Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là không thể xem xét lại?

* Tránh công chức hóa Hội thẩm nhân dân

* Tránh công chức hóa Hội thẩm nhân dân

(SGGPO).- Trong khuôn khổ phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 14-7, Ủy ban đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Liên quan đến nội dung phát triển án lệ, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội để thể chế hóa chủ trương nghiên cứu phát triển án lệ đã được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, dự thảo luật đã được sửa lại như sau: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án phát triển thành án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Về hiệu lực Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, quy định “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”. Khi có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới thì quyết định này vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.

Người đứng đầu UBTP cũng cho biết, về cơ chế quản lý Hội thẩm nhân dân. Thường trực UBTP nhận thấy cách làm hiện nay mang tính hình thức, không phù hợp với vị trí, vai trò của Hội thẩm nhân dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Để khắc phục bất cập hiện hành cũng như tránh tình trạng “công chức hóa Hội thẩm nhân dân”, phát huy vai trò tự quản, tích cực của Đoàn Hội thẩm, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, theo đó quy định Hội thẩm được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm tổ chức và hoạt động theo quy chế do UBTVQH quy định. Tòa án có trách nhiệm phân công Hội thẩm tham gia xét xử phù hợp với năng lực của họ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường công tác giám sát hoạt động của Hội thẩm. Về việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân, Thường trực UBTP đề nghị không thành lập Tòa giản lược trong Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực…

Góp ý về dự thảo Luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý đến phạm vi xét xử của Tòa án quân sự. Ông Lý cho rằng, không nên quy định mọi vụ án do quân nhân gây ra trong thời gian tại ngũ đều do Tòa án quân sự giải quyết, như thế là quá rộng. Hợp lý hơn, cần khoanh lại trong phạm vi các vụ việc có liên quan đến bí mật quân sự hay do quân nhân tại ngũ gây ra trong khu vực doanh trại, đơn vị quân sự…

Bày tỏ quan tâm đến giá trị pháp lý tối cao của Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cho rằng, cách tiếp thu, thể hiện như dự thảo luật vẫn chưa dứt khoát. Nếu đã xem quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất thì các luật về Tố tụng phải sửa, không đặt ra “trường hợp đặc biệt”, kéo dài mãi quá trình xét xử, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tham dự phiên họp, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương đồng tình với quan điểm này. Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vẫn băn khoăn: “Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm quyền con người, nếu có tình tiết mới có lẽ vẫn phải có cách thức để xem xét lại”.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì đề nghị nên thành lập tòa giản lược và áp dụng cơ chế giải quyết giản lược đối với một số loại án, đặc biệt là các vụ án tranh chấp lao động. “Cơ chế giản lược rất hữu hiệu trong nhiều trường hợp, ví dụ trả lương cho người lao động dưới mức lương tối thiểu hay làm thêm quá 200 giờ, không có gì phức tạp mà cứ lòng vòng mãi không tuyên được, khiến người lao động đành cam chịu mà không khởi kiện”, bà Mai nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh lưu ý, không nhất thiết phải thành lập Tòa giản lược như một tổ chức nữa trong hệ thống Tòa án nhân dân, mà các tòa chuyên ngành vẫn có thể xử theo thủ tục rút gọn đã được quy định trong pháp luật hiện hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chia sẻ ý kiến này. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục