Quyết liệt đẩy lùi tham nhũng

Ngày 8-3, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì Hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng năm 2016. Phát biểu của đại diện các sở ngành, quận huyện tại hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận kết quả của công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua còn nhiều hạn chế, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lấy lại niềm tin trong nhân dân…
Quyết liệt đẩy lùi tham nhũng

Ngày 8-3, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì Hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng năm 2016. Phát biểu của đại diện các sở ngành, quận huyện tại hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận kết quả của công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua còn nhiều hạn chế, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lấy lại niềm tin trong nhân dân…

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị

Khó phát hiện, xử lý tham nhũng

Đó là một trong những nội dung đánh giá được đồng chí Trần Thế Lưu, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM đưa ra trong phần tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2015. Cụ thể, ngành thanh tra TP thực hiện 214 cuộc thanh tra tại hơn 400 đơn vị và đã phát hiện sai phạm về kinh tế là hơn 90 tỷ đồng, thu hồi ngân sách nhà nước gần 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ phát hiện được 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khởi tố 3 vụ với 40 bị can. Công tác xét xử phần lớn là các vụ án từ các năm trước với 25 vụ, 105 bị cáo. Kết quả này không phản ánh đúng thực trạng tham nhũng đang ở mức phức tạp và nghiêm trọng.

Đồng ý với đánh giá trên của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Phó Giám đốc Công an TP - Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, các vụ án tham nhũng phát hiện sau thường lớn hơn các vụ trước với thiệt hại tài sản nhà nước cũng lớn hơn. Phần lớn vụ tham nhũng phát hiện từ các vụ án kinh tế, ngành công an không phát hiện được do đối tượng tham nhũng đều là cán bộ, đảng viên, muốn kiểm tra, giám sát phải được luật cho phép. Các bản kê khai tài sản hàng năm nộp về cấp ủy đều cất vào ngăn kéo, các ngành nội chính không tiếp cận được để theo dõi, phát hiện dấu hiệu bất minh nguồn gốc tài sản và thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ diện thành phố quản lý.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, các lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại, tài chính… tiềm ẩn tham nhũng nhiều nhất hiện nay, chiếm đến hơn 50% trong các vụ án kinh tế bị phát hiện cần được tập trung đấu tranh. Trong đó điển hình là vụ án Lê Dũng và đồng phạm “Buôn lậu”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” có 32 cán bộ hải quan.

Nhiều dấu hiệu sai phạm đất đai tại huyện Hóc Môn   

Trong báo cáo tham luận, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Cư đã làm hội nghị “nóng” lên khi cho biết công tác quản lý đất đai trên địa bàn thời gian qua là hết sức phức tạp, có nhiều dấu hiệu sai phạm và tình trạng lợi ích nhóm xảy ra ngay trong bộ máy chính quyền. Là người đứng đầu cấp ủy huyện Hóc Môn, ông đã chủ động kiểm tra và phát hiện tình trạng này ở các xã trên địa bàn. Trong đó nổi lên là việc lợi dụng chủ trương của UBND TPHCM cho tách thửa, phân lô thực hiện các phương án đầu tư kết cấu hạ tầng khu dân cư, UBND huyện đã chỉ đạo rầm rộ triển khai hơn 200 dự án, có xã đến 50, 60 dự án làm phá vỡ quy hoạch, gây bất ổn trong công tác quản lý đất đai. Chính ông đã yêu cầu Thường trực UBND huyện làm rõ và sau đó báo cáo Thường trực Thành ủy để có biện pháp xử lý. Thế nhưng, sau đó Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện lại tổ chức họp Thường trực UBND và ra văn bản phản bác lại chỉ đạo của ông, cho rằng ông gây mất đoàn kết nội bộ, sau đó lôi kéo cán bộ khối chính quyền từ huyện đến các xã cô lập ông.

“Nói là trách nhiệm người đứng đầu, nhưng khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, chỉ đạo kiểm tra, xử lý thì bị chính đối tượng kiểm tra phản ứng, tìm cách ngăn cản. Tại hội nghị này, tôi kiến nghị Thường trực Thành ủy sớm kết luận làm rõ đúng sai, có mất đoàn kết nội bộ giữa Bí thư với Chủ tịch huyện và tập thể Thường trực UBND hay không; việc thực hiện phân lô, tách thửa UBND huyện thực hiện đúng hay sai? Tại hội nghị này, tôi khẩn thiết kiến nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo cơ quan điều tra đẩy mạnh điều tra những vụ việc mà tôi đã báo cáo, nếu phát hiện sai phạm phải làm tới nơi tới chốn, xử lý nghiêm theo pháp luật” - Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Cư báo cáo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng và toàn thể hội nghị.

Cung cách quản lý chưa hiệu quả, chưa vì dân

Đó là nhận định của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trong phần kết luận hội nghị. Lấy câu chuyện về đấu thầu giá thuốc ở các bệnh viện công hiện nay được đồng chí Đinh La Thăng cho là điển hình của sự vô lý, khi giá thuốc mà các bệnh viện cung cấp cho người bệnh lại do Sở Y tế tổ chức đấu thầu với giá cao hơn thị trường. “Không thể để tình trạng tiền của bệnh viện lại đưa lên Sở Y tế đấu thầu được. Bệnh viện huyện Củ Chi mới nhắn tin cho tôi, bệnh viện xây dựng 3 năm nay rồi chưa xong vì chưa đấu thầu được thiết bị. Đấy là lãng phí và có tiêu cực ở đây hay không? Tại sao 43 bệnh viện tư nhân họ không đấu thầu mà họ mua được thuốc giá thấp phục vụ dân? Rõ ràng, trong tổ chức, bộ máy của chúng ta cung cách quản lý chưa hiệu quả, chưa vì người dân. Tôi yêu cầu chậm nhất đến tháng 4 phải trả lại sự tự chủ cho các bệnh viện. Sở Y tế cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường giám sát. Hay ở hải quan, sáng nay có doanh nghiệp báo với tôi, có thiết bị nhập về chỉ cần cái máy áp vào kiểm tra là xong, lại bắt tháo ra từng bộ phận đem đi giám định theo chỉ định của hải quan. Cái này là tiêu cực, tham nhũng hay lãng phí? Có doanh nghiệp kêu với tôi, để tụi tôi mất chi phí nhưng làm sao phải làm nhanh hơn. Làm sao bộ máy chính quyền lại để tình trạng như vậy? Các cơ quan đừng nghĩ tham nhũng ở chỗ khác, mà luôn luôn rà soát, kiểm tra chính đơn vị mình có tham nhũng, tiêu cực không…” - đồng chí Đinh La Thăng nói.

Để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, đồng chí Đinh La Thăng đề nghị cấp ủy, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện cần tập trung vào nhóm 7 giải pháp. Trong đó, tập trung phân tích sâu thực trạng, nguyên nhân để đề ra giải pháp phù hợp cho đơn vị mình; đề cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; đề cao tính gương mẫu, dám chịu trách nhiệm về những yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng ở từng đơn vị; tăng cường kiểm tra, tự phát hiện của từng đơn vị và công tác giám sát của các tổ chức đoàn thể; nâng cao vai trò, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên.

“Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương tính gương mẫu, tính liêm khiết và đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng phải được thực hiện ngay trong mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và đấu tranh trong mỗi cán bộ, đảng viên. Do vậy, các cấp ủy Đảng phải thường xuyên giáo dục công tác chính trị tư tưởng cho đảng viên, rèn luyện đạo đức cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; thực hiện công khai minh bạch trên các lĩnh vực để góp phần phòng ngừa và đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” - đồng chí Đinh La Thăng kết luận.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục