Đến thời điểm này, bức tranh kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2012 đã được nhận diện một cách đầy đủ với nhiều nhận định tích cực.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 và hội nghị hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Bộ KH-ĐT vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Những kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tái cơ cấu kinh tế, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Cụ thể, tính chung cả năm 2012, GDP ước đạt 5,4% - 5,7%. Chính phủ có cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7% - 8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.
Tuy vậy, những tín hiệu tích cực đó vẫn chưa làm chúng ta yên tâm khi tình hình kinh tế-xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; lạm phát có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành; khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay, nhất là với khối nợ xấu đang đè nặng lên vai doanh nghiệp. Không chỉ thế, từng ngành, từng lĩnh vực vẫn đang đứng trước nhiều thách thức không dễ giải quyết một sớm một chiều. Tương quan giữa những điểm thuận lợi và thách thức của bức tranh kinh tế trong thời gian tới vẫn tương đương nhau, nếu không muốn nói là khó khăn vẫn bao trùm.
Những bất ổn của nền kinh tế đã được chỉ ra rất rõ, điều còn lại là chúng ta phải chung sức, đồng lòng để giải quyết những bất ổn đó. Trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng cho biết, cả nền kinh tế sẽ phải phấn đấu quyết liệt mà nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Hiện Chính phủ chưa đặt ra chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà trong những tháng cuối năm 2012 vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Cái khó là tập trung thúc đẩy, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.
Hiện nay, nổi lên rõ nhất vẫn là khó khăn của doanh nghiệp thiếu vốn, hàng tồn kho nhiều. Bởi thế, Ngân hàng Nhà nước cần phải tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Dù Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giải quyết nợ đọng cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về vốn, nhưng xã hội đang trông chờ ngân hàng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề này, không để doanh nghiệp phải đợi lâu. Việc xử lý nợ xấu không nên chỉ chờ đợi vào các giải pháp mang tính dài hạn mà phải áp dụng cả các giải pháp mang tính ngắn hạn và phải triển khai ngay lập tức. Mặt khác, hiện nay chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần nhưng chưa nhiều, vì vậy cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giải quyết hàng tồn kho, nhất là qua xúc tiến thương mại ở thị trường ngoài nước và thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong 6 tháng cuối năm, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đạt 22.000 tỷ đồng/tháng như Bộ Tài chính công bố, đồng thời đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp nhờ tăng tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ là nguồn cầu lớn tạo tăng trưởng mà vẫn bảo đảm không gây lạm phát cho năm sau. Nhưng với điều kiện là phải đẩy mạnh đầu tư từ quý 3. Ngoài ra, để kích cầu nền kinh tế, cần đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư nhỏ ở nông thôn (có thể dùng sắt thép, xi măng). Lúc đó kinh tế, việc làm, thu nhập sẽ được đẩy lên hơn. Nếu làm được vậy, bức tranh 6 tháng cuối năm 2012 sẽ có nhiều khởi sắc.
Giải pháp Chính phủ đưa ra không thiếu. Chính phủ cũng đã chỉ rõ việc cho từng bộ, ngành. Mọi phân tích, dự báo đến nay rất nhiều, có trọng lượng. Vấn đề giờ đây là điều hành của Chính phủ phải quyết liệt hơn và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương, cụ thể hơn, làm nhiều hơn nói, tập trung lo làm ăn thay vì than vãn để sớm giải quyết những bất ổn hiện nay. Ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng cho rằng, trong 2 - 3 năm tới, nếu không thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế, đó sẽ là khó khăn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam chứ không phải là sự khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Và đó cũng là điều mà các chuyên gia kinh tế luôn đề cập đến trong khuyến cáo được đưa ra đối với công tác điều hành của Chính phủ.
PHAN THẢO