Quyết liệt xử lý xe quá tải

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bắt đầu từ hôm nay 9-4 sẽ vào cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải trên quốc lộ 5 (Hải Phòng). Đây là động thái mở màn cho kế hoạch xử lý triệt để tình trạng xe quá tải, thủ phạm chính đang tàn phá hệ thống đường bộ ở khắp các địa phương.
Quyết liệt xử lý xe quá tải

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bắt đầu từ hôm nay 9-4 sẽ vào cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải trên quốc lộ 5 (Hải Phòng). Đây là động thái mở màn cho kế hoạch xử lý triệt để tình trạng xe quá tải, thủ phạm chính đang tàn phá hệ thống đường bộ ở khắp các địa phương.

  • Buộc xe hạ tải

Từ ngày 9 đến 28-4, lực lượng liên ngành gồm Ban Thanh tra đường bộ 1 thuộc Tổng cục ĐBVN; Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ số 2 thuộc Phòng 6 - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (P6/C67); Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) và Công an huyện An Dương (TP Hải Phòng) sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các ô tô tải, ô tô đầu kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, ô tô chở container, chở hàng quá tải, quá khổ; ô tô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên tuyến quốc lộ 5 (đoạn Km 78 - Km 79) thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Thông qua trạm cân, hệ thống cân di động, các xe vi phạm tải trọng sẽ bị lập biên bản vi phạm, lái xe hoặc chủ xe phải hạ tải xe theo quy định trước khi được tiếp tục lưu hành, mọi chi phí do chủ xe tự chịu. Việc kiên quyết hạ tải thể hiện quyết tâm trong việc xử lý xe quá tải bởi từ trước đến nay, do không có bãi giữ xe vi phạm, không có thiết bị hạ tải nên cơ quan chức năng thường du di cho xe vi phạm tiếp tục lưu hành.

Xe tải chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên Quốc lộ 1A. Ảnh: Thái Bằng

Xe tải chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên Quốc lộ 1A. Ảnh: Thái Bằng

Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho biết, việc triển khai kế hoạch lần này nhằm kiềm chế được vi phạm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa quá tải trọng. Ngoài ra sẽ củng cố tốt hơn khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, rút kinh nghiệm để làm điển hình nhân rộng trên tất cả các tuyến quốc lộ trên phạm vi cả nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Lê Đình Thọ cũng khẳng định, kế hoạch lần này mang tính quyết liệt, nhằm giải quyết triệt để tình trạng vi phạm về an toàn giao thông đối với 3 nhóm đối tượng chính, gồm: chủ hàng, chủ phương tiện, lái xe trong việc chấp hành quy định về vận tải, tải trọng hàng hóa. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, Tổng cục Đường bộ cũng cho biết sẽ hết sức chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các thành phần tham gia giao thông, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động vận tải hàng hóa khối lượng lớn.

  • Kết hợp nhiều biện pháp mạnh

Trong Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được Thủ tướng phê duyệt), cả nước sẽ đầu tư xây dựng 45 trạm cân xe cố định và 142 bộ cân lưu động. Hiện Bộ GTVT đã lập dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2015.

Theo Tổng cục ĐBVN, việc xây dựng các trạm cân xe cố định mất nhiều thời gian, kinh phí do liên quan đến bố trí, giải phóng mặt bằng của các địa phương, trong khi việc kiểm soát, xử lý xe quá tải lại là việc không thể chậm trễ hơn nữa, do vậy các trạm cân di động sẽ được ưu tiên với 4 trạm đầu tiên được đầu tư ngay năm 2013. Trong đó, trạm kiểm soát đặt trên QL5, QL10 là những tuyến đường có mật độ xe quá tải lớn, hoạt động ngay trong tháng 4 này.

Thông tin từ Bộ GTVT cũng cho biết, hiện bộ này đang phối hợp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định vị trí cụ thể trạm kiểm tra tải trọng xe để sớm thúc đẩy việc kiểm soát hiệu quả xe quá tải.

Theo đại diện Tổng cục ĐBVN, bên cạnh việc gấp rút đầu tư các trạm kiểm tra tải trọng xe, các cơ quan chức năng sẽ đồng thời áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để kiểm soát xe quá tải, như kiểm soát phương tiện từ khâu đăng kiểm bằng việc bổ sung thông số “tải trọng trục cho phép tham gia giao thông” trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kiểm soát tại nguồn hàng bằng cách quy trách nhiệm và hình thức xử lý vi phạm đối với các chủ nguồn hàng trong việc kiểm soát tải trọng trước khi xe lưu hành trên đường bộ; kiến nghị bổ sung thêm khung phạt ứng với mức độ quá tải như từ 20%-50%, 50%-100% và lớn hơn 100% vào Điều 36 “Xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ô tô chở hành khách)” của Nghị định 71/2012/NĐ-CP.

Thậm chí, Tổng cục ĐBVN còn đề nghị xây dựng khung hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm nhiều lần hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng như: có thể truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt vào tù đối với những hành vi vi phạm này...  

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục