Theo ước tính của Bộ KH-ĐT, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,9%. Đây là mức tăng gần tương đương với mức tăng cùng kỳ năm trước (4,93%). Nếu tính theo quý, GDP quý 2 ước đạt 5%, cao hơn mức tăng 4,76% của quý 1-2013. Bộ KH-ĐT cho rằng, tuy tốc độ tăng trưởng quý 2 và 6 tháng đầu năm không như mong đợi, nhưng là mức tăng khá hợp lý trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội mới đây, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Sức mua xã hội khó tăng mạnh trở lại khi việc làm và thu nhập dân cư giảm sút, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản còn nhiều, hàng tồn kho vẫn ở mức cao.
Tăng trưởng tín dụng khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết và các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng vay vốn mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay, sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế. Nếu các khó khăn trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là một thách thức lớn. Khi thảo luận về các giải pháp điều hành kinh tế của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội cũng đã sốt ruột với tốc độ tăng GDP, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần ưu tiên mục tiêu tăng trưởng thay vì lo giữ lạm phát. Bởi nếu GDP không tăng trưởng thì sẽ kéo theo hàng loạt các hệ lụy xã hội khó lòng giải quyết.
Bộ KH-ĐT cho rằng nếu các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, tăng trưởng GDP năm nay vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra là 5,5%. Chính phủ thể hiện quyết tâm từ nay đến cuối năm tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, có quá nhiều việc Chính phủ phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt mới mong đạt kết quả. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải khôi phục lại lòng tin, nhuệ khí cho doanh nghiệp - hiện đang mất niềm tin trầm trọng vào thị trường. Hầu như các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng hoặc tìm cách bảo toàn vốn. Lòng tin này càng trở lên mong manh hơn khi hàng hoạt các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành vẫn chưa đến với cộng đồng doanh nghiệp, điển hình nhất là gói hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản. Cũng chưa có người dân nào được hưởng chính sách nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội giá dưới 15 triệu đồng/m2 diện tích dưới 70m2 vay được theo tiêu chuẩn 70% giá trị căn hộ, lãi suất 6% trong vòng 10 năm. Trong khi đó, dù lãi suất vay đã giảm nhưng thực tế hiếm doanh nghiệp nào được vay vốn với lãi suất thấp.
Rõ ràng, thời điểm này, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tiêu cực hơn là tích cực. Thậm chí, theo chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm, nhìn lại 5 năm từ 2008 đến nay, nền kinh tế có nhịp độ chậm lại, thậm chí thụt lùi, khoảng cách phát triển so với thế giới và khu vực ngày càng giãn ra. Bởi thế, để chấm dứt sự “sốt ruột” của doanh nghiệp và người dân, trong điều hành 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần tăng tốc tất cả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, vận hành vào thực tế.
“Không còn thời gian cho các giải pháp trên giấy, phải biến thành hành động, nhanh và có hiệu quả”, đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế. Một trong những việc cấp bách hiện nay là Chính phủ phải tiếp tục xử lý, giải tỏa 90.000 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản để giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục triển khai nhiều công trình, dự án còn dở dang, góp phần tạo việc làm, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng. Cần sớm phát hành trái phiếu Chính phủ, mở rộng đầu tư công để kích thích tăng tổng cầu về giao thông, y tế và một số lĩnh vực thực sự thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Giải quyết nhanh nợ xấu của các doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay càng nhanh, càng tốt. Đặc biệt, gói hỗ trợ tài chính 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản phải đi vào cuộc sống ngay bằng cách giải tỏa các vướng mắc về thủ tục, điều kiện thực hiện. Cần tăng tốc hơn, quyết liệt hơn trong thực thi các giải pháp đã có. Tất cả điều đó nhằm khôi phục sức khỏe cho doanh nghiệp, tạo việc làm xã hội, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay, tạo đà phát triển các năm tới.
LÂM NGUYÊN