Quyết liệt hơn để giữ rừng

Những trận lũ lụt kinh hoàng vừa qua ở miền Trung, miền Bắc đã thêm một lần nữa cho thấy hậu quả nặng nề của tình trạng mất rừng, đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên. Vậy nhưng, hơn một năm sau khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng, bên cạnh những tín hiệu vui, những chuyển động tích cực, thì chúng ta cũng phải đón nhận những tin không vui. 
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp. Hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn liên tiếp bị phanh phui. Trong đó, nóng nhất là tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Điện Biên, Bắc Kạn… Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, trong 9 tháng năm nay, cả nước xảy ra 1.697 vụ phá rừng, tuy có giảm 118 vụ (7%) so cùng kỳ năm 2016, nhưng đó vẫn là con số không hề nhỏ. Riêng tại Tây Nguyên xảy ra 757 vụ phá rừng, tăng 88 vụ; diện tích rừng bị thiệt hại 418ha, tăng 145ha (53%) so cùng kỳ năm 2016. 
Điều đáng nói là, nhiều vụ phá rừng xảy ra trong thời gian dài nhưng chính quyền các cấp không phát hiện, xử lý kịp thời. Thâm chí nhiều nơi có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay phá rừng, gây bức xúc trong dư luận. Tại hội nghị toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng diễn ra ngày 14-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gay gắt đặt câu hỏi: “Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng nhưng nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà chúng ta không biết, liệu có tiêu cực không?”.
Câu hỏi đó của Thủ tướng đã xoáy đúng vào thực trạng quản lý bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, bất cập trong thời gian qua; đồng thời đặt ra yêu cầu đối với các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn để giữ rừng.
Đóng cửa rừng tự nhiên không chỉ dừng lại ở vấn đề ngăn chặn nạn phá rừng, mà cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích rừng tự nhiên sang các mục đích khác, vì trên thực tế, đây mới là nguyên nhân chính làm diện tích rừng tự nhiên ngày một thu hẹp. Theo Bộ NN-PTNT, việc chuyển đổi mục đích rừng tại một số địa phương còn chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu cân nhắc đầy đủ lợi ích trước mắt và lâu dài một cách khoa học, nên trong 5 năm qua, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng tại các dự án chiếm đến 89% diện tích rừng giảm. Ngay cả thời điểm hiện tại, khi đã có chủ trương đóng cửa rừng, thì một số địa phương vẫn tiếp tục xin chuyển mục đích rừng tự nhiên để triển khai dự án. Bộ NN-PTNT cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, xem xét kỹ trước khi tham mưu Thủ tướng Chính phủ, theo chủ trương chỉ cho chuyển đổi để triển khai các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh và có yêu cầu bức thiết về phát triển kinh tế - xã hội. Nếu dễ dãi, sẽ xảy ra tình trạng các địa phương lại đua nhau “kể khó” để xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. 
Cùng với các giải pháp mang tính “đóng” đó, cần “mở” ra các chính sách để phát triển nghề rừng, đảm bảo hoạt động của các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến gỗ và giải quyết sinh kế cho cộng đồng dân cư sống gần rừng. Đó là, tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lâm nghiệp được liên doanh, liên kết, định giá, giao vốn, vay vốn… trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Riêng các công ty lâm nghiệp hoạt động công ích, cần ban hành đơn giá dịch vụ công ích quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo kinh phí để các công ty hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; hoặc chuyển những công ty này thành đơn vị sự nghiệp, thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Nhân rộng phương thức “đồng quản lý rừng” để thu hút cộng đồng, hộ gia đình sống gần rừng cùng bảo vệ và tiếp cận, chia sẻ các lợi ích hợp pháp và bền vững từ rừng.

Tin cùng chuyên mục