* Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Nóng” quản lý vàng, nợ xấu
(SGGPO).- Sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp tục phần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ngoài những nhóm vấn đề đã được nêu, ông Dũng nhận thêm câu hỏi về tình trạng tham nhũng trong ngành xây dựng cũng như tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Đề nghị đại biểu Quốc hội hiến kế cùng hỗ trợ doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi còn “treo” từ cuối chiều qua về các doanh nghiệp “ốm yếu” trong ngành, Bộ trưởng cho biết, không chỉ chịu tác động của tình hình kinh tế khó khăn chung, các doanh nghiệp trong ngành này còn đang gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư nợ đọng, chậm thanh quyết toán các công trình xây dựng cơ bản. Bộ đang tập trung phân loại nợ để có giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp. Tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp trong ngành cũng được xúc tiến, theo hướng chú trọng những ngành nghề chính, thoái vốn khỏi ngành nghề phụ, sắp xếp tổ chức, bố trí nhân sự, tăng cường thanh kiểm tra… “Các con số cụ thể khá dài, Bộ sẽ có báo cáo riêng gửi đại biểu. Mong các đại biểu đóng góp sáng kiến cùng chúng tôi tháo gỡ cho doanh nghiệp”, ông Trịnh Đình Dũng phát biểu.
Câu hỏi về quy hoạch các dự án xi măng cũng như hiệu quả hoạt động của các dự án trong ngành này cũng đã được Bộ trưởng Xây dựng giải đáp khá cặn kẽ. Theo đó, một số dự án xi măng do vốn chủ sở hữu thấp, lãi vay cao, nên chi phí lớn. Đặc biệt, sản xuất xi măng không phải thế mạnh của các doanh nghiệp dạng này, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành xi măng với nhiều giải pháp phù hợp: thoái vốn nhà nước để bán cổ phần hoặc cả doanh nghiệp cho các nhà đầu tư có tài chính và kinh nghiệm, kể cả đầu tư nước ngoài; hoặc sáp nhập vào doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất xi măng… Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị tổ chức tín dụng trong nước giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nhóm giải pháp cho vấn đề này đã khá rõ, song đề nghị Bộ trưởng cho biết thời hạn giải quyết dứt điểm. Bộ trưởng Dũng cho biết, năm 2013 ngành sẽ tập trung thực hiện quyết liệt công việc này, dự kiến năm 2015 cổ phần hóa xong.
Đáng lưu ý, trong phần trả lời về các giải pháp giải cứu thị trường bất động sản, sau khi nhất trí với gợi ý về mô hình 3+1 của đại biểu Trần Du Lịch, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng một lần nữa nhấn mạnh: “Không chỉ doanh nghiệp nỗ lực, không chỉ là các bộ ngành và địa phương cố gắng, mà để những giải pháp của Chính phủ phát huy hiệu quả tốt còn cần có sự ủng hộ của Quốc hội nữa”.
Chưa tích nước, người dân huyện Trà My yên tâm ở đó!
Trả lời đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về công trình thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, các quy trình kiểm tra chất lượng đối với công trình đã được tuân thủ nghiêm túc. Khi phát hiện có tình trạng thấm nước, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã cùng các bên liên quan xử lý thấm, hiện giờ còn khoảng 3 lít/s, so với các đập lớn tương tự thì mức độ thấm như vậy là ít nhất. Ngay khi xảy ra động đất và rung chấn trong khu vực, Hội đồng đã yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn khác để đánh giá thật khách quan chất lượng công trình. Tới nay, tư vấn Colenco (Thụy Sĩ) kết luận đập an toàn và có khả năng chịu đựng động đất cao hơn mức dự báo của Viện Vật lý địa cầu (là 5,5 độ richte). Gần đây các trận động đất và chấn rung xảy ra trong khu vực đều nhỏ hơn mức này, nhưng do người dân vẫn lo lắng nên Chính phủ quyết định chưa cho tích nước; yêu cầu mời tư vấn có kinh nghiệm về địa chất đánh giá toàn diện một lần nữa.
Ông Dũng cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ đó, các nhà địa chất Nga đã đến Sông Tranh từ hôm Chủ nhật vừa rồi, sắp tới sẽ có thêm các chuyên gia Ấn Độ và Nhật Bản, sẽ đánh giá toàn diện để khẳng định động đất khu vực này có thể vượt 5,5 độ ríchte hay không. Khi bà con yên tâm thì mới tích nước. Nếu xảy ra sự cố thì các cơ quan có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Hướng vị Bộ trưởng đến một tuyên bố dứt khoát hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hai lần yêu cầu thẳng thắn: “Đề nghị Bộ trưởng tuyên bố dứt khoát cho dân là nên ở đó hay đi”. Ông Trịnh Đình Dũng đáp: “Nếu mức nước giữ như hiện nay thì bà con cứ yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết. Ở mức đó thì công trình gần như tuyệt đối an toàn”.
Đại biểu Ngô Văn Minh phản hồi khá mạnh mẽ: “Vẫn còn những nhà khoa học của chính chúng ta bảo không yên tâm, mà người dân thì cũng phải ở đó chứ đi đâu được?! Có nên có phụ cấp “độc hại” cho dân, khi người ta sống trong sợ hãi, không yên tâm làm ăn sinh sống”?
“Gút” lại phiên chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ trong phần trả lời của mình sẽ có ý kiến thêm về vấn đề này.
Tham nhũng trong ngành xây dựng, xử lý thế nào?
Đây là câu hỏi mới được đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) nêu ra gần cuối phiên chất vấn đối với người đứng đầu ngành xây dựng. Ông cho rằng căn nguyên sâu xa của những vụ sập cầu, đổ nhà… chính là do thông đồng, rút ruột công trình.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng công nhận, thực tế này có một trong những nguyên nhân là do năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ. Công tác kiểm tra, phát hiện của người dân và các cơ quan chức năng là hết sức quan trọng để nhận diện, xử lý nghiêm tham nhũng...
Về triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, ông Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đang sát cánh cùng chính quyền Thủ đô trong việc xây dựng 17 quy hoạch phân khu, “chưa bao giờ cùng một lúc làm nhiều như thế”. Các quy hoạch chuyên ngành khác như điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải… cũng đang được nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung. Ông đề nghị có Ban Quản lý thực hiện Quy hoạch Thủ đô chịu trách nhiệm làm nhạc trưởng khớp nối các dự án, đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… thực hiện quyết liệt hơn nữa việc cơ cấu lại toàn diện từ doanh nghiệp đến thị trường và cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản nhằm hâm nóng thị trường này. Ông đặt câu hỏi về quyết tâm của Bộ trưởng, nhưng cũng là giao nhiệm vụ: “Năm 2013 thị trường sẽ có chuyển biến ấm lên, chất lượng công trình được đảm bảo, không chỉ là các công trình thủy điện, thủy lợi lớn, mà cả các công trình nhỏ từ trường học, trụ sở cho đến hê thống nhà kho, cầu đường bến bãi… Muốn vậy, phải tăng cường kiểm soát chuyên môn về chất lượng xây dựng, kể cả tiền kiểm lẫn hậu kiểm; đặc biệt chú trọng đến hoạt động đấu thầu để lựa chọn được nhà thầu tốt”…
ANH PHƯƠNG
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Nóng” quản lý vàng, nợ xấu
Quản lý thị trường vàng ra sao, xử lý nợ xấu thế nào, giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh… là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sáng nay, 13-11. Dù Thống đốc Nguyễn Văn Bình dành thời gian khá dài để trả lời với rất nhiều lập luận, số liệu dẫn chứng, nhưng trong số 4 đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi, có tới 3 đại biểu tỏ ra chưa hài lòng và tiếp tục chất vấn thêm.
Chất vấn đầu tiên với 4 câu hỏi liên quan tới thị trường vàng, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đã khiến Thống đốc Nguyễn Văn Bình dùng tới gần 1 giờ đồng hồ để trả lời. Về băn khoăn của đại biểu khi có sự chênh lệch khá lớn của giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, Thống đốc cho biết trước đây mỗi khi giá vàng trong nước biến động, chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới thường dẫn tới biến động về kinh tế vĩ mô bởi tình trạng nhập lậu vàng. Khi đó, ngoại tệ sẽ bị vơ vét để nhập lậu, gây ảnh hưởng tới tỷ giá, tới ổn định kinh tế vĩ mô (xuất nhập khẩu, lạm phát…).
Ngoài ra, mỗi lần giá vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước phải cho nhập khẩu để bình ổn giá cũng gây tác động không nhỏ tới nguồn ngoại tệ trong nước. Chính vì thế, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định 24 quy định rất cụ thể cho mọi lĩnh vực kinh doanh vàng và Nghị định 95 về xử lý hành chính trong kinh doanh vàng và ngoại tệ với chế tài xử phạt rất cao. Vì thế, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, từ khoảng tháng 4-2012 trở lại đây hoạt động nhập lậu vàng đã bị chặn đứng, tình trạng “chảy máu ngoại tệ” theo vàng cũng không còn. Và dù giá vàng thế giới có lúc rẻ hơn giá vàng trong nước vài triệu đồng nhưng cũng không gây ảnh hưởng tới tỷ giá, không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. “Nhà nước không cấm kinh doanh vàng miếng, nhưng xác định đây là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích. Giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới nhưng không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Vì thế, không có lý do gì để Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá vàng” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Về giải pháp huy động vàng trong dân, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ước tính trong dân hiện còn khoảng 250-400 tấn vàng, và nếu chỉ khai thác được 300 tấn vàng là đã có khoảng 15 tỷ USD đưa vào sản xuất kinh doanh. Từ khi Nghị định 24 có hiệu lực đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua từ dân khoảng hơn 60 tấn vàng, có nghĩa là vàng đã được biến thành tiền phục vụ quốc kế dân sinh (tương đương khoảng 3 tỷ USD).
Trả lời của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) về lý do Ngân hàng Nhà nước không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trước đây vàng được coi là loại hàng hóa bình thường, do đó không có cơ quan nào quản lý chất lượng: “Cũng chính vì lý do này mà Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng Nghị định 24, từ đó lấy cơ sở để chuẩn hóa chất lượng vàng”. Quá trình chuẩn hóa này, theo Thống đốc được bắt đầu từ việc lấy SJC, thương hiệu đang chiếm khoảng 90% vàng miếng trên thị trường làm chuẩn. “Khi thị trường ổn định, cũng không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình, cho lưu hành song song trước khi quy chuẩn hóa về một loại” – Thống đốc cho biết.
Về việc dập vàng miếng từ thương hiệu khác về SJC, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thắc mắc rằng mức giá 50.000 đồng/lượng hiện quá cao so với con số 7.000 - 8.000 đồng trước đây. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, ông chưa bao giờ nhận được số liệu nào liên quan đến mức giá 7.000 - 8.000 đồng. Trong khi đó, mức 50.000 đồng nêu trên là do Ngân hàng Nhà nước “tính đúng, tính đủ”, chứ không phải do doanh nghiệp tự đặt ra.
Về các giải pháp xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, tính đến 30/9/2012, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng ở mức 4,93%, còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì ở khoảng 8,82%. Sau khi lần đầu tiên trong lịch sử công bố con số nợ xấu theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp xử lý cũng đã được triển khai và có được kết quả ban đầu.
Cụ thể, theo giải pháp cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn tạm thời (với Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước), từ tháng 4/2012 đến tháng 6/2012 đã có khoảng 36.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại; đến 30/9/2012 thì quy mô đã tăng rất mạnh với khoảng 252.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ của nền kinh tế, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện khoảng hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tức khoảng 8 - 9% nợ đã được xử lý như vậy.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá là đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tốt hơn. Từ đầu năm đến nay, lượng trích lập mới tăng lên khoảng 14.000 tỷ đồng, đưa tổng trích lập dự phòng rủi ro lên xấp xỉ 75.000 tỷ đồng. Qua đó, đến nay các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 12.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng.
Ngoài ra, Thống đốc cho rằng với Chỉ thị số 06 mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, việc trích lập dự phòng sẽ được thực hiện quyết liệt hơn bởi khi chưa trích lập đủ dự phòng, các ngân hàng thương mại không được chỉ trả cổ tức, không được tăng lương thưởng.
Liên quan đến vấn đề khơi thông tín dụng để đưa vốn ngân hàng vào sản xuất kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết việc quyết liệt xử lý nợ xấu là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó là giải pháp về vấn đề lãi suất. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng, đưa từ mức 15% xuống còn 9%/năm. Lãi suất cho vay cũng giảm theo nhưng còn chậm. Trước 15-7-2012, dư nợ có lãi suất trên 15%/năm chiếm tới 60%-70%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 20%.
Trần tình về việc doanh nghiệp kêu ca khó tiếp cận vốn tín dụng, người đứng đầu ngành ngân hàng nói lâu nay quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng giống như “con gà và quả trứng”, doanh nghiệp cần ngân hàng và ngân hàng cũng cần doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngân hàng cần phải tìm doanh nghiệp tốt để cho vay ra. “Quan hệ như vậy nên có khi lễ tết doanh nghiệp gửi quà cho ngân hàng (không phải là tham nhũng), nhưng cũng có khi ngân hàng gửi quà cho doanh nghiệp là những khách hàng tốt của mình” – Thống đốc chia sẻ. Nghe tới đây, chủ tọa phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc: “Có chuyện quà đi, quà lại nhưng vấn đề là doanh nghiệp đang không tiếp cận được vốn ngân hàng. Thống đốc cần lưu ý vấn đề này”.
Chiều nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội.
HÀM YÊN