Quyết liệt hơn trong cải cách hành chính

Chính phủ nhiệm kỳ mới đi vào hoạt động chưa bao lâu nhưng có thể thấy rõ nỗ lực của Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã quyết liệt trong ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Dù có nhiều nỗ lực như vậy, nhưng trên thực tế, cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương. Còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc. TTHC trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều nơi người dân vẫn ca thán TTHC “hành là chính”.

Cùng với đó, kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai. Lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn… Tất cả những điều này đang đòi hỏi Chính phủ, bộ máy chính quyền các cấp, từng bộ ngành phải tăng tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, cải cách TTHC để thực sự có một bộ máy hành chính kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Khi giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh tinh thần làm việc của Chính phủ là phát triển doanh nghiệp, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, kiến tạo phát triển, liêm chính và chăm lo đời sống nhân dân. Chính phủ quyết tâm xây dựng hệ thống chính sách minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của nhân dân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Tất cả phải hướng đến hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy công quyền phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt nhất.

Để làm được điều đó, chắc chắn phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có cải cách TTHC. Bởi lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp luôn cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những nút thắt phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh.

Dự án luật này dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật hiện hành, bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy - Chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở. Trong đó, dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề, bổ sung 14 ngành nghề. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ còn 214 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 53 ngành nghề so với luật hiện hành. Trước động thái quyết liệt này của Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thậm chí đề nghị mỗi năm Chính phủ đề xuất Quốc hội một luật sửa đổi nhiều luật để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bảo đảm quản lý nhà nước, không buông lỏng quản lý nhưng phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và quản lý theo quy luật thị trường, trong đó nhất định phải cải cách TTHC. Rõ ràng, nếu không khẩn trương và mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nếu để quá lâu những cản trở do TTHC hiện nay mang lại có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến tăng trưởng. Nhưng để đạt tới các mục tiêu đề ra, từng bộ phận trong bộ máy hành chính phải đổi mới mạnh mẽ, cải tiến lề lối làm việc, hành động bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá, tạo chuyển biến và hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước cũng như vai trò chủ động của từng cấp, từng ngành. Cùng với đó, các bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; minh bạch quy chế xử lý văn bản trên môi trường mạng. Từng bộ ngành, địa phương phải quyết liệt cải cách TTHC, xây dựng chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp để giảm thời gian và chi phí thực hiện cho người dân, doanh nghiệp…

Để cải cách hành chính thành công, người dân cũng mong Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương. Chú ý đổi mới công tác tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ công chức, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm tiêu chí để thực hiện chính sách cán bộ. Thực thi các giải pháp, biện pháp mạnh mẽ, nhất là quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai hiệu quả cải cách hành chính; sớm chấn chỉnh đội ngũ cán bộ tác nghiệp trực tiếp liên quan về thủ tục đầu tư kinh doanh, đất đai, tín dụng, hải quan, thuế… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thiết thực. Chỉ khi tạo được những chuyển biến căn bản như vậy, cải cách hành chính mới thực sự hiệu quả, mới có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng. Bằng không, mọi quyết tâm cải cách sẽ chỉ nằm... trên giấy!

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục