Quyết liệt hay du di

Việt Nam đã giành được quyền đăng cai vòng đấu bảng AFF Cup 2014 (cùng với Singapore), một tin vui, nhất là sau khi chúng ta vừa thất bại thảm hại tại AFF Cup 2012. Đây là lần thứ tư Việt Nam nhận được quyền đăng cai trong 10 lần tổ chức của giải vô địch Đông Nam Á, điều đó cho thấy uy tín cũng như trình độ tổ chức các sự kiện lớn của Việt Nam được đánh giá cao, nhất là trước đó chúng ta đã giành quyền đăng cai Asiad 2019.

Xét về chuyên môn, đây là cơ hội để bóng đá Việt Nam lấy lại thể diện sau thất bại tại AFF Cup 2012. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức và ở thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện tại, cũng chưa vội vui mừng. Nói đâu xa, lần đăng cai gần nhất tại AFF Cup 2010, đội tuyển Việt Nam cũng không có kỳ giải thành công dù khi đó chúng ta đang là đương kim số 1 Đông Nam Á.

Trong khi đó, hiện tại còn tồi tệ hơn. Sau thất bại ở Thái Lan cuối năm rồi, đến nay đội tuyển quốc gia vẫn chưa định hình chiến lược phát triển khi quá trình trẻ hóa đội tuyển đang thực hiện nửa vời, HLV trưởng vẫn chưa chính thức và LĐBĐ Việt Nam đang phải chọn phương án an toàn nhất là giao quyền cho HLV nội với mục tiêu HCV SEA Games 27 vào cuối năm nay chứ chưa có một tính toán dài hạn nào cho AFF Cup 2014. Nói cách khác, muốn làm gì còn tùy thuộc vào thành tích tại SEA Games 27. Thất bại (nếu có) sẽ khiến cho mọi thứ thay đổi chóng vánh và điệp khúc “làm lại” sẽ được vang lên.

Thành ra, nhận được quyền đăng cai AFF Cup 2014 chỉ đơn thuần là một tin vui chứ chưa hẳn đã là cơ hội. Theo lẽ thường, khi biết mình sẽ có lợi thế sân nhà, việc đầu tiên là phải chuẩn bị để tận dụng cơ hội ấy ngay từ bây giờ khi chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa. Nếu chúng ta đang có một nền tảng vững vàng hay một đội tuyển đang mạnh thì chẳng nói làm gì, đằng này, hiện trạng bóng đá Việt Nam có thể nói là ngổn ngang, mất phương hướng.

Đội tuyển quốc gia thiếu hụt nhân lực trầm trọng đến mức phải dùng cả cầu thủ Việt kiều. Các giải bóng đá nội địa thì “tan hoang” như sau một cơn siêu bão. Đã thế, ngay từ giai đoạn đầu của mùa giải, hàng loạt “căn bệnh” cũ vẫn chưa có thuốc trị. Mới qua 3 vòng đấu, đã có ít nhất 5 vụ phản ứng trọng tài, 1 quan chức, 1 cầu thủ, 1 trọng tài bị kỷ luật. Chưa hết, Ban Tư vấn đạo đức vừa mới thành lập đã kiến nghị hàng loạt vấn đề tiêu cực, cần giải quyết sớm.

Nói cách khác, tưởng sau thời kỳ “giá trị ảo” thì mọi thứ sẽ đi vào khuôn khổ nhưng trên thực tế, mọi thứ vẫn như cũ nếu không nói tình trạng bạo lực sân cỏ và tiêu cực trong thi đấu còn trầm trọng hơn. Có người ví von, bóng đá là một “con bệnh” mà càng mổ lại càng phát sinh thêm nhiều bệnh khó chữa khác.

Rõ ràng việc đăng cai AFF Cup 2014 là một cơ hội quá nhỏ bé so với những thách thức lớn lao mà bóng đá Việt Nam đang đối diện. Thế nên, cơ hội để lấy lại thể diện ấy lớn hay nhỏ nằm ở chỗ chúng ta giải quyết những thách thức mau hay chậm, quyết liệt đến cùng hay lại du di, thỏa hiệp để tìm sự an toàn. Hy vọng tháng 6 tới, đại hội VFF nhiệm kỳ 7 sẽ có một đội ngũ mới, dũng cảm và nhiều nhiệt huyết cải tổ bóng đá Việt Nam để còn kịp biến thách thức thành cơ hội tại AFF Cup 2014. 

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục