Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 11-2011 chỉ tăng ở mức thấp so với mức tăng trung bình từ đầu năm tới nay. Cụ thể, CPI tháng 11-2011 so với tháng trước tăng 0,39%, so với đầu năm 2011 tăng 17,5%. So với tháng 10-2011, nhiều địa phương đã kiềm chế giá rất tốt, đã góp phần làm CPI tăng thấp; đơn cử như Hà Nội chỉ tăng 0,29%, TPHCM tăng 0,28%, Thái Nguyên tăng 0,21%, Hải Phòng tăng 0,27%... Đó là kết quả tích cực, cho thấy các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường Chính phủ triển khai đang có tác động hữu hiệu.
Cần nhắc lại, ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Sau 11 tháng thực hiện, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng: Lạm phát giảm dần, nhất là từ tháng 8 trở lại đây; kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực; sản xuất, kinh doanh tiếp tục được duy trì và phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế với những diễn biến khó lường, thiên tai, bão lũ vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường, phức tạp, đe dọa tác động đến nền kinh tế, nhất là khả năng thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. CPI tuy đã giảm nhưng nếu không thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng, nhất là ở những vùng bị tác động của thiên tai, dịch bệnh thì việc bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường là một thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, khoảng thời gian cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới luôn là thời điểm giá cả có xu hướng tăng.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Từ nay đến cuối năm là thời điểm rất nhạy cảm về giá, trong đó có tâm lý đẩy giá lên cao và không loại trừ hoạt động đầu cơ. Nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp kiềm chế giá thì rất có thể CPI tháng cuối năm và tháng cận tết sẽ tăng vụt, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân.
Để kiềm chế giá, ngay từ giữa tháng 11, Thủ tướng đã kịp thời có Chỉ thị 2051/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán 2012, hạn chế tối đa tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với đời sống, xã hội đặc biệt là đến việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 và năm 2012.
Theo đó, các ngành chức năng phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về giá để mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, quan trọng nhất là phải bảo đảm đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh. Thủ tướng cũng đã chỉ thị, nhất thiết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đến bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, kiềm giá cuối năm, từng bộ ngành cụ thể, từng địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt. Bộ NN-PTNT phải bảo đảm chỉ đạo tốt sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, rau xanh để có đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, kể cả trường hợp nhu cầu tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Công thương phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác để bảo đảm cân đối hàng hóa, chủ động điều hòa cung cầu trong phạm vi vùng, miền và trên phạm vi cả nước. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, giảm tối đa khâu trung gian, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng. Đặc biệt, phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mở rộng mạng lưới kinh doanh tham gia bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời điểm trước, trong và sau tết.
Một biện pháp mà các địa phương, trong đó có TPHCM, Hà Nội, đã làm tốt trong nhiều năm qua là dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, nhất là vào dịp tết. Năm nay, các địa phương cũng cần tiếp tục tổ chức và có biện pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp đủ điều kiện làm việc này.
Dĩ nhiên, để kiềm chế giá thành công, Ngân hàng Nhà nước phải tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo của Chính phủ về việc kiểm soát, ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng, không để giá vàng, giá USD “nhảy múa” tự phát. Khi nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, hệ thống phân phối ổn định và cơ quan chức năng quyết liệt triệt tiêu việc đầu cơ, làm giá thì không khó để kiềm chế giá vào dịp cuối năm. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương, lực lượng chức năng góp phần mang đến cho người dân một cái tết thực sự vui tươi.
Thành Vinh