trong mỗi món hàng mình bỏ tiền ra mua.
Thực phẩm dễ được chọn để làm ví dụ. Nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ, dễ quan sát trong nhu cầu hàng ngày. Còn rất nhiều hàng hóa và dịch vụ khác cũng đang được đặt trong tương quan bất đối xứng giữa người cung cấp và người thụ hưởng. Về hàng hóa, càng ngày nguồn cung càng phong phú, đa dạng. Nhưng nguồn cung tăng còn sự kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng thì vẫn hụt hơi. Trong mảng dịch vụ, vẫn có nhiều sóng ngầm đe dọa người tiêu dùng không kém. Thậm chí, sự kiểm định chất lượng dịch vụ nhiều khi còn mơ hồ hơn so với hàng hóa. Từ dịch vụ vận tải, cung cấp người giúp việc, sửa chữa gia dụng... đến các dịch vụ y tế và giáo dục, chăm sóc tinh thần, thực trạng chung cho người tiêu dùng vẫn đang là may nhờ rủi chịu.
Trở lại một việc xảy ra khá lâu nhưng vẫn còn có ý nghĩa thời sự. Khi Công ty Vedan bị phát hiện xả chất thải nguy hại ra môi trường, họ cố tình trì hoãn việc bồi thường cho hàng ngàn nông dân trong vùng bị ảnh hưởng. Nhưng ở thời điểm đó, nhiều siêu thị đã làm một việc cương quyết: rút bột ngọt Vedan khỏi quầy cho đến khi nhận được câu trả lời tương xứng. Siêu thị đã nhận được sự ủng hộ của số đông người tiêu dùng. Hành động đó được coi là có ý nghĩa xã hội trong quan hệ kinh doanh. Chỉ tiếc rằng người tiêu dùng không có mấy cơ hội để được hồ hởi trong việc tìm kiếm đồng hành kiểu như thế.
Hiện tại, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực. Đó là một dấu mốc có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo các quyền của cuộc sống, sinh hoạt ở mức cơ bản. Tuy vậy, cũng như nhiều khía cạnh khác, thực tế cho thấy từ có luật đến việc thực thi đầy đủ luật không hẳn đã là một con đường nhất quán. Người tiêu dùng vẫn đang phải phấp phỏng mỗi giờ, mỗi ngày. Nhiều người vẫn phải lo kiểu “một mâm cơm có 5 bộ ngành quản lý nhưng không thể đảm bảo sạch và ngon”! Chừng nào họ còn phải phấp phỏng như thế, quyền thực chất của người tiêu dùng vẫn là một sự mong manh.
Vũ Thượng