Quyết liệt vực dậy sản xuất, kinh doanh

Khó khăn cực điểm

Ngày 25-7 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo đề án “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp” theo Nghị quyết 13 và Nghị quyết 26 của Chính phủ. Hàng loạt vấn đề nóng, liên quan đến sự sống còn của các doanh nghiệp (DN) đã được đặt ra.

Khó khăn cực điểm

Theo nhận định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nền kinh tế đang tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của các năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng chỉ bằng 46% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Khu vực DN gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Trong nước, sức mua của người dân giảm 3,1% so với cùng kỳ. Chỉ số hàng tồn kho giảm nhưng còn ở mức cao. Riêng ngành công nghiệp chế biến mức tồn kho đến ngày 1-6-2012 tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá một số mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các DN trong ngành dệt may, da giày phải “ăn đong” đơn hàng…

Ở góc độ của các địa phương, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết, chưa bao giờ khó khăn lại diễn ra trên diện rộng và ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân như thời điểm này.

Tại Cần Thơ hiện có 1/3 số DN phá sản và ngưng hoạt động; 1/3 số DN đã giảm công suất và đang đứng trước bờ vực phá sản và cũng chỉ có 1/3 số DN còn cầm cự và hoạt động tương đối tốt. Giá hàng nông sản xuất khẩu như gạo, thủy sản giảm mạnh, kéo mức sống của người dân ngày càng đi xuống. Tại nhiều chợ của Cần Thơ, sức mua đã giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ.

Ông Lê Phước Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho rằng, tình trạng DN giải thể, ngưng hoạt động không giảm. Ông Vũ cho rằng cái gốc của vấn đề hiện nay là phải có những biện pháp mạnh, triển khai quyết liệt mới có thể vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chậm ngày nào, nền kinh tế sẽ khó tránh khỏi sự đổ vỡ hàng loạt của các DN!

Cần hạ lãi suất xuống mức 5% - 7%

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có những phản ứng liên tục, kịp thời về điều hành tiền tệ nhưng đại bộ phận DN vẫn thiếu vốn nghiêm trọng do không đáp ứng được các điều kiện vay. Để hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn 15%/năm, đề án cần bổ sung thành lập các tổ công tác chuyên ngành kết hợp với các hiệp hội ngành nghề để rà soát, theo dõi những vấn đề liên quan đến vốn và lãi suất cho DN.

Liên quan đến quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN, hiện cả nước có hơn 10 quỹ ở các địa phương, riêng TPHCM có 17 ngân hàng tham gia nhưng do các thông tư hướng dẫn chồng chéo, không rõ ràng nên các quỹ không hoạt động được. Do vậy, cần sớm sửa đổi lại các thông tư, đặc biệt là Thông tư 193 để khơi thông hoạt động của các quỹ.

Đa số ý kiến cho rằng, so với thực lực của các DN hiện nay, mức lãi suất 15%/năm vẫn còn rất cao nên cần có biện pháp kéo giảm lãi suất hơn nữa, tốt nhất là đưa về mức 5% - 7%. Do vậy, trong phần giải pháp trước mắt của đề án cần đưa thêm nội dung này nhằm tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu cũng như giảm áp lực về vốn và lãi suất cho DN. Bộ Công thương cũng cần xem xét đưa vào dự thảo về việc hỗ trợ vốn trung và dài hạn để các DN (đặc biệt là DN ngành gỗ) có thể đầu tư, mua lại máy móc thiết bị giá rẻ từ các nước, tiến tới hiện đại hóa sản xuất.

Lộ trình thực hiện thuế và phí

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, cho rằng, chiến lược phát triển của ngành này trong những năm tới là tăng từ 7% - 10% tại thị trường nước ngoài và chiếm 70% thị phần trong nước. Để làm được việc này thì các DN phải kiện toàn dây chuyền sản xuất. Cái khó là gần đây Bộ Tài chính đã trình và tham vấn Quốc hội về Luật Thuế xuất nhập khẩu sửa đổi. Nếu như trước đây luật này được chia thành 2 nhóm là tạm nhập tái xuất (hưởng mức thuế 0%) và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất (ân hạn là 275 ngày), nhưng với luật sửa đổi thì 2 nhóm này đã nhập thành một và khi nhập khẩu là phải đóng thuế ngay 10%.

Để đảm bảo nguyên liệu sản xuất phục vụ trong nước và xuất khẩu, các DN phải nhập khẩu khoảng 40 - 50 tỷ USD nhưng nếu phải nộp thuế ngay thì số tiền của các DN bị “chiếm dụng” lên tới 4,5 - 5 tỷ USD. Cần dung hòa chính sách vĩ mô, lợi ích nhà nước nhằm chia sẻ với các DN và nên có lộ trình thực hiện, đặc biệt là trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tất cả những vấn đề được đề cập tại hội nghị là hết sức cấp bách. Bộ sẽ tổng hợp để đưa vào dự thảo đề án, trình Chính phủ xem xét và phê duyệt. Mục tiêu của đề án là tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2012, làm tiền đề bắt đầu từ năm 2013 các DN có sự tăng trưởng bù lại sự sụt giảm trong những năm qua. Đây là cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

  • Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ

"Khâu quản lý về giá và chất lượng (đặc biệt là mặt hàng cá tra và gạo) đang bị buông lỏng. Thời gian qua, cơ quan quản lý tự cho các DN định giá bán bao nhiêu cũng được. Trong bối cảnh DN nào cũng có thể xuất khẩu, nhưng các đối tác mua không nhiều dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy bán. Chính từ việc tranh mua, tranh bán giữa các DN đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, làm hạ giá sản phẩm. Bộ Công thương cần quan tâm đến 2 mặt hàng gạo và thủy sản trong việc xây dựng thương hiệu cũng như cơ chế đồng bộ trong quản lý xuất nhập khẩu"

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục